Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang diệt sao biển gai, bảo vệ môi trường sống của san hô. Ảnh: TƯỜNG VI
San hô tại vùng biển Việt Nam có tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, tại các kịch bản biến đổi khí hậu (BÐKH) và nước biển dâng năm 2009, 2011 chưa đề cập đến tác động với san hô biển Việt Nam. Ðể ứng phó với BÐKH, quản lý tổng hợp thống nhất nguồn san hô quý giá, các cơ quan chức năng cần xây dựng Chiến lược quốc gia Quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên san hô biển Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay diện tích san hô trên toàn thế giới khoảng 230 nghìn km2, riêng vùng biển Việt Nam, diện tích san hô chiếm 0,5% diện tích san hô trên toàn thế giới. Vùng biển Việt Nam, hiện tập trung khoảng 400 loài san hô, trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rải rác từ bắc tới nam, nhưng chủ yếu tập trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa. Ðiển hình như, tại vùng biển Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa); Hòn Ðỏ - Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) là những nơi bảo vệ tốt rạn san hô, tạo ra môi trường sinh thái của hơn hai nghìn loài sinh vật đáy và cá, trong đó có khoảng 400 loài cá sống quanh san hô, cùng nhiều loài hải sản quý. Ðặc biệt, những năm gần đây san hô đã được ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực y học như chuyên khoa mắt, răng, hàm, mặt; tạo hình những phần khiếm khuyết cho người bệnh bị tổn thương về xương, y học cổ truyền...
Theo các chuyên gia, hiện tượng khai thác quá mức nguồn hải sản, phá hủy các rạn san hô và môi trường biển đang diễn ra nghiêm trọng trên phạm vi rộng lớn. Thực tế cho thấy, mỗi năm nước ta mất hơn 50 tấn san hô, chưa kể mất san hô đen ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Bình. Các chuyên gia cũng cho rằng, với tốc độ san hô bị phá hủy như hiện nay, khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển nước ta. Các số liệu thống kê gần đây về "sức khỏe" rạn san hô Việt Nam cho thấy, chỉ còn 1% các rạn san hô trong điều kiện rất tốt (độ phủ san hô sống hơn 75%); 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt (độ phủ san hô sống 50 đến 75%); 41% các rạn san hô trung bình (độ phủ san hô sống 25 đến 50%) và còn lại 31% là các rạn san hô nghèo. Ðiều đáng lo ngại, hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động của con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao. Khai thác hủy diệt được xác định như là nguyên nhân quan trọng nhất phá hủy rạn san hô.
Trong năm các năm 2009 và 2011, Việt Nam công bố kịch bản BÐKH và nước biển dâng, nhưng các kịch bản nêu trên chủ yếu đề cập đến các kịch bản cho phần đất liền của nước ta, riêng phần kịch bản phát thải CO2, ảnh hưởng như thế nào đến nhiệt độ nước biển, nhất là san hô biển chưa được đề cập. Nhằm phát huy lợi thế các nguồn tài nguyên biển, giảm nguy cơ tác động của BÐKH và nước biển dâng, trong đó có việc bảo vệ và phát triển các nguồn lợi kinh tế do các rạn san hô mang lại, trước hết chúng ta cần sớm xây dựng kịch bản BÐKH chi tiết cho các tham số biển, phát thải CO2, nhiệt độ, các-bon các tầng nước, san hô. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia Quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên san hô biển Việt Nam phục vụ phát triển biển bền vững và ứng phó với BÐKH. Ðồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ san hô biển Việt Nam; tăng cường xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn san hô, nhất là bảo vệ các nguồn gien san hô quý hiếm như san hô đen, san hô đỏ ở quy mô cấp quốc gia, tỉnh và địa phương.
Các cấp chính quyền, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm và việc khai thác thủy sản trái phép, neo đậu tàu thuyền làm hư hại san hô như việc thả phao khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có rạn san hô; tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng và khối doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Ðẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác bảo vệ san hô, trong đó chú trọng đến việc huy động sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước về bảo vệ san hô, cũng như có các cơ chế, chính sách khuyến khích kịp thời các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển các rạn san hô một cách bền vững ở các địa phương...
TS DƯ VĂN TOÁN
(Viện Nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo)
Theo Nhân dân điện tử
0 nhận xét:
Post a Comment