Test Footer 2

Nữ sinh Bình Định với ý tưởng cảnh báo nước biển dâng

Nữ sinh Trần Ðào Hải Ngọc vừa nhận giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2015 với “Mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt, góp phần hạn chế hậu quả do biến đổi khí hậu (BÐKH) đối với các vùng ven biển”.

Bản đồ phân bố mức nước biển dâng (trích từ nguồn IPCC, 2007)
Sinh ra và lớn lên ở ven biển thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Trần Đào Hải Ngọc đã chứng kiến người dân quê hương mình bao phen “chìm- nổi” do nước biển dâng. Bởi người dân trong vùng đa số là ngư dân bám biển quanh năm. Nhưng “vì sao hiểu biết về BĐKH của cộng đồng cư dân ven biển còn thấp, làm thế nào để cải thiện thực trạng đó?” - Ngọc bắt đầu câu chuyện về nghiên cứu của mình như thế.
Ngọc đã quyết tâm đi tìm lời giải cho những câu hỏi của chính mình bằng việc nghiên cứu, tạo ra một mô hình truyền thông phù hợp với bà con ngư dân vùng ven biển để họ hiểu biết và thích ứng với BĐKH bằng mô hình trực quan sinh động, gần gũi để ngư dân dễ hiểu.
Với sự hỗ trợ của các giáo viên môn Địa lý, Ngọc đã xây dựng thành công. Mô hình gồm 2 phần: sa bàn mô phỏng các khu vực địa hình, các khu dân cư ven biển và thiết bị kỹ thuật mô tả hiện tượng nước biển dâng. Phần quan trọng nhất là hộp kỹ thuật điện tử báo mực nước dâng, bao gồm một hệ mạch điều khiển cảm biến siêu âm SRF05, một hệ thống đèn, chuông báo động và một máy sấy hoạt động chế độ nóng tỏa nhiệt làm tan đá (băng) dùng để mô phỏng hiện tượng nước biển dâng.
Nguyên lý hoạt động của mô hình sa bàn khá hiệu quả. Khi bật nguồn trên màn hình led thể hiện mực nước an toàn và hệ thống đèn hiệu báo màu xanh. Khởi động hệ thống tỏa nhiệt nóng, thước đo nhiệt độ hiển thị nhiệt độ tăng lên, đá trong hộp bắt đầu tan chảy (băng tan chảy vào đại dương làm tăng dần mực nước tại các vùng ven biển) và hệ thống đèn báo hiệu sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu xanh đến màu vàng. Mực nước càng lên cao hệ thống đèn báo hiệu sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu vàng đến màu đỏ. Lúc này, cộng đồng và chính quyền địa phương phải triển khai nhanh các kế hoạch ứng phó như: chằng chống nhà cửa, xây dựng kè chắn sóng, đắp bờ bao, di chuyển tàu thuyền, di dân đến nơi an toàn…
TS. Nguyễn Thị Tố Trân - giám khảo chấm giải cho mô hình của Hải Ngọc cho rằng, việc tìm kiếm một mô hình truyền thông phù hợp với đối tượng cư dân ven biển nhằm tăng hiểu biết và thích ứng với BĐKH chắc chắn không chỉ là vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong thực tiễn truyền thông về công tác ứng phó với BĐKH tại vùng ven biển Bình Định mà cả với nhiều vùng dân cư trên đất ven biển Việt Nam hiện nay.
Học giỏi, từng đoạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở các môn Toán, Tiếng Anh và Sinh học, Hải Ngọc còn đam mê các đề tài liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng trong năm học cuối cấp vừa rồi, Trần Đào Hải Ngọc cùng lúc cho ra đời đề tài nghiên cứu “Chung tay góp sức bảo vệ môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau” và giành giải Khuyến khích Cuộc thi Khoa học và kỹ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định tổ chức.
“Em sẽ tiếp tục nâng cấp để có thể đưa mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt, góp phần hạn chế hậu quả do BÐKH vào thực tiễn phục vụ đời sống, để người dân đỡ khổ được phần nào” - Trần Đào Hải Ngọc tâm sự.

Bùi Vân- monre

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment