Test Footer 2

Trăm nẻo đê điều

Hơn 22 năm gây dựng, tỉnh Sóc Trăng đã có trên 500km đê biển, đê sông. Đó là chưa kể cả trăm kilômét bờ bao ôm lấy những vuông vườn, thửa ruộng… Để chinh phục những con đê “vạn lý” ấy, Sóc Trăng đã phải hao tốn biết bao sức người, sức của. Ngoài việc đem lại sự an bình cho nền kinh tế và đời sống xã hội, cái quý giá hơn chính là thu phục được lòng dân.
Làm đê không của riêng ai
Anh Hai Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, không nghỉ ngày chủ nhật, tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm các tuyến đê biển, đê sông của xứ sở quanh năm bốn bề sóng vỗ này. Những con đê biển, đê sông tuy bằng đất nhưng dài thăm thẳm, cắt ngang giữa những rẫy mía, vườn cây, ao cá…
Anh Hai Văn năm nay ngoài 50 tuổi, sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở “hòn đảo” được mệnh danh là “cù lao Mía” này nên hiểu mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, dân sinh nơi đây. Anh giải thích: “Đê là một trong số ít các công trình lớn của Cù Lao Dung, có tác động tích cực đến kinh tế, đời sống người dân. Không có đê thì nước biển dâng sẽ ngập cả cù lao”. Chúng tôi theo anh đi suốt chiều dài 24km đê biển (chiều cao 3,5m, bề mặt rộng 6m). Đê nằm vắt ngang giữa Nông trường 30-4, phía trước là một rừng bần phòng hộ xanh ngắt, chắc chắn, rộng trên 1.500ha, thuộc xã An Thạnh Nam. Tuyến đê sông tả – hữu bao trọn Cù Lao Dung, giữa 2 cửa Trần Đề và Định An dài 82km. Đê sông tả – hữu xuống cấp nên được cấp kinh phí tu bổ và làm mới nhiều đoạn. Đê tả – hữu được khởi công tôn tạo từ năm 2000 nhưng do thiếu kinh phí, mãi đến năm 2012 mới hoàn thành.
Theo anh Hai Văn, trước năm 2000, tuyến đê biển do Nông trường 30-4 tự đắp, tuyến đê tả – hữu thì huy động sức dân. “Cù lao Mía” có tới 360 kênh, rạch; từ lâu, người dân đã có ý thức tự đắp bờ bao riêng trên miếng vườn, thửa ruộng của mình. Nhưng do đê làm thủ công, lại thiếu cống giữ, thoát nước nên cứ đến thời điểm mưa “đậm” (tháng 9, tháng 10 âm lịch), thủy triều không “ập” chỗ này thì cũng “kích” chỗ kia. Làm đê không của riêng ai! Nếu cứ trông chờ vào kinh phí của nhà nước thì mùa màng chắc chắn sẽ dâng cho hà bá. Do vậy, huyện đã huy động mọi lực lượng đắp đê.
Đê biển ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Đê biển ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Anh Tư Hồ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Trần Đề, đưa tay vuốt mồ hôi, sốt sắng giới thiệu: “Sóc Trăng chưa có tuyến đê biển nào được bê tông hóa nhưng đoạn Long Phú – Trần Đề có chiều dài 15km này có tuyến đường Nam sông Hậu bắc qua nên chắc chắn không thua gì bê tông”. Chúng tôi nhìn vào cánh đồng năn mênh mông giống như một TP trập trùng những vuông tôm công nghiệp, nhan nhản đường kênh thẳng tắp, các bờ bao “chiến lũy”, “đại công trình” đào thoát nước lớn là cống Sáu Quế 1, Sáu Quế 2 sừng sững như tượng đài mới hiểu được hiệu quả của tuyến đê biển này mang lại. Cánh đồng năn bây giờ sung túc, không còn những ngày tháng hàn vi như 22 năm trước.
Anh Lưu Khánh Vân (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) sau khi nghỉ hưu, về đồng năn nuôi tôm công nghiệp đã 15 năm. Anh hiểu cánh đồng năn như chính bản thân mình. Anh kể: “Tháng 4-1992, tỉnh Sóc Trăng mới được tái lập. Trong gian khó đủ điều, vậy mà thiên tai ập đến. Trận triều cường xảy ra vào ban đêm, trung tuần tháng 9-1992, nước biển thốc qua đê, tràn vào cánh đồng năn. Trong phút chốc, cả cánh đồng mênh mông rộng trên 5.000ha trở thành biển nước. Tôm, cua, cá của bà con đang nuôi bị cuốn phăng ra biển. Vào thời điểm này, đồng năn mới được cải tạo, người nuôi tôm, cua không nhiều lắm, vậy mà mức thiệt hại cũng lên đến hàng chục tỷ đồng”.
Tai họa ập đến bất ngờ đã “thức tỉnh” các nhà lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Thanh Bình (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh) hiểu rằng: không có tiền thì dựa vào sức dân. Một cuộc “cách mạng” trong công trình làm đê đã được thực hiện. Hàng vạn lượt dân công trong tỉnh đã được huy động. Họ tự trang bị những công cụ đắp đê. Họ hiểu hơn ai hết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Nhiều công trình, người đông như kiến. Họ làm việc không kể giờ giấc để công trình mau chóng được hoàn thành… Vậy là hơn 500km đê biển, đê sông đã được làm mới (60%) và nâng cấp cải tạo.
Trước áp lực biến đổi khí hậu
Từ cánh đồng năn (huyện Trần Đề), chúng tôi về Vĩnh Châu (một huyện ven biển vừa mới được nâng cấp lên thị xã) chỉ qua cầu Mỹ Thanh 2 là tới. Gần 22 năm trôi qua, những tuyến đê biển, đê sông được mệnh danh là “công trình thế kỷ” ấy, giờ nhiều đoạn đã xuống cấp. Tuyến đê biển từ xã Vĩnh Tân đến xã Lai Hòa dài gần 20km, hầu như không còn rừng phòng hộ. Bờ biển “khoáng đạt” đã để thủy triều, gió chướng và sóng biển tự do nhồi đập, làm lở lói nghiêm trọng.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, tuyến đê biển Vĩnh Châu đã bị sạt lở 7 đoạn, mất khoảng 1.000ha rừng phòng hộ. Anh Tư Hiếu, một trong những người nuôi tôm ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, đang hướng dẫn anh em nhân công sửa lại bờ bao, sên mương dẫn nước vào vuông nuôi tôm, phân tích: “Tại sao nuôi tôm mấy năm nay cứ thất bát hoài? Một phần do thời tiết mưa nắng bất thường vì biến đổi khí hậu, còn lại là hệ thống kênh mương, bờ bao nội đồng chưa hoàn chỉnh. Nhiều nơi chỉ có một kênh vừa lấy nước vừa thoát nước nên người này thất mùa, nuôi tôm chết, thải ra, người nuôi khác lấy vào, tôm lại chết, tạo thành một phản ứng dây chuyền”. Không chỉ anh Tư Hiếu và bà con nuôi tôm Vĩnh Châu mới trần tình chuyện nuôi tôm “gãy gánh” vì khí hậu biến đổi thất thường. Trước khi đến đây, chúng tôi đã gặp anh Tư Nên, một trong số những người nuôi tôm công nghiệp ở ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề ven bờ bắc sông Mỹ Thanh. Anh lắc đầu ngao ngán: “Lóng rày nuôi tôm thất quá, muốn phá sản rồi! Tôi đang cho sên mương, sửa bờ bao để nuôi tôm thẻ thay tôm sú thử xem sao. Mấy năm nay, mưa nắng thất thường, khó cho nông dân chúng tôi quá”.
Gần chục năm nay, Sóc Trăng cũng như các tỉnh ven biển khác ở ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang hầu như đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chuyện tính toán làm ăn không còn theo ý muốn của họ mà phụ thuộc vào thiên nhiên. Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Những công trình lớn như cống đập ngăn mặn, giữ ngọt, đê kiên cố thì chỉ có máy móc mới làm được. Năm nào Chính phủ cũng cấp vốn để Sóc Trăng cải tạo đê điều, làm cống bọng… Tuy nhiên, kinh phí thường rót chậm và thiếu”. Vì thế, mùa khô, mặn vẫn vào nội đồng; mùa mưa lũ không tràn chỗ này thì vào chỗ kia là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khẳng định: “Đồng ý là tỉnh rất cần vốn của trung ương, nhưng trong khi chờ đợi, mình phải tự lực thôi! Sóc Trăng đã quyết định đầu tư trên 100 tỷ đồng để làm mới, tu sửa các công trình thủy lợi; trồng rừng chống xói lở bờ biển, bờ sông. Chúng tôi đã và đang phát động phong trào “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nghĩa là doanh nghiệp (nuôi tôm công nghiệp) và nông dân phải bắt tay tự khai mương, đắp bờ bao nội đồng của khu vực và trên diện tích canh tác của mình”.
Theo Lê Bình/Sài Gòn Giải Phóng, 20/04/2014
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment