Test Footer 2

Resort độc chiếm bãi biển miền Trung (bài 2)

Bài 2: Xí phần rồi bỏ hoang
 Sau khi ào ạt xí phần bãi biển, có nhà đầu tư xây lên công trình kinh doanh hưởng lợi từ bãi biển nhưng cũng có nhà đầu tư vì nhiều lý do sau khi động thổ nham nhở đã bỏ hoang dự án, gây lãng phí tài nguyên, gây xót xa cho người dân ven biển.
Tận thu từng mét vuông bãi biển
Tại Nha Trang, trong khi công viên biển bị xé lẻ, bê tông hóa thì bãi cát ven biển bị chia nát để cho thuê với giá 125.000 đồng/m2/năm. Theo thống kê, hiện nay, bãi cát biển Nha Trang đã được cho 37 doanh nghiệp, khách sạn thuê 17.000m2 để đặt khoảng 800 chiếc dù và ghế để kinh doanh.
Sau 10 năm được cấp phép, dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô nằm bên bờ biển vẫn “trùm mền”. (Ảnh: An Sơn)
Sau 10 năm được cấp phép, dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô nằm bên bờ biển vẫn “trùm mền”. (Ảnh: An Sơn)
Ông Ngô Khắc Thinh – Phó phòng Quản lý đô thị TP.Nha Trang cho biết, từ năm 2013 tỉnh Khánh Hòa bàn giao việc quản lý cho thuê bãi biển cho TP.Nha Trang. Việc cho thuê một phần diện tích bãi cát biển Nha Trang là để các khách sạn tổ chức đặt ghế, dù để phục vụ khách hàng của họ. Hợp đồng cho thuê cũng quy định rõ không được chăng rào, cắm cờ, các hàng ghế, dù phải cách nhau đủ rộng để mọi người dân có thể đi qua mà không bị cản trở…
Tuy nhiên, hầu như chẳng đơn vị, doanh nghiệp đang thuê bãi biển thực hiện đúng quy định này. Ngay từ khi được xây dựng, gần 20 năm nay, Khu nghỉ mát (KNM) Ana Mandara là nơi thường xuyên xua đuổi người dân khỏi khu vực bãi cát họ đã thuê. KNM này dựng chốt canh ngay trên con đường đi bộ công cộng của bãi biển cấm không cho du khách đi qua. Những nơi khác như Sailing club, nhà hàng Louisane… mỗi lần có sự kiện gì cũng tự tiện chắn lối đi bộ này. Còn những bãi dù, bãi ghế của các khách sạn thì đặt san sát, cắm cờ báo xung quanh, tuyệt đối không cho dân đi qua với lý do phải bảo vệ du khách và tài sản của họ không bị lấy cắp…
“Chúng tôi liên tục kiểm tra nhưng không thể làm cho xuể. Vừa rồi, chúng tôi đã xử phạt KNM Ana Mandara và vừa mới buộc họ dỡ bỏ hết các bốt gác chắn lỗi đi bộ của dân. Hiện chúng tôi đang thực hiện chủ trương mỗi năm cắt giảm 20% diện tích bãi cát cho thuê và cắt giảm cho đến khi thấy đủ thông thoáng bãi biển phục vụ nhân dân” – ông Thinh nói.
Lấy đất rồi “trùm mền”
Tại Thừa Thiên – Huế, dự án Khu du lịch Xanh Lăng Lô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) của Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam là một trong những dự án có vị trí đắc địa tại đô thị ven biển này. Dự án có tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng, thực hiện trên hơn 6ha đất nằm bên bờ biển đẹp. Vậy nhưng, sau 10 năm kể từ khi được cấp phép, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống cỏ mọc ngổn ngang.
Ông Lê Phú Hiến – một hộ dân bị giải tỏa bởi dự án – bức xúc: “Thật đau xót khi dự án khiến nhiều hộ dân mất đất và công ăn việc làm, đời sống ngày càng tụt dốc, trong khi đất của dân bị bỏ hoang kéo dài sau khi thu hồi”. Dính vào vùng quy hoạch của dự án có cả nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Lăng Cô. Hiện nhiều hạng mục của nghĩa trang này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa thể sửa chữa, di dời vì dự án án binh bất động.
Ông Phan Văn Hồng – cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô cho biết, trên địa bàn thị trấn có gần 10 dự án du lịch “trùm mền” kéo dài sau khi được cấp phép. Trong đó có 5 dự án nằm dọc bờ biển, ngoài dự án Khu du lịch xanh Lăng Lô là các dự án của các Công ty Thương mại Việt, Gia Minh Conic, Đất Việt, Pegasus Fund 2.
Theo ông Dương Đăng Trung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô: “Nếu thu hồi những dự án treo này thì sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trong khi đời sống người dân khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất vàng bỏ hoang kéo dài là hết sức lãng phí”.
Không chỉ tại ở trấn Lăng Cô mà nhiều vùng ven biển khác ở Thừa Thiên – Huế cũng đang tồn tại những dự án du lịch “trùm mền” kéo dài sau khi được cấp phép. Đơn cử như ở vùng ven biển thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) có dự án khu du lịch sinh thái của Công ty CP và Phát triển công nghệ Việt Nam. Dự án này được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép vào năm 2010 trên diện tích 64ha đất nhưng đến nay vẫn án binh bất động khiến người dân và chính quyền địa phương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Ông Nguyễn Chường – Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, chính quyền xã đang làm văn bản kiến nghị tỉnh có phương án giải quyết đối với dự án này, bởi dự án trải dài trên gần 1,4km bờ biển mà bỏ hoang kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân địa phương.
Ông Nguyễn Quê – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cho biết, vấn đề dự án du lịch treo ở thị trấn Lăng Cô đã và đang được tỉnh tập trung giải quyết. Thời gian qua, nhiều dự án treo ở khu vực này đã bị thu hồi, những dự án treo còn lại ban này và tỉnh đang đốc thúc nhà đầu tư triển khai.
Theo ông Quê, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chậm triển khai hoặc thi công cầm chừng các dự án là do thiếu vốn nên thường tìm cách trì hoãn, xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nguyên nhân chính là chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế “vô tư” cấp phép các dự án trong khi thiếu sự thẩm định năng lực tài chính thực tế của các doanh nghiệp.
Triệt đường sống của dân
Tại Phú Yên, nhiều năm nay vụ việc tranh chấp mặt bằng khu du lịch Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên) vẫn mãi còn âm ỉ. Nhiều hộ dân tại đây cho rằng, gia đình bị thu hồi đất nhưng hỗ trợ bồi thường quá rẻ mạt. Đã thế, dự án du lịch này còn bít lối ra biển của người dân.
UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu UBND huyện Tuy An khẩn trương xây dựng tuyến giao thông để người dân thôn Mỹ Quang Bắc (An Chấn) có đường đi ra biển làm ăn, sinh hoạt. Tỉnh này cũng yêu cầu nhà đầu tư (Công ty TNHH Du lịch Sao Việt) điều chỉnh mức hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu du lịch sinh thái Bãi Xép từ 6.500 đồng/m2 lên 10.000 đồng/m2. Tuy nhiên, đại diện Sao Việt cho rằng, trong quy hoạch không có con đường cho dân ra biển nên nhà đầu tư không có trách nhiệm về việc này.
Theo Chủ tịch UBND xã An Chấn – ông Nguyễn Văn Hồng, sau nhiều lần bàn bạc, Công ty Sao Việt vừa làm con đường bên ngoài hàng rào vành đai khu du lịch Bãi Xép để người dân địa phương có lối ra biển. Tuy nhiên, việc áp giá hỗ trợ đền bù 10.000 đồng/m2 đất vẫn chưa được người dân chấp nhận.
(Còn nữa)
Theo Đức Tuấn/ Dân Việt, 19/05/2015
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment