Test Footer 2

Thừa Thiên Huế với nỗ lực quản lý vùng bờ

 

Hơn 70% dân số Thừa Thiên – Huế sống ở ven biển và các vùng đầm phá cho thấy vai trò quan trọng của vùng bờ trong phát triển kinh tế xã hội. Áp dụng các phương thức quản lý vùng bờ hiện đại là giải pháp để nâng cao hiệu quả nguồn lực từ biển này.
Vùng đới bờ tỉnh Thừa Thiên - Huế có đường bờ biển dài 128km tiếp cận với ngư trường biển Đông. Có hơn 20km vùng núi đá ven biển từ cửa Lăng Cô đến bán đảo Sơn Trà là vùng đa dạng sinh học của khu vực. Ngoài ra, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 70km với diện tích hơn 22.000ha là vùng sinh thái ngập mặn có tiềm năng sinh học phong phú, vừa là một vùng đặc thù kinh tế của tỉnh…
Với nguồn tài nguyên khá phong phú, gồm cả ven biển và vùng đầm phá, việc quản lý vùng bờ ở Thừa Thiên – Huế có nhiều điểm đặc trưng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, quản lý Nhà nước về biển, đảo, đầm phá là lĩnh vực mới; các hoạt động thuộc phạm vi biển, đảo và đầm phá lại do nhiều ngành thực hiện, chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, công tác quản lý vùng bờ mang tính tổng hợp đòi hỏi phải được sự phối hợp thống nhất của đa ngành; đồng thời phải tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên môi trường mới đạt được kết quả.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý biển và hải đảo, là địa phương có biển, Thừa Thiên Huế đã và đang xây dựng cho mình những kế hoạch trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.
Có thể kể đến những nỗ lực của Thừa Thiên Huế cho việc triển khai Chương trình Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ những năm qua và định hướng đến năm 2020, Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, đó là tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và đề án “Quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững ven biển Thừa Thiên Huế đến năm 2025”.
Ngành chức năng cũng đã xây dựng và đề xuất xúc tiến đầu tư một số dự án, như: xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế; điều tra, khảo sát, tổng hợp và đánh giá thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, vùng ven biển của tỉnh, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp hiệu quả; phân vùng sử dụng tổng hợp, phục vụ, bảo vệ và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp phát triển bền vững dãi cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế…
 Để bảo vệ và phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của một địa phương có biển, tỉnh còn đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Thừa Thiên Huế với các nhóm thương hiệu từ các sản vật tự nhiên hoặc sản phẩm thủ công truyền thống gắn với biển, đảo và đầm phá. Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng có thái độ ứng xử tích cực, thân thiện với biển, đảo, đầm phá, các cấp, ngành, địa phương ven biển cũng đang tập trung ưu tiên khai thác, phát triển theo hướng chia sẻ, gìn giữ và bảo vệ.
Mới đây, tại Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 do Hiệp hội Quản lý môi trường biển vùng Đông Á (PEMSEA) phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cùng 2 địa phương khác của Việt Nam là TP. Đà Nẵng, Quảng Nam vinh dự được trao Chứng nhận quản lý tổng hợp vùng bờ. Điều này ghi nhận những nỗ lực đóng góp của tỉnh trong nhiệm vụ hướng tới một vùng biển Đông Á bền vững và cũng là trọng trách lớn của địa phương trong thời gian tiếp theo.

Bảo Châu-monre
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment