Test Footer 2

Phát triển bền vững hệ sinh thái vùng triều



Vấn đề nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học đang là những vấn đề trọng tâm và diễn ra ngay trong nội tại hệ sinh thái vùng triều. Vì vậy, những đòi hỏi cấp bách về một bộ số liệu tin cậy, có cơ sở khoa học về tài nguyên và môi trường vùng triều vịnh Bắc Bộ là vấn đề cần thiết nghiên cứu nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vùng ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ.
Đề tài "Nghiên cứu hiện trạng môi trường, biến động nguồn lợi, đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng triều ven biển miền Bắc Việt Nam (từ Quảng Bình trở ra), đề xuất mô hình khai thác, nuôi trồng, bảo tồn và  quản lý bền vững" (KC.09.07/11-15) do PGS.TS. Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường biển làm chủ nhiệm đã đáp ứng được đòi hỏi đó nhằm bảo vệ môi trường vùng triều vịnh Bắc Bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tiềm năng hệ sinh thái vùng triều
Vùng triều là cầu nối giữa lục địa với biển khơi. Do vậy, tất cả các hoạt động kinh tế xã hội trên đất liền hay dưới biển khơi đều tác động đến vùng triều và đổi lại vùng triều lại tác động hỗ trợ các hoạt động này. Vùng triều còn là bức tường che chắn cho phần lục địa, tránh đi mọi tai biến thời tiết, xâm nhập mặn hay xử lý các chất ô nhiễm từ đất liền thải ra.
Hệ sinh thái vùng triều là một hệ sinh thái đặc trưng của dải ven biển Việt Nam. Hầu như tất cả các hoạt động kinh tế xã hội dải ven bờ Việt Nam đều có liên quan mật thiết đến hệ sinh thái vùng triều. Nghiên cứu hệ sinh thái vùng triều ở nước ta được tiến hành ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Các nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng lớn của hệ sinh thái vùng triều nhờ vào các đặc trưng và điều kiện tự nhiên, cấu trúc, thành phần các nhân tố vô sinh và hữu sinh, với tiềm năng tài nguyên, môi trường lớn đã được nhân dân ta khai thác, sử dụng lâu đời.
PGS. TS. Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc trong nghiên cứu hệ sinh thái vùng triều và đã đạt được những kết quả đáng trân trọng như: đã xác định 7 dạng sinh cảnh cơ bản của vùng triều;  đánh giá các đặc trưng sinh thái vùng triều; bước đầu xác định tiềm năng có thể thu được từ hệ sinh thái vùng triều…Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu mới chỉ có được những đánh giá chung về đặc trưng sinh thái vùng triều và tập trung chủ yếu vào vùng triều cửa sông mà không có được các nghiên cứu toàn diện cho từng kiểu sinh cảnh như bãi triều lầy, các cồn cát, các bãi bồi, bãi cát…Vì vậy, vấn đề tiềm năng nguồn lợi vùng triều, đặc biệt là các giá trị nổi bật về tài nguyên và môi trường chưa được đánh giá đầy đủ.
“So với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội trên cả dải ven bờ Việt Nam nói chung và vùng triều nói riêng thì bộ các số liệu khoa học có được từ khoảng gần 30 năm trước đây chỉ có giá trị là số liệu nền để tham khảo mà không thể áp dụng làm cơ sở khoa học để hoạch định kế hoạch sử dụng hợp lý hệ sinh thái vùng triều cho hiện tại với tầm nhìn từ 10 đến 20 năm tiếp theo”, PGS.TS. Đỗ Công Thung cho hay.

Các nhà khoa học lặn lấy mẫu nghiên cứu vùng bãi triều ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định)
Do vậy, việc triển khai Đề tài KC.09.07/11-15 nhằm bảo vệ môi trường vùng triều vịnh Bắc Bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, mục tiêu đề tài hướng đến là xác định các giá trị nổi bật về tài nguyên và môi trường hệ sinh thái vùng triều ven biển miền Bắc. Đánh giá mức độ suy thoái đa dạng sinh học vùng triều trong mối tương quan với mức độ ô nhiễm môi trường và hiện trạng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và du lịch. Đồng thời, xác định được mô hình nuôi trồng, bảo tồn và khai thác quản lý bền vững, không chỉ có ý nghĩa về khoa học mà còn có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn và góp phần phát triển kinh tế biển vùng ven bờ Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn
Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát chi tiết tại 8 địa điểm nằm dọc dải vùng triều từ Trà Cổ (Quảng Ninh ) đến Lệ Thủy (Quảng Bình). Tổng số mẫu thu được và phân tích là 5503 mẫu về  tài nguyên và môi trường vùng triều. Kết quả phân tích được tổng hợp trong 73 báo cáo thuộc các nhóm chuyên đề thủy hóa, trầm tích và tài nguyên sinh vật. Qua ba năm thực hiện (từ 2012 – 2015) đề tài đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận đó là đã xác định được đặc điểm môi trường nước, trầm tích vùng triều ven vịnh Bắc Bộ, hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng triều miền Bắc Việt Nam… Cụ thể:
Hệ sinh thái vùng triều từ Mũi Ngọc (Trà Cổ ) đến Ngư Thủy, Lệ Thủy Quảng Bình có diện tích  449.323 ha, gồm 10 dạng sinh cảnh khác nhau như thảm cỏ biển, thảm thực vật ngập mặn, bãi cát biển, bãi triều rạn đá, bãi triều lầy, cồn cát, bãi bồi cửa sông, đầm nuôi, đồng muối, vùng nước nông ven bờ. Sinh cảnh thực vật ngập mặn và các bãi triều thường bị biến động mạnh nhất. Trầm tích vùng triều Tây vịnh Bắc Bộ có chất lượng tốt, thể hiện tính khử mạnh ở tất cả các địa điểm khảo sát; Chất dinh dưỡng, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật trong trầm tích đều nằm trong ngưỡng an toàn. Duy nhất hàm lượng dầu mỡ trong trầm tích là vượt giới hạn cho phép ở 7/8 địa điểm khảo sát...
Về đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng triều, tổng số 2949 loài sinh vật phân bố. Nhiều nhất là động vật đáy 1146 loài, tiếp theo cá biển, thực vật phù du, chim biển, thấp nhất là cỏ biển 5 loài – 0,5 %. Trong đợt khảo sát này nhóm tác giả đã chính thức công bố 80 loài san hô mềm và 29 loài hải miên phân bố từ vùng triều đến độ sâu 6 m nước/0m hải đồ. Các loại có giá trị kinh tế gồm rong biển, động vật đáy, cá, chưa kể các loài chim, thú và bò sát biển. Các giá trị nổi bật của hệ sinh thái vùng triều phía Tây vịnh Bắc Bộ thể hiện qua giá trị về môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi các giá trị đặc biệt khác.
Đánh giá mức độ suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm nguồn lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học, PGS.TS. Đỗ Công Thung cho biết, sự suy giảm các sinh cảnh gồm biến đổi diện tích các bãi bồi, rừng ngập mặn thành đầm nuôi, Giá trị cảnh quan bị suy giảm do các ao nuôi ngày càng bị nhiễm bẩn; dinh dưỡng khoáng đã vượt giới hạn cho phép. Do đó, nguồn lợi sinh vật vùng triều cũng suy giảm tỷ lệ với sự suy giảm của đa dạng sinh học. Thể hiện qua thu hẹp diện tích phân bố của các đặc sản, loài ngán giảm diện tích 50%, suy giảm 75 % sản lượng. Hiện tượng thay đổi cấu trúc nguồn lợi và chất lượng sản phẩm đặc sản cũng đã được xác định. Đối tượng nuôi có xu thế thay các loài có giá trị thấp vào vị trí các loài bản địa có giá trị cao.
Mức độ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng như ô nhiễm dầu, ô nhiễm hữu cơ, thuốc trừ sâu ở quy mô lớn. Kết quả đánh giá có tới tổng số 75 % diện tích hệ sinh thái vùng triều bị ô nhiễm từ mức có nguy cơ bị ô nhiễm đến ô nhiễm, chỉ có Trà Cổ, Tiên Yên và Quảng Bình là còn ở mức độ bình thường.
Đặc biệt, Đề tài đã thành công trong việc xây dựng mô hình cấp tỉnh về nuôi trồng, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thân mềm vùng bãi bồi Xuân thủy, Nam Định. Cụ thể, sau 15 tháng Phòng Nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài để xây dựng mô hình nuôi ngao tạo Giao Thủy, Nam Định thành công. Những tác động về mặt kỹ thuật từ Đề tài đã góp phần làm tăng tỷ lệ sống, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của ngao nuôi. Ước tính giá trị lợi nhuận cho 1 ha nuôi ngao trắng đạt 160 triệu và ngao dầu là 80 triệu đồng.
“Qua kết quả của mô hình bước đầu đã có cơ sở khoa học giải thích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết trong thời gian qua tại Nam Định và giúp người nuôi có hướng phát triển bến vững hơn trong những năm tiếp theo. Để đảm bảo độ tin cậy và thuyết phục hơn trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài KC09.07/11-15 để làm cơ sở khoa học nhằm tuyên truyền đến các hộ nuôi để nhân rộng mô hình ra diện rộng”, PGS.TS. Đỗ Công Thung cho hay.
Mô hình trên đã cho phép điều chỉnh mô hình truyền thống qua các tiêu chí chọn và thiết kế bãi nuôi; kỹ thuật chọn giống, thả giống và chăm sóc. Từ thành công ngày, nhóm tác giả đã đề xuất các mô hình khai thác, nuôi trồng, bảo tồn và quản lý bền vững gồm: mô hình cân bằng lợi ích, mô hình nghề cá tổng hợp, mô hình bảo tồn tự nhiên các khu bảo tồn rừng ngập mặn, cỏ biển và bãi giống; mô hình quản lý thông qua thiết lập cơ sở dữ liệu hệ sinh thái vùng triều và quản lý dựa váo mô hình đồng quản lý.
Kết quả nghiên cứu đề tài KC.09.07/11-15 đạt được đã rút ra những giá trị cơ bản phục vụ cho việc định hướng đề xuất các mô hình khai thác, nuôi trồng, bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái vùng triều. Các mô hình nuôi trồng, khai thác hải sản hoặc quản lý bền vững góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân..
Bài, ảnh: Phương Nga- truyenthongkhoahoc

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment