Bài 3: Giải pháp cho sản xuất và nước sinh hoạt
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nặng nhất so với toàn quốc, khả năng xâm nhập mặn sâu vào đất liền là điều các tỉnh ven biển đang phải đối mặt. Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về sản xuất và nâng cao chất lượng nước sử dụng trong sinh hoạt, hàng loạt giải pháp được đưa ra để ứng phó với tình trạng này.
Mở rộng mô hình lúa – tôm
Theo dự báo của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, khả năng có đến 2,4 triệu ha bị xâm nhập mặn. Vì vậy, nhiều diện tích chuyên trồng 2 vụ lúa không thể canh tác liên tục vì nước mặn tràn vào trong mùa khô. Nhiều nơi đã chuyển sang mô hình canh tác một lúa một tôm để tăng hiệu quả trong sản xuất. Các nhà khoa học cho rằng, đây là mô hình sản xuất thích ứng với diễn biến bất thường của BĐKH.
GS.TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản 2 cho rằng, yếu tố môi trường rất quan trọng với con tôm sú. Do đó, sau khi trồng lúa, lấy nước mặn vào nuôi tôm là cách cải tạo môi trường rất tốt. Con tôm nuôi theo mô hình này hoàn toàn sạch bệnh, còn cây lúa đạt chất lượng cao vì không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện nay diện tích lúa tôm của ĐBSCL đạt 200.000 ha; trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh: Kiên Giang (60.000 ha), Cà Mau (25.000 – 30.000 ha), Bạc Liêu (20.000 đến 25.000 ha)… Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đang nghiên cứu nhiều giống lúa mới có khả năng chịu mặn cao để thích ứng với môi trường nước mặn và một số loại rau màu thích hợp để trồng trên các bờ bao vuông tôm nhằm sử dụng tối đa diện tích canh tác, tăng thu nhập trên cùng diện tích này.
Điển hình về mô hình này, chị Dương Thị Thùy Dung (tỉnh Sóc Trăng) đang sản xuất 2 ha vừa tôm vừa lúa cho biết: Ban đầu gia đình chỉ trồng lúa, đến mùa khô, nước mặn vào đồng nên không trồng lúa được, chị bỏ ruộng. Cách đây 2 năm, chị nhận được thông tin từ những nông dân vùng khác, sau khi thu hoạch lúa, kéo nước mặn vào ruộng để thả tôm, chị làm theo và đã đạt hiệu quả cao. Khi chưa nuôi tôm kết hợp trong ruộng lúa, chị thu lãi 6 triệu đồng/năm, nhưng hiện nay với một vụ lúa xen một vụ tôm, chị thu lãi khoảng 36 triệu đồng/năm (30 triệu đồng/vụ tôm và 6 triệu đồng/vụ lúa).
Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân đã chọn được mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết trong lúc khó khăn là điều rất đáng mừng. Đây là khởi đầu cho việc trao đổi, nghiên cứu và định hướng phát triển bền vững sản xuất lúa – tôm nước lợ. Vì vậy, cần phải tập trung quy hoạch, đầu tư phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này.
Quy hoạch trạm cấp nước ngọt và nước ngầm
Hiện nay, lượng nước ngọt và nước sạch không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân khu vực ĐBSCL. Theo thống kê của UNICEF, trong 13 tỉnh tại khu vực, chỉ một nửa được cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ không cao, như An Giang 70%, Long An 65%, Cần Thơ 60%, Tiền Giang 64,4%, Vĩnh Long 57%… Còn những tỉnh ven biển, tỉ lệ này còn thấp hơn vì mức độ xâm nhập mặn ngày càng sâu.
Để đáp ứng nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL đã quy hoạch xây dựng thêm trạm cấp nước về các xã. Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh đã quy hoạch chi tiết thủy lợi đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ triển khai một số dự án thủy lợi quan trọng, như dự án Bắc Bến Tre trong phạm vi 5 huyện (Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre), phục vụ 130.000 ha sản xuất và hơn 100.000 hộ dân sinh sống ở các huyện (hơn 50% dân số của tỉnh). Riêng dự án nước ngọt được triển khai cho 4 huyện (Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre), với tổng trị giá 750 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016. Nếu dự án này được triển khai thì vấn đề nước ngọt cho người dân sử dụng và sản xuất sẽ được đảm bảo.
Hàng năm, chương trình cấp nước ngọt của tỉnh đều thực hiện theo chương trình mục tiêu nước sạch quốc gia, tỉnh tiến hành sửa chữa, nâng cấp tất cả các nhà máy cấp nước ở nông thôn. Tuy nhiên, kinh phí của tỉnh đang gặp khó khăn, nên mới chỉ nâng cấp được 5-6 nhà máy nước. Theo kế hoạch, đến năm 2020, lượng nước sạch đủ cung cấp cho người dân sử dụng, khoảng 98% người dân sử dụng nước theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT và 60% người dân sử dụng nước sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng là yếu tố góp phần cấp nước sinh hoạt cho người dân. Thế nhưng, đây là nguồn tài nguyên hữu hạn, khi đưa vào sử dụng cần phải có quy hoạch để nguồn nước được khai thác hiệu quả. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, nguồn nước ngầm của tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Do đó, nguồn nước này vô cùng quý giá. Hiện nay, hệ thống thủy lợi của Sóc Trăng chưa đủ điều kiện tiếp nước ngọt và nước mặt cho người dân sử dụng. Nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân trong tỉnh hiện nay được lấy qua các hướng cửa cống chính như: Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe. Trong thời điểm triều cường lên, các cống này được đóng lại để ngăn mặn, khi triều xuống cửa cống được mở để lấy nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và tiêu mặn đồng ruộng.
Xây dựng hệ thống đê bao ven biển
Dọc bờ biển khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều đoạn thiếu đê bao ngăn mặn. Vì vậy, khi triều lên đã gây ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân. Chính vì thế, hệ thống đê bao ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng.
Theo thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam: Toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m (lớn nhất là cống – đập Láng Thé 100 m và cống – đập Ba Lai 84 m), trên 800 cống rộng 2 – 4 m và hàng vạn cống nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu. Vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng biển cho vùng ven biển.
Tuy nhiên, một số khu vực vẫn đang trong quá trình hoàn thiện đê bao ven biển để bảo vệ vùng lúa và cây ăn trái, cung cấp nước cho người dân. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, tỉnh đã lập nhiều dự án ngăn mặn cục bộ, nhất là dự án Bắc Bến Tre, đặc biệt đầu tháng 1/2013 đã khởi công cống Định Trung, với tổng trị giá 101 tỷ đồng. Tháng 6/2014, tỉnh sẽ hoàn chỉnh toàn hệ thống từ Thới Lai đến Phú Long, ngăn mặn từ Định Trung đến An Hóa. Tỉnh cũng đang làm nhiều dự án nhỏ để thực hiện chương trình thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai giai đoạn II là trồng rừng dọc đê biển Thạnh Phú để chắn sóng biển lúc triều lên.
Là tỉnh ven biển giống Bến Tre, Bạc Liêu cũng chịu tác động không nhỏ của BĐKH. Theo ông Lê Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu: Trong những năm gần đây, nước biển dâng, xâm mặn, xói lở bờ biển từ Sóc Trăng đến phường Nhà Mát khoảng 7km, xói lở từ Gành Hào ngược lên Nhà Mát từ 7-8 km gây ảnh hưởng lớn đến Bạc Liêu. Tỉnh đã lập dự án nâng cấp đê biển theo Quyết định 667 của Thủ tướng chính phủ, thực hiện từ Quảng Ngãi đến Cà Mau. Trong năm 2013, để chống ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất khu vực Bạc Liêu, tỉnh đầu tư xây dựng đê mềm, chống xói lở để ngăn triều cường gây ngập úng thành phố Bạc Liêu. Hiện nay, trong tỉnh có 100 trạm cấp nước sạch cho người dân, đạt 30% kế hoạch.
Cùng với Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng bị lở nhiều tuyến, đặc biệt các tuyến đầu cù lao. Theo ông Dương Quốc Việt, để bảo vệ nguồn nước ngọt và hệ thống đê biển bên trong rừng phòng hộ, tỉnh đã quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi; trong đó có hệ thống đê biển Cù Lao Dung, Mỹ Thanh, Vĩnh Châu, đê sông, cống ngăn mặn chạy dọc theo sông Hậu, các kênh trục tạo nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đồng thời ứng phó với BĐKH.
Theo Hồng Nhung/TTXVN, 23/03/2013
0 nhận xét:
Post a Comment