Tính mạng của hằng trăm hộ dân đang sống trong khu vực sạt lở bị đe dọa. Trước tình trạng này, tỉnh Bình Thuận cùng các nhà khoa học và Cục Phòng chống thiên tai Trung ương đang tìm các giải pháp khắc phục, nhằm ổn định cuộc sống người dân.
Trước tình trạng biển xâm thực ngày càng ghiêm trọng tại Bình Thuận, ngày 24/2, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đến kiểm tra tình hình sạt lở tại đây, nhằm tìm giải pháp khắc phục lâu dài.
Khu dân cư thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết hoang tàn sau khi đợt xâm thực vừa qua. |
Đợt biển xâm thực đầu năm 2016 khiến cho 70 gia đình ven biển Bình Thuận mất nhà, lâm cảnh màn trời chiếu đất. |
Ông Tăng Quốc Chính, Phó cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai Trung ương cho biết: "Đây là lần thứ hai, chúng tôi đến khảo sát. Riêng lần này, nhân dịp có Giáo sư Marcel Stive ở trường Đại học Công nghệ Delft Hà Lan sang, chúng tôi có mời giáo sư tham gia cùng đoàn, tranh thủ ý kiến đóng góp của ông đối với các giải pháp cũng như định hướng để xây dựng xử lý chống xói lở ở khu vực này".
Cách nay khoảng 1 tháng, Khu phố 14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong là một trong 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng biển xâm thực ở tỉnh Bình Thuận. 29 căn nhà đã bị sụp đổ hoàn toàn. Những căn nhà kiên cố nay trở thành những đống gạch vụn, bê tông đổ nát, chỏng chơ trước biển.
Đoàn công tác cùng các chuyên gia khảo sát tình hình tại KP14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. |
Bà Hoàng Thị Linh kể lại sự việc: "Sóng lớn đánh vào tận nhà khiên mọi người không dám đứng trong nhà. Sóng lớn đến mức như có thể lôi cả nhà mình ra. Ngồi nghe cứ ầm ầm, nhà sập luôn".
Không chỉ ở Tuy Phong, tại nhiều nơi khác ở ven biển Bình Thuận, sóng biển cũng xâm thực. Tại thành phố Phan Thiết, sóng lớn gây sạt lở hơn 1 km bờ biển, ăn sâu vào gần 10 mét, giật đổ 41 căn nhà ở phường Đức Long và xã Tiến Thành.
Cuộc sống của hằng trăm hộ dân ven biển đang bị đe dọa. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã cấp kinh phí tạm thời hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Kè tạm bằng bao cát, cọc cừ, đá chẻ… cũng được làm tạm để chắn những đợt sóng lớn.
Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết: "Về lâu dài, tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương, đề suất nghiên cứu, đầu tư xây dựng kè kiên cố cho người dân trong khu vực để bảo đảm cho nhà dân còn lại trong khu vực bị sạt lở".
Sau chuyến khảo sát này, Cục Phòng chống thiên tai cùng các nhà khoa học và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng trao đổi, xem xét các đề xuất phù hợp nhất. Tỉnh Bình Thuận đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai hỗ trợ kinh phí xây dựng Kè khẩn cấp bảo vệ các khu dân cư đang bị đe dọa, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân địa phương./.
0 nhận xét:
Post a Comment