Test Footer 2

Tiếp thu, hoàn thiện Nghị định quy định việc cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam

 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Chiều ngày 18/9, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định việc cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam. Tham dự có các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định.
Để khuyến khích tạo và tạo điều kiện cho các quốc gia, tổ chức quốc tế nghiên cứu khoa học trên biển và đại dương nhằm tăng cường sự hiểu biết của con người đối với biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước Luật Biển) quy định khuôn khổ pháp lý, theo đó tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế hoạt động nghiên cứu khoa học trên các vùng biển trong và ngoài vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển phải tuân thủ. Công ước Luật biển dành toàn bộ phần XIII quy định về nghiên cứu khoa học biển. Đến nay, nhiều quốc gia là thành viên của Công ước Luật biển đã có quy định của pháp luật quốc gia nội luật hóa các quy định này của Công ước Luật biển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nauy, Brazil...
Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260 km. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta. Trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học thì việc hợp tác và khuyến khích các quốc gia, tổ chức quốc tế vào nghiên cứu khoa học trong vùng biển của chúng ta giúp Việt Nam thu thập được các thông tin khoa học về nguồn tài nguyên, môi trường biển. Nhận thức rõ được tầm quan trọng về hợp tác nghiên cứu khoa học về biển, ngay từ rất sớm, sau khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, ngày 5/8/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 424/HĐBT quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài và nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định này đã góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài tại ViệtNam. Tuy nhiên, do được ban hành cách đây 20 năm và trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Luật biển năm 1982 nên các quy định trong văn bản này có những nội dung không còn phù hợp với thực tế, một số nội dung không phù hợp với Công ước Luật biển và nhiều căn cứ để ban hành văn bản này đến nay đã hết hiệu lực. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam để thay thế Nghị định 242 là hết sức cần thiết.
Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 04 Chương 23 điều: Chương I về Quy định chung (09 điều); Chương II về Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép, văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học (08 điều); Chương III về Đình chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép, văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học (03 điều); Chương IV về kiểm tra, giám sát và điều khoản thi hành (03 điều). Dự thảo được xây dựng dựa trên các quan điểm, nguyên tắc bảo đảm tuân thủ, phủ hợp với Hiến pháp, Luật biển Việt Nam, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, các điều ước quốc tế và các quy định pháp luật khác liên quan; Tiếp tục thể chế Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 09 tháng 2 năm 2007 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp vào thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi sau khi Nghị định được ban hành.
Theo báo cáo của ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngay sau khi được giao chủ trì xây dựng Nghị định, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và các địa phương tích cực triển khai các công việc sau: Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan; tổ chức các hội nghị, hội thảo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để thảo luận về nội dung của dự thảo Nghị định; Tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương; đồng thời đăng tải nội dung dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định để xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ.


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp lần này, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Nghị định như: các hình thức cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (gồm 2 hình thức: giấy phép và văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học) phụ thuộc vào thẩm quyền với các vùng biển khác nhau; phương thức gửi hồ sơ; thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép; các trường hợp từ chối cấp giấy phép; các trường hợp đình chỉ nghiên cứu khoa học…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Việt Nam có bờ biển dài và vùng biển rộng lớn chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Vì vậy, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo là chìa khóa để Việt Nam tiến vào đại dương, tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển mang lại, là một trong những căn cứ hoạch định cơ chế, chính sách quản lý biển, hải đảo nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên biển tiết kiệm, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và dự báo ngăn chặn hoặc hạn chế những thảm họa, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, Nghị định quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia; đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu những ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu dự thảo để đóng góp ý kiến bằng văn bản nhằm hoàn thiện dự thảo. Trong đó, tập trung vào một số ý kiến sau: Thứ nhất, cơ bản thống nhất bố cục dự thảo Nghị định gồm 4 chương, đồng thời bổ sung thêm quy định trách nhiệm của các Bộ ngành, đặc biệt là 4 Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Khoa học Công nghệ; thứ hai, để đảm bảo quản lý chặt chẽ các đối tượng xin cấp phép, các hồ sơ xin cấp phép, các tổ chức cá nhân nước ngoài cần phải gửi hồ sơ đề nghị đến Chính phủ Việt Nam; thứ ba, về hình thức cấp phép: thống nhất với 2 hình thức cấp phép là giấy phép và văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học, thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp phép nên theo Công ước Luật biển là 4 tháng thay vì 110 ngày như trong dự thảo Nghị định; thứ tư, về vấn đề khoan đáy biển nên căn cứ từng trường hợp cụ thể để xem xét…
Hưng Nam
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment