Bãi bồi Mũi Cà Mau không chỉ là nơi tái sinh của nhiều loại thuỷ hải sản, nơi sinh sống và kiếm ăn rất quan trọng của nhiều loài chim biển trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới mà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, đây cũng là vùng đất linh thiêng – điểm cuối cùng của Tổ quốc mà ai cũng ước ao sẽ có một lần đến. Với ý nghĩa đó, vùng bãi bồi Mũi Cà Mau cần được quy hoạch quản lý bảo vệ, đầu tư và phát triển bền vững.
Ngày đêm tàn phá bãi bồi
Vùng bãi bồi của tỉnh Cà Mau kéo dài khoảng 34 km với trên 10.000ha. Khu vực bãi bồi được hình thành do hai chế độ triều khác nhau của biển Đông và biển Tây cũng như dòng chảy từ hai con sông lớn là sông Bảy Háp và sông Cửa Lớn. Khi thuỷ triều xuống thấp khu vực bãi bồi kéo dài ra biển cách đất liền gần 4 km. Hệ sinh thái rừng ngập mặn bãi bồi có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, là bãi đẻ của loại thủy, hải sản và đai rừng phòng hộ ven biển góp phần quan trọng trong giảm nhẹ thiên tai…
Tuy nhiên, do chính là khu vực bãi đẻ của nhiều loại thuỷ hải sản nên bãi bồi là nơi đã nuôi sống hàng ngàn hộ gia đình đến từ nhiều tỉnh trong khu vực. Câu chuyện “nóng” của bãi bồi trong mùa nghêu giống năm 2012 là một minh chứng cụ thể nhất. Tình trạng, mỗi ngày có khoảng 2.000 – 3.000 người dân từ khắp các tỉnh miền Tây đổ xô về Đất Mũi tranh nhau khai thác nghêu giống đã khiến tình hình an ninh địa phương nóng lên và quan trọng hơn là hệ sinh thái tự nhiên của bãi bồi bị tàn phá nặng nề.
Thời điểm này, tuy không nóng như thời gian cao điểm mùa nghêu giống các năm trước, nhưng hoạt động khai thác vùng bãi bồi ngày một thu hút nhiều người hơn đổ về. Từ các dụng cụ thô sơ như sử dụng bằng tay cho đến phương tiện máy móc đang hằng ngày cày nát bãi bồi. Không chỉ phải chịu đựng trong gần 4 tháng xuất hiện nghêu giống mà bãi bồi gần như bị khai thác quanh năm từ hoạt động khai thác giống cá kèo giống, cua giống, và các loài thuỷ hải sản khác…
Hiện nay dọc theo khu vực bãi bồi còn không ít hộ dân đang sống trong những khu vực rừng phòng hộ ven biển, nơi mà theo quy định phải di dời. Ông Ngô Minh Toại, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có khoảng 300 hộ sống trong rừng phòng hộ thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, do điều kiện để di dời tái định cư của địa phương chưa có nên tạm thời cho họ tiếp tục ở tạm. Trong số 300 hộ trên đa phần không có đất, không có tư liệu sản xuất nên đời sống gặp nhiều có khăn.
Bãi bồi đến hồi “kiệt sức”
Không chỉ có vùng bãi bồi đang ngày đêm chịu tác động từ hoạt động khai thác của con người, mà cả rừng phòng ven biển cũng đang bị tác động không nhỏ. Ông Trấn Ngọc Thảo, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ngọc Hiển, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, nhiều hộ dân đã lẻn vào rừng phòng hộ ven biển để chặt cây đước, cây mắm mang ra vùng bãi bồi phuc vụ hoạt động khai thác của họ.
Nhằm tạo sinh kế cho người dân vùng bãi bồi Đất Mũi cũng như hạn chế sự xâm hại vào môi trường tự nhiên của rừng, biển, nhiều mô hình tổ chức sản xuất đã được triển khai, đặc biệt là việc hình thành HTX nghêu Đất Mũi, mục tiêu là giúp dân nghèo địa phương khai thác tiềm năng bãi bồi một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Tuy nhiên, đến nay dân nghèo nơi bãi bồi Đất Mũi vẫn chưa thể hưởng lợi được nhiều từ chủ trương này. Ông Lê Văn Kháng, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển băn khoăn cho biết, hiện nay HTX hoạt động vẫn chưa thể vào quy củ theo phương án và điều lệ HTX đã đề ra, người dân nghèo vẫn chưa có lòng tin vào ban lãnh đạo HTX. Hoạt động của HTX còn mang tính chất lợi ích cá nhân hơn là vì tập thể người dân nghèo. Ông Lê Văn Kháng còn lo lắng: Trong mùa nghêu qua (năm 2014) tình hình an ninh ổn định là do lượng nghêu không nhiều chứ chưa phải do tổ chức quản lý tốt. Nếu mùa nghêu này mà nghêu giống xuất hiện nhiều thì tình hình an ninh trật tự cũng sẽ vô cùng căng thẳng…
Quy định và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và cả những chính sách nhằm tiến tới khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển nhằm hạn chế tái động từ biến đổi đổi khí hậu, triều cường nước biển dâng đều đã ra đời từ rất lâu. Tuy nhiên, việc di dời tái định cư hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa phương thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí…Khi nói về chính sách di dời tái định cư cho khoảng 300 hộ đang sống trong khu vực được xem là trái phép, ông Ngô Minh Toại, chủ tịch UBND xã Đất Mũi chỉ nói mỗi một câu: “Rất khó!”.
Theo Nguyễn Phú/ Báo Tài nguyên & Môi trường, 18/05/2015
0 nhận xét:
Post a Comment