Test Footer 2

Tập trung, chủ động chống hạn, xâm nhập mặn

 
Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Phòng, chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh vùng ĐBSCL”.

Sáng 17/02/2016 tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL”. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL…
* Tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino năm 2015- 2016 nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 đến 50%, đặc biệt có nơi thiếu hụt 80%.
Mực nước thượng nguồn Mê Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua, mùa khô năm 2015-2016 do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tháng so với cùng kỳ hàng năm và khả năng sẽ kết thúc muộn hơn 1 tháng, đồng thời mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng.
Tại khu vực sông Vàm Cỏ so với cùng kỳ năm 2015 độ mặn cao hơn 6,2 đến 7,7g/l, vào sâu 93km, cao hơn cùng kỳ năm 2015 10km; tại khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền so với cùng kỳ năm 2015 độ mặn cao hơn từ 1,7 đến 9,1g/l, mặn xâm nhập vào sâu hơn so với năm 215 từ 10 đến 15km; khu vực sông Hậu mặn đã xâm nhập sâu hơn năm 2015 là 15km và độ mặn cao hơn cùng kỳ từ 5,4 đến 11,7g/l…
 Do ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn, nên vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 ở 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán với diện tích 339.234 ha, chiếm 35,51 % diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,9% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL, trong đó diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.
 
Tại hội nghị, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang diễn biến phức tạp, hiện tại mặn không chỉ xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang từ hướng biển Tây nữa mà mặn còn xâm nhập từ biển Đông vào, khiến cho khu vực TX. Ngã Bảy - nơi chưa từng bị mặn xâm nhập cũng đã bị nhiễm mặn.
Do ảnh hưởng từ tình hình xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 340ha diện tích trồng lúa của người dân của tỉnh Hậu Giang. Còn tại tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, trong vụ lúa mùa năm 2015, gần 57.900ha lúa của người dân của tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, trong đó diện tích bị thiệt hại là 30.000ha...
* Nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn
 Ông Cao Đức Phát, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, tình hình xâm nhập mặn như hiện nay là tình huống thiên tai, nên các địa phương cần nâng cao trách nhiệm thực hiện các giải pháp phòng, chống với sự hỗ trợ của Trung ương. Đây là trận thiên tai nghiêm trọng cả trăm năm mới có một lần và có những diễn biến chúng ta không thể lường trước được.
Mặc dù các Bộ, Ngành, địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, nhưng cũng gây thiệt hại gần 50.000ha lúa của 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và thiệt hại này chưa dừng lại ở đó vì mặn còn xâm nhập sâu cho đến tận tháng 5 tháng 6/2016. “Đây là thiên tai,  vì vậy các địa phương phải chủ động đề ra kế hoạch giải quyết nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, nạo vét, đắp đập, cống gia cố các đê bao… phòng chống xâm nhập mặn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho mọi người dân hiểu cùng chung tay ứng phó, kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho người dân...”- Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát yêu cầu.
Trước yêu cầu của tỉnh Hậu Giang về việc khoan khoảng 6 giếng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, vùng ĐBSCL đang xảy ra hiện tượng sụt lún, do đó việc khai thác nguồn nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, sụt lún... nhưng vì nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân khi nguồn nước mặt bị nhiễm mặn không còn cách nào khác là phải khoan giếng...
 
“Tuy nhiên, phải tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu sử dụng các giếng khoan làm sao cho căn cơ, bảo đảm không sụt lún...”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Linh Ngọc, đối với tình hình thời tiết, hạn mặn... các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thường xuyên cung cấp thông tin, dự báo, nhận định về tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn... để các Bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp phòng chống...
Để phòng chống hạn, xâm nhập mặn hiệu quả về giải pháp trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất, thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn; Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới; đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn tổ chức lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kên; Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước; theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả; tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép...
Về lâu dài, bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; Nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; đầu tư cho hệ thống đê kết hợp trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển; quản lý, nâng cấp độ che phủ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Bộ, Ngành, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động kịp thời đề ra giải pháp xử lý tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, từ đó đã giảm thiệt hại cho người dân...Dự báo của cơ quan chức năng cho thấy, tình hình xâm nhập mặn năm 2016 đến sớm hơn, xâm nhập sâu hàng trăm cây số, kéo dài có thể đến tháng 7/2016, hàng chục tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng, do vậy nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn...
“Các địa phương phải chủ động đề ra các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Tình hình xâm nhập mặn đã có từ lâu rồi, nay mặn xâm nhập sâu hơn, độ mặn nghiêm trọng hơn so với các năm trước, nhưng chính quyền địa phương cần bình tỉnh đề ra các giải pháp xử lý nhanh, kịp thời, sử dụng ngân sách hiệu quả, huy động hệ thống chính trị, người dân vào cuộc. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung chăm lo cho người dân, đặc biệt là nước sinh hoạt, không để xảy ra dịch bệnh do hạn mặn. Tranh thủ dự trữ nước ngọt, ưu tiên phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi, hỗ trợ ngay cho các hộ dân bị thiệt hại...”- Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ, Ngành cần nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu căn cơ để áp dụng giải pháp công trình hay phi công trình đạt hiệu quả, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nghiên cứu giải pháp trữ nước ngọt, phát triển giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mặn, biến đổi khí hậu...

L.Hùng- Monre
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment