Chính phủ xác định, đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt, lâu dài và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính chính trị.
Thực hiện các biện pháp cấp bách
Theo thông báo ngày 29/2 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về tình hình xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mùa Đông Xuân.
Theo đó, mùa khô ở khu vực này đã bắt đầu từ cuối tháng 12-2015 và kéo dài đến hết tháng 8-2016, khiến lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt 60%-80%, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30%-50%, trong khi đó các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ tương tự hoặc thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, một số tỉnh đã bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ vụ Đông Xuân 2015-2016. Đến thời điểm này đã có tổng cộng gần 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước (Khánh Hòa 1.800 ha, Ninh Thuận 5.770 ha, Bình Thuận 15.400 ha), thời gian tới sẽ có khoảng 3.000 ha lúa và cây lâu năm ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước.
Hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ hè thu 2016, dự kiến ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất (Khánh Hòa 10.000 ha, Ninh Thuận 10.000 ha, Bình Thuận 20.000 ha). Tình trạng hạn hán, thiếu nước cho cây trồng sẽ ảnh hưởng đến các địa phương khác trong khu vực. Ngoài ra, nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu hụt, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên.
Tại các tỉnh tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác (cây trồng cạn được 21%-25%, tùy theo địa phương và điều kiện nguồn nước của từng năm). Đến thời điểm này, ở vụ đông xuân năm 2015-2016 tổng diện tích phải dừng sản xuất là 2.865 ha (Gia Lai 2.650 ha, Đắk Nông 215 ha).
Dự kiến trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Bình Phước 36.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha,...); trong đó riêng cây cà phê bị hạn khoảng 100.000 ha. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt khả năng xảy ra ở một số địa phương, nặng nhất là Đắk Lắk (khoảng 25.000 hộ bị ảnh hưởng).
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đối phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương coi công tác phòng, chống hạn hán hiện nay là cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Đề xuất giải pháp lâu dài
Chiều 29/2, trả lời báo giới tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ về các giải pháp của Chính phủ đối phó với tình trạng hạn hán và xâm mặn gay gắt hiện nay, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Định cho biết đây là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt và lâu dài.
Ông Định cho biết trước tình hình hình trên, từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Chính phủ ghi nhận các giải pháp cấp bách do Bộ NN&PTNT đề xuất, tổ chức dự báo khí tượng thủy văn về nguồn nước xâm nhập mặn phục vụ chỉ đạo điều hành.
Để khắc phục và xử lý tình trạng này, Bộ Bộ NN&PTNT đã xây dựng bản đồ về xâm nhập mặn, phổ biến đến các cơ quan liên quan và người dân để chủ động phòng tránh, khắc phục. Bộ chỉ đạo ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người và gia súc, nước tưới cho diện tích cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nước cho nuôi trồng thủy sản, cho khu công nghiệp, có lộ trình ưu tiên cho từng đối tượng.
Song song với đó, Bộ tiến hành các biện pháp căn cơ hơn như đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt, khoan giếng, đào kênh, đặt ống để dẫn nước, dài hạn hơn là điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dịch mùa vụ một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả.
Bộ Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng bổ sung kinh phí cho 39 tỉnh triển khai ngăn mặn, chống hạn và đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng như đắp đập, đào ao, làm kênh, làm hệ thống cấp nước sinh hoạt. Dự kiến về lâu dài, từ năm 2016-2020 cần khoảng 55.000 tỷ đồng cho việc này.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tương đối tốt việc điều tiết nước các hồ thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào thời kỳ khô hạn và cân đối bảo đảm nguồn nước cho cả năm 2016, việc xả nước chỉ ở mức độ hạn chế.
Về phía Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh bị thiệt hại, trong lúc Bộ Tài chính chưa kịp cấp, các địa phương chủ động ứng ngân sách giải quyết ngay cho dân, sau đó Bộ Tài chính cấp bù.
Tiếp tục đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, cả hệ thống chính trị phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách cả trước mắt và lâu dài, phải vào cuộc làm tốt.
Theo L.Nhi-Monre
0 nhận xét:
Post a Comment