Test Footer 2

Giải pháp căn cơ chống hạn, mặn vùng ĐBSCL – Bài 1

Bài 1: Hạn, mặn “hợp lực” bủa vây
Trên sông Tiền, sông Hậu, nước mặn xâm nhập và đang tiến sâu vào nội đồng. Nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với nguy cơ năng suất lúa, tôm bị ảnh hưởng, thiệt hại mùa vụ gia tăng…
Điều đáng lo ngại là tình trạng xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và gay gắt, trong khi một số địa phương ở vùng ĐBSCL đang thu hoạch trà lúa đông xuân, có nơi đã và đang xuống giống vụ xuân hè…
Khốc liệt hơn năm trước
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm 2013, ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, mặn xâm nhập sâu và độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2012. Độ mặn cao nhất năm nay rơi vào khoảng đầu tháng 3 đến đầu tháng 5. Tháng 2, độ mặn hầu hết ở các tuyến sông chính có xu thế cao hơn cùng kỳ năm 2012. Hầu hết các sông chính vùng biển Đông, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu vào khoảng 40-45km kể từ cửa sông. Dọc sông cửa Tiểu, trong tháng 3 và tháng 4, xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng nhất với độ mặn 10‰ có thể xâm nhập đến vị trí cách cửa sông cửa Tiểu 25 km; độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu hơn 40km và độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 50km vào tới tận TP Mỹ Tho…
Trong khi đó, theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, hiện nay độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40-50km; một số nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh xâm nhập mặn tới 50 – 60km với độ mặn dao động từ 3-4‰.
Ghi nhận thực tế của ngành chức năng các tỉnh ven biển ĐBSCL cũng cho thấy, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, tình trạng mặn xâm nhập qua các cửa sông Tiền, sông Hậu đã trở nên gay gắt. Như ở trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long, Trà Vinh), từ tháng 1/2013, độ mặn trên 5‰ xuất hiện trên sông Cổ Chiên. Và từ ngày 9 đến ngày 12/1/2013 (trùng với kỳ triều cường), độ mặn phía sông Cổ Chiên đột ngột lên cao, tại cống Cái Hóp (huyện Càng Long, Trà Vinh) lên cao nhất đến 5,4‰, ở cống Nàng Âm (xã Trung Thành Tây, Vũng Liêm) lên đến 3‰.
Còn tại Bến Tre, trong những ngày tháng 3/2013, trên Sông Hàm Luông độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu đến xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm; Sông Cửa Đại nước mặn đã về đến xã Giao Hoà, huyện Châu Thành; Sông Cổ Chiên mặn đã đến xã Cẩm Sơn, Thành Thới A, huyện Mỏ Cảy Nam…
Ông Huỳnh Văn Mãnh (trú tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 3 và tháng 4 là gia đình gặp khó khăn về nước sinh hoạt bởi nước mặn đổ về. Nước cứ lờ lợ nhưng cũng phải bơm lên hồ để sử dụng tạm cho việc giặt giũ chứ biết lấy nước đâu mà xài, trong khi gia đình chưa có điều kiện kéo nước máy của nhà nước. Bà con của tui ở huyện Bình Đại vừa rồi phải đổi nước ngọt từ xe bồn có khi giá đến ba, bốn chục ngàn. Mắc nhưng cũng phải chịu vì mùa này mặn vô sâu”.
Tại Tiền Giang, hiện nước mặn từ vàm Cửa Tiểu đã xâm nhập sâu khoảng 45 km về phía thượng lưu sông Tiền, do đó toàn bộ các cống lấy nước trong Dự án ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn triệt để nhằm bảo vệ trên 29.000 ha lúa đông xuân thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công. Tuy nhiên, việc hệ thống cống ngăn mặn đóng lại sẽ khiến hơn 8.000 ha lúa đông xuân gieo sạ muộn có nguy cơ thiếu nước phục vụ tưới tiêu.
Tương tự, hàng ngàn ha lúa xuân hè thuộc hai huyện ven biển Long Phú và Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng cũng đang bị nước mặn gây hại từng ngày. Trong đó, khoảng 2.700 ha lúa xuân hè xuống giống tự phát trên dưới 1 tháng tại các địa phương chưa có nguồn nước ngọt để bơm tưới, khả năng cứu chữa là rất khó khăn. Và theo tính toán, mỗi hec-ta lúa 1 tháng tuổi bị mất trắng, nông dân lỗ khoảng 7 triệu đồng.
300.000 ha lúa bị tác động bởi hạn, mặn
Theo thống kê của Cục trồng trọt, có khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn mặn trong mùa khô 2013, trong đó có hơn 100.000 ha sẽ bị tác động trực tiếp, nhiều khả năng ảnh hưởng đến năng suất.
Hạn mặn làm lúa xuân hè ở Bến Tre chết khô
Hạn mặn làm lúa xuân hè ở Bến Tre chết khô
Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho hay: “Hàng năm, xâm nhập mặn kết hợp với thiếu nước đầu nguồn sông Mê Kông từ tháng 12 đến tháng 5 đã trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc lấy nước mặn nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau đã phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta đang giải quyết một cách thụ động”.
Theo dự báo, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4/2013.
Không chỉ bị tác động bởi xâm nhập mặn gay gắt, nhiều địa phương tại ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với tình hình khô hạn nghiêm trọng.
Ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho thấy, từ đầu năm tới nay, dòng chảy ở trung, thượng lưu sông Mê Kông luôn cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 20 – 30%, nhưng ở hạ lưu thấp hơn từ 10 – 20%.
Dự báo, tình hình khô hạn sẽ còn tiếp diễn và có xu hướng mở rộng bởi từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục giảm chậm và ở mức TBNN cùng thời kỳ.
Theo nhận xét của ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa năm 2012 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đã kết thúc sớm, trong khi các tỉnh Trung Bộ số đợt mưa lớn xảy ra ít, tổng lượng mưa trong các tháng đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Theo Hà Hải Đăng/Diễn đàn Đầu tư, 01/04/2013
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment