Test Footer 2

Resort độc chiếm bãi biển miền Trung (Bài 1)

LTS: Người dân nhiều tỉnh miền Trung luôn tự hào về bãi biển xinh đẹp quê mình. Đấy không chỉ là không gian sinh tồn của mà còn là bức tranh đẹp, là cơn gió lành xoa dịu cái nắng khắc nghiệt nơi đây. Tuy nhiên, tài nguyên quý báu này đang đứng trước nguy cơ bị độc chiếm bởi các resort (khu nghỉ dưỡng) đang mọc lên ngày càng nhiều dọc theo bãi biển miền Trung.
Bài 1: Bãi biển bị… phân lô
Nha Trang là nơi có bãi biển thuộc loại đẹp nhất miền Trung, nhưng không may cũng là nơi bãi biển bị các dịch vụ xâm hại, độc chiếm “tích cực” nhất.
Rào chắn và biển cấm
Đặc điểm nổi trội và tạo nên vẻ đẹp riêng quyến rũ của bãi biển Nha Trang là có bãi cát đẹp và phần đất ven bãi cát xưa này chỉ dùng làm công viên phục vụ toàn dân. Hiện nay rất nhiều công trình bê tông đã mọc lên trên bờ biển và nhiều những dự án đang rào bãi biển lại để xây dựng mặc cho dân phản đối. Đó là khách sạn Nha Trang Sao được xây cao 4 tầng; nhà hàng Thùy Dương; nhà hàng E-Land khu du lịch 4 mùa; nhà hàng Louisane; Sailing club; nhà hàng Nga tại Công viên Phù Đổng; Khu nghỉ mát Ana Mandara…
Lâu nay, người dân Nha Trang liên tục phản đối những công trình này nhưng bất thành. Họ không biết rằng, đang còn có một kế hoạch biến bãi biển thành một tổ hợp đô thị, khách sạn cao tầng, căn hộ đem bán và thậm chí cả… quán nhậu.
Bãi biển Nha Trang đang cho 37 doanh nghiệp thuê đặt dù choán hết lối đi của người dân. (Ảnh: M.K)
Bãi biển Nha Trang đang cho 37 doanh nghiệp thuê đặt dù choán hết lối đi của người dân. (Ảnh: M.K)
Đó là khu vực mà tỉnh Khánh Hòa đã ưu ái dành cho Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (Ấn Độ) làm tổ hợp cao ốc Phoenix. Tổ hợp này trải dài hơn 4km, bao trọn vùng bãi biển trung tâm nhất, đẹp nhất Nha Trang.
Khi dự án này hoàn thành, bãi biển Nha Trang không chỉ tồn tại vài công trình nho nhỏ mà là cả một tổ hợp cao ốc cao 40-65 tầng, 1 triệu mét vuông sàn bê tông và một khách sạn cao 40-50 tầng trên diện tích cả trăm hécta đất công viên biển với mật độ xây dựng lên tới 50%. Ngoài ra, còn có những công trình “lạ” khác như khách sạn nửa ngầm nửa nổi, cà phê trên ngọn cây, hàng trăm cửa hàng mua bán ngay trên bãi biển…
Dù mới chỉ được xếp vào trong danh sách nhưng công trình phê duyệt quy hoạch nhưng như để “đánh dấu” sở hữu của mình trên bãi biển Nha Trang, mới đây, Dewan đã dựng tổng cộng 11 biển “cấm xâm phạm” trên vùng dự án dọc bãi biển dài hơn 4km.
“Bãi biển là của dân, của nước, ai cho phép họ ngang nhiên cắm biển cấm xâm phạm?” – bà Nguyễn Thanh Hương, một cán bộ hưu trí bức xúc. Trước phản đối của dân, Phòng Quản lý đô thị TP.Nha Trang đã dỡ bỏ những biển cấm này. Nhưng ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép công ty này được khôi phục các biển cấm.
Bít đường ra biển
Nhiều năm qua, tình trạng các resort, khu du lịch nghỉ dưỡng mọc lên san sát dọc bờ biển khiến người dân thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt và phát triển kinh tế. Dọc tuyến đường Lạc Long Quân nằm bên bờ biển của thị trấn này có 7 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đã được cấp phép đầu tư, trong đó 5 dự án đã đi vào kinh doanh. Những dự án này được cấp phép san sát nhau khiến người dân bị bịt đường ra biển.
Ông Dương Đăng Trung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô:
Phản ánh của người dân về việc các khu du lịch nghỉ dưỡng bịt đường ra biển và độc chiếm bãi biển là đúng, nhưng  rất khó giải quyết. Tình trạng bí đường ra biển là vấn đề nóng ở địa phương gần 10 năm trở lại đây. Trước bức xúc của người dân, chính quyền đã triển khai xây dựng 2 tuyến đường ngang ra biển nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân…
Ông Nguyễn Văn Hùng (đường Lạc Long Quân) cho biết, trước đây gia đình ông cũng như những hộ dân khác rất thuận lợi trong việc đi ra biển để tắm cũng như khai thác thủy sản. Từ ngày các khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát, hoạt động đi lại bị ảnh hưởng vì phải đi đường vòng rất xa mới ra tới biển.
“Cả bãi biển dài mấy km nhưng chỉ có 2 tuyến đường ngang dẫn ra biển nên việc đi lại rất khó khăn, trong khi nếu chúng tôi đi băng ngang qua các khu nghỉ dưỡng thì bị người của họ ngăn cản. Không những vậy, các khu nghỉ dưỡng coi bãi biển là tài sản riêng của họ nên nhiều khi chúng tôi ra tắm, vui chơi cũng bị xua đuổi” – ông Hùng bức xúc.
Theo UBND thị trấn Lăng Cô, không chỉ người dân mà các khách sạn, nhà nghỉ nằm xa biển trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc các khu du lịch bịt kín đường ra biển. Hiện toàn thị trấn có hơn 60 khách sạn, nhà nghỉ nằm dọc Quốc lộ 1A, trong đó có 30 nhà nghỉ, khách sạn lớn. Hoạt động kinh doanh của những khách sạn, nhà nghỉ này gặp rất nhiều khó khăn bởi khách lưu trú thường có nhu cầu ra biển để tắm rửa, thưởng ngoạn nhưng việc đi lại mất rất nhiều thời gian do có quá ít tuyến đường ngang ra biển.
Mặt khác, nếu ra được bãi biển thì khách cũng không dễ bơi, tắm, thưởng ngoạn vì bị một số khu nghỉ dưỡng cản trở, thậm chí là thu phí mặc dù bãi biển không nằm trong diện được cấp đất của những cơ sở này. Tình trạng trên khiến các khách sạn bị mất khách, kinh doanh ế ẩm. Đặc biệt, khi chính quyền thị trấn tạo điều kiện cho một số hộ dân kinh doanh dọc bãi biển để giải quyết việc làm và phát triển kinh tế thì cũng bị phía các khu nghỉ dưỡng can thiệp vì họ cho rằng khu vực bãi biển thuộc quyền quản lý của mình.
Ông Dương Đăng Trung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, để đáp ứng việc đi ra biển của người dân và khách lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn thì trên chiều dài 500m bờ biển phải có 1 tuyến đường ngang ra biển, nhưng hiện tại tuyến đường Lạc Long Quân dài 3,2km nhưng chỉ có 2 tuyến đường ngang được xây dựng.
“UBND thị trấn đã nhiều lần đề xuất cấp trên mở thêm các tuyến đường ngang nhưng chưa thực hiện được vì không có kinh phí. Mặt khác, do các khu du lịch nghỉ dưỡng nằm sát nhau, nên để mở thêm đường ngang là rất khó vì đất đã được cấp cho doanh nghiệp” – ông Trung nói.
(Còn nữa)
Theo Mai Khuê – An Sơn – Đức Tuấn/ Dân Việt, 18/05/2015
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment