(NLĐO) - Lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Cửa Đại, Hội An đã tự đứng ra tổ chức một hội thảo tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển để tự cứu mình.
Ngày 25.2, tại Palm Garden Resort, Hội An, Quảng Nam, Công ty cổ phần Dệt Công nghiệp Hà Nội ( Hacatex) phối hợp với Palm Garden Beach Resort & Spa Hội An tổ chức Hội thảo :“ Các giải pháp kè mềm chống sạt lở bờ biển Cửa Đại”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh K.Ngân
Tham dự Hội thảo là các các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, vật liệu… trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề chống sạt lở bờ biển.Đây là Hội thảo đầu tiên do tư nhân tổ chức tìm giải pháp cho vấn đề này.
Tìm công nghệ tối ưu
Ông Nguyễn Thành Sang, chủ nhân của Palm Garden Beach Resort & Spa Hội An cho biết, ông chủ động tổ chức Hội thảo lần này không đi sâu phân tích các nguyên nhân sạt lở mà tập trung vào việc tìm được một giải pháp thiết thực có thể triển khai ngay để ngăn chặn việc biển đang xâm thực ngày càng trầm trọng ở bãi biển Cửa Đại. Khu resort của ông trước kia tưởng an toàn nay cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chậm ngày nào nguy cơ biển lấn dần vào khu resort lớn ngày đó.
Sóng biển tấn công các khu resort ven biển Cửa Đại. Ảnh Trần Thường
Tại hội thảo, đại diện Haicatex, đơn vị sản xuất vải địa kỹ thuật (Geobag) dùng để cung cấp cho các công trình kè biển bằng phương pháp kè mềm (đựng cát trong bao xếp thành bờ kè). Vật liệu này trước đây vốn phải nhập ngoại, nay công ty đã nghiên cứu và sản xuất. Sản phẩm được xuất khẩu sang Úc, Newzeland, Malaysia, Indonesia… dùng để kè biển, chắn sóng có hiệu quả.
Chuyên gia kè biển Hendra Hidayat thuộc Công ty GSI đến từ Indonesia đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc dùng Geobag của Haicatex vào các dự án kè biển tại khu du lịch Bengkulu thuộc đảo Sumatra bị sạt lở hàng trăm cây số và một số các dự án kè biển ở Malaixia, Mianma... thu được kết quả tốt. Theo ông , cách làm này có thể áp dụng để chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại có hiệu quả.
Ông Douglas Sutherland, chuyên gia phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Huesker (Đức) cũng đồng quan điểm và giới thiệu các giải pháp kè mềm chống sạt lở bờ biển đặc trưng mà Huesker đã cung cấp cho khách hàng khắp thế giới.
Các nhà khoa học ở trường Đại học Thủy lợi trình bày những kinh nghiệm chắn sóng, chống sạt lở có hiệu quả ở bờ biển Nha Trang và khẳng định để các phương án chống sạt lở bờ biển Cửa Đại có hiệu quả phải thu thập đầy đủ mọi thông số kỹ thật chi tiết, liên quan đến địa hình, địa chất, sóng, dòng chảy… của vùng biển này.
Bãi biển trong các khu resort ven biển Cửa Đại mất dần. Ảnh Trần Thường
PGS.TS Trần Thanh Tùng đề xuất phương án “nuôi cát”, “bẫy cát”. Bằng cách nuôi bãi, giảm tối đa thất thoát bùn cát ra ngoài, để bãi biển tự tái tạo. Nhiều nước đã nuôi cát thành công, như Đức, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Singapore… Tại Việt Nam một tư nhân đã thực hiện thành công tại Mũi Né (Bình Thuận). Sau khi quan sát một số điểm sạt lở tại bãi biển Cửa Đại, GS.TS Lương Phương Hậu nhận xét, một số nơi người ta xây tường, kè thẳng đứng để chắn sóng, làm vậy sóng đập vào tạo sóng phản xạ, đào thêm cát mang đi. Về nguyên tắc, chắn sóng bên ngoài và giữ cát bên trong mới giữ được bờ biển. Phương pháp kè mềm mà các chuyên gia kè biển giới thiệu là một trong những phương án tối ưu giải quyết được những vấn đề trên.
Kè biển tại Cửa Đại. Ảnh Trần Thường
Nỗi lo không từ các giải pháp
Đại diện cho cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam ông Huỳnh Tấn Đức – giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho biết để giải quyết lâu dài cho vấn đề sạt lở bờ biển, tỉnh Quảng Nam đã đặt hàng cho Trường Đại học Thủy Lợi làm Dự án phòng hộ ven biển và kêu gọi nguồn vốn tài trợ quốc tế cho Dự án này. Đó là Dự án phi công trình. Ông Đức cho biết, các biện pháp công trình khẩn cấp cứu bờ biển làm trước mắt về nguyên tắc không được phá vỡ các dự án lâu dài bảo vệ bờ biển tự nhiên.
Trước sự lo lắng của các doanh nghiệp có bãi biển bị xâm thực, ông Phạm Quốc Tuấn, kỹ sư cầu đường Cienco 5, là người từng tham gia thi công cầu Cửa Đại, và hiện đang giúp xử lý sạt lở bãi biển cho một số khách sạn trong khu vực này, trình bày phương án “khóa đáy” giữ cát, sau đó sẽ tôn tạo lại bãi biển bằng cách chở cát từ nơi khác đổ đầy. Ông Tuấn khẳng định sẵn sàng làm trước sau 2 năm bảo hành mới nhận tiền.
Một đoạn bờ biển Cửa Đại , Hội An được kè chắn sóng. Ảnh Trần Thường
Ông Nguyễn Thành Sang, chủ khách sạn Palm Garden sốt ruột: “ Mọi việc đã cấp bách lắm rồi, doanh nghiệp không thể chờ đợi hơn được nữa. Doanh nghiệp tìm được giải pháp tự cứu mình, bằng mọi giá phải bảo vệ bãi biển của mình.” Nhưng ông cũng lo lắng chính quyền chưa cho phép !
Mong muốn Hội thảo sẽ tìm ra một giải pháp cụ thể nhưng dường như mọi câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ với doanh nghiệp, nỗi lo lắng mất bãi biển vẫn còn đó.
Kim Ngân
0 nhận xét:
Post a Comment