Một xu thế du lịch nhàn hạ, thơm phức sẽ chiếm chỗ những hành trình dẻo dai, thấm mồ hôi của những người ưa khám phá.
Tôi đã nhiều lần đến hòn đảo Ngọc – Phú Quốc. Lần nào tôi cũng “bị đánh gục” bởi muôn trùng rừng xanh và ngăn ngắt biển trong.
Lần này cũng vậy. Vẫn còn nguyên ấn tượng về một tấm áo rộng thiên nhiên choàng hoang sơ lên đảo, cuộc sống sinh sôi từng ngày. Người tứ xứ đến đây bản quán khác nhau nhưng uống chung dòng nước mát, đón chung ánh mặt trời rạng ngời phía biển. Một hòn đảo ngoài khơi lưu giữ nhiều nghề nổi tiếng: Làm nước mắm, chưng cất rượu sim, làm bánh, trồng hồ tiêu, nuôi cấy ngọc trai… Sức mạnh tự chủ, sự cô lập khắc nghiệt một thuở khiến người dân ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo.
Phú Quốc nhiều năm nay thu hút lượng lớn dân bất động sản và kinh doanh dịch vụ du lịch. Một phần trong số đó vẫn ý thức được giá trị của nguồn tiềm năng thiên nhiên chính là sức thu hút lớn của du lịch. Nhưng một phần khác thì ào ào vô kể, hòa vào dòng thác lợi tức… Ùa theo quy luật này thì đương nhiên sẽ phá vỡ quy luật khác.
Bãi Dài, một trong những bãi biển hoang sơ và đẹp nhất thế giới, thời điểm được vinh danh chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi ngành công nghiệp không khói. Nghe đâu 300 ha rừng khu vực này sẽ bị phá sạch, nhường chỗ cho dự án resort cao cấp.
Thông tin chưa kiểm chứng nhưng mắt nhìn đã thấu những đám cây rừng bị đốt cháy trụi. Cả một không gian trống hoác bị san phẳng một cách nhanh chóng. Thế mới biết trồng rừng mới khó, cần sự bền bỉ, lâu dài, còn phá thì nhanh như chảo chớp. Chỉ sau những cú bắt tay và ký duyệt, cả một vùng đất rộng đã không còn một bóng rợp. Ở nhiều nước, họ quý cây như quý trẻ con và người già, nhất là những cổ thụ. Rừng giữ tán lá xanh, nguồn nước ngọt, bóng mát rừng thiêng che chở cho tính thiện. Nhiều người đang lo ngại Phú Quốc một ngày không xa sẽ cạn dần nguồn nước ngọt.
Có một điều chợt nhận ra sau những lần viếng thăm vội vã. Đó là sự cầu kỳ trong kiến trúc tân thời nửa Tây nửa ta của người Việt mình. Luôn thích “hoành tráng hóa”, xa cách, lạ lẫm với môi trường thiên nhiên. Trong khi đó, những xưởng chế tác, cửa hàng bán ngọc trai của người nước ngoài như người Australia chẳng hạn, nhìn rất thân thiện với môi trường. Những dãy nhà một tầng nằm nép bên bờ cát, hòa điệu mà không che tầm nhìn ra biển, không làm khuất những lớp sóng trắng và hàng dừa, phi lao uốn cong theo chiều gió.
Đã thấy những khối nhà vuông vức, những thảm cỏ xanh của sân golf tầm cỡ khu vực, mai này sẽ là cái túi hút bạc khổng lồ. Một xu thế du lịch nhàn hạ, thơm phức sẽ chiếm chỗ những hành trình dẻo dai, thấm mồ hôi của những người ưa khám phá. Một cánh cửa mở ra với nhóm người này, lại đóng sầm với một nhóm khác.
Cô hướng dẫn viên du lịch bảo rằng: “Dân Phú Quốc nghèo lắm, chỉ sống nhờ biển và rừng thôi. Cơ hội vào làm ở khu nghỉ ngơi lộng lẫy đó không phải là lớn. Người dân sẽ chông chênh ngay trên hòn đảo đã gắn bó buồn vui nhiều đời với họ”.
Cô là một trong những cư dân chọn đảo làm quê hương thứ hai. Cô yêu sự hoang sơ của hòn đảo, yêu người chồng quê xứ Bắc cũng chọn Phú Quốc để cập bến. Anh chọn cô là người kề cận tin cậy nhất cho mái ấm và cái công ty du lịch nho nhỏ chuyên phục vụ khách với những tour xanh. Tôi càng tin vào hướng đi này của hai vợ chồng trẻ khi chứng kiến họ trong một buổi chiều nhàn rỗi hiếm hoi, thảnh thơi ôm chú chó con chạy đùa dọc bờ biển “nhà mình”.
Lần nào đến Phú Quốc, tôi cũng tới Gành Dầu, mỏm Tây Bắc của Phú Quốc, phóng tầm mắt không xa là thấy đất Campuchia. Khu vực này có những vạt rừng hoang sơ xanh ngắt, như bức tường thành bao bọc, rì rào gần gụi bên biển sóng.
Cuộc sống hòa với thiên nhiên chắc là cơn cớ để chủ Biên Hải Quán – ông Hai Trang, còn gọi là Út Trà Đá vừa ngâm nga cải lương, vừa nghĩ ra một thứ muối tiêu dưỡng sinh thân thiện. Lần nào đến, ông cũng ca tặng vài câu mùi mẫn. Lời ca thuộc về không gian của sóng, gió, của khoảng rừng phía sau lưng xanh một màu bình an. Ông Út đại diện cho lớp công dân Phú Quốc năng động dám nghĩ dám làm.
Cái Biên Hải Quán của ông giáp ngay bờ cát, ngày ngày đón lượng lớn thực khách, không biết số phận mai này sẽ ra sao khi mọc lên cái Resort sang trọng. Thói quen tắm biển tự nhiên của người dân cũng sẽ bị thay đổi. Họ sẽ phải mua sản phẩm dịch vụ của Resort để được tắm trên biển quê mình. Cuộc sống ngày càng có thêm những biểu đồ mới buộc con người ta phải thích nghi, kể cả phải thay đổi “tư duy”.
Phú Quốc đang cựa mình từng ngày sau những đau thương thời dây thép gai bủa vây xứ đảo. Lẫn trong âm vang đó, tôi nghe thấy tiếng Rừng kêu than, từ trong khoảng trống trơ trụi, ngổn ngang sắt thép.
Nỗi đau rừng lá vọng đến mai sau.
Theo Trần Nhật Minh/VOV Online, 21/07/2014
0 nhận xét:
Post a Comment