Bài 2: Khan hiếm nước sinh hoạt
Hàng năm, mùa khô là mùa gây khó khăn nhất về nước sinh hoạt cho người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là các tỉnh ven biển. Đặc biệt mùa khô năm nay, hệ quả từ mùa lũ năm 2012 không cao, nước thượng nguồn đổ về ít, làm cho mặn đến sớm 2 tháng, lượng nước ngọt cung cấp cho người dân sử dụng trong mùa khô càng khan hiếm. Vì vậy, để có nước ngọt sử dụng, người dân đã phải xoay sở nhiều cách, kể cả công khai và lén lút.
Trữ nước mưa để sử dụng
Theo thông tin kiểm nghiệm nguồn nước tại sông An Hóa (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), độ mặn đã vào sông lên đến 10 phần ngàn. Điều này dẫn đến nguồn nước sinh hoạt của bà con thiếu nghiêm trọng.
Để đối phó với thời điểm mùa khô, hạn, người dân sống trong vùng ngập mặn ở khu vực ĐBSCL đã phải tìm biện pháp ứng phó với nước mặn bằng cách trữ nước ngọt. Được biết, đa số người dân nơi đây đều xây hồ (người địa phương gọi là ống) trữ nước. Với những hộ khá giả, họ xây 4 hồ, loại 1,5m3/hồ, còn những người khó khăn chỉ trữ trong 1 hồ hoặc những lu nhỏ để sử dụng. Nếu không còn, họ phải đổi nước ngọt để sử dụng.
Chuyển về Bến Tre sinh sống được khoảng 10 năm, từng phải sử dụng nước mặn để nấu ăn vào mùa khô hạn. Bà Nguyễn Thị Mười, ấp Phú Long (xã Phú Thuận, huyện Bình Đại) chia sẻ: Ở đây, muốn có nước ngọt sử dụng, mỗi nhà phải tự xây hồ trữ nước, chi phí cho mỗi hồ là 3 triệu đồng, nhà bà xây 2 hồ, hứng nước mưa để trữ. Thậm chí có gia đình không đủ tiền xây hồ, phải sử dụng hoàn toàn là nước mặn. Vào mùa mưa, người dân nơi đây mới bơm nước ngọt từ các kênh lên hồ, lắng phèn rồi mới sử dụng.
Ông Nguyễn Thành Sắc, cán bộ khuyến nông xã Phú Thuận (huyện Bình Đại) cho biết: Vì hệ thống cấp nước ngọt chưa vào được, mà mặn xâm vào kênh mương sâu quá, làm người dân không có nước sử dụng. Những hộ nghèo phải lấy nước mặn trực tiếp từ các kênh mương, sông An Hóa, để nấu ăn, còn nước uống họ đổi nước ngọt về sử dụng. Những hộ nghèo, dụng cụ ít, thiếu nước thì đổi nước giếng để sử dụng. Những năm trước, Nhà nước có chương trình hỗ trợ lu, bể chứa nước, cho vay lãi suất thấp để xây hồ chứa nước sinh hoạt. Trên địa bàn xã Phú Thuận hiện có khoảng 10% số hộ gia đình chưa có hồ trữ nước cho mùa khô.
Khoan giếng trái phép
Thiếu nước ngọt để sử dụng, sinh hoạt không phải là chuyện mới xảy ra. Vì vậy, để có nước ngọt, người dân sử dụng nhiều biện pháp, trữ nước, xin phép khoan nước ngầm để dùng hoặc ngay cả xin phép không được, họ đành khai thác lén lút.
Bà Hồng Thị Mầu, ngụ tại xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), là một trong những trường hợp phải lén lút khoan nước ngầm sử dụng. Bà Mầu cho biết: Ở đây không có nước ngọt, các kênh đều là nước mặn, nhà lại khó khăn, không đủ tiền xây hồ trữ nước mưa nên nhà bà đành lén khoan giếng để lấy nước ngọt sử dụng. Dù có nước ngọt, bà Mầu vẫn phải sử dụng nước mặn cho việc tắm, giặt và chỉ dùng nước ngọt 2 lần trong ngày để nấu ăn.
Dù biết nước sinh hoạt không đủ, nhưng có những người không ý thức được nguồn nước ngầm là tải sản thiên nhiên chỉ cạn dần chứ không sinh ra, họ sử dụng nguồn nước này lãng phí, cũng vì mưu sinh cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng), trồng 6.000 m2 hành tím. Nhưng khu vực này không có nước tưới, ông Hùng đã khoan giếng để tưới cho hành tím. Ông Hùng cho biết, mỗi ngày ông tưới 2 lần và không biết mình sử dụng cụ thể bao nhiêu nước để tưới hoa màu.
Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nguồn nước ngầm ở Sóc Trăng đang có xu hướng cạn kiệt, trước đây chỉ cần khoan 90 mét, nước đã lên gần bề mặt, nay phải khoan 110 mét mới có nước. Sóc Trăng là tỉnh ven biển, chịu xâm nhập mặn cao nên đây là nguồn tài sản quý và hữu hạn. Nguồn nước này chỉ được khai thác chủ yếu cho sử dụng ăn uống. Chính vì vậy, việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm là kế hoạch có tính chiến lược lâu dài. Khi người dân tự ý khai thác nước ngầm tưới hoa màu là một sự phung phí lớn, hình thức tưới này chỉ sử dụng khoảng 20% nước cho cây hoa màu, 80% còn lại ngấm vào đất mặt hoặc bốc hơi hoang phí.
Theo thông tin của Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, hiện nay nguồn nước ngọt của tỉnh được lấy qua hướng cửa cống chính như cống: Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe. Trong thời điểm triều cường lên, các cửa cống này được đóng lại để ngăn mặn, khi triều xuống, độ mặn giảm còn 1,5-1,7 phần ngàn thì mở cống tranh thủ lấy nước ngọt, đồng thời mở những cống phía biển để tiêu mặn trong nội đồng.
Ngụ tại phường 4 (TP. Trà Vinh), bà Nguyễn Thị Hồng cũng không khác những người dân vùng nhiễm mặn. Bà sử dụng nước bằng cả hai phương thức, vừa trữ nước mưa, vừa khoan nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt chính mà gia đình bà sử dụng vẫn là nước mưa được trữ từ mùa mưa năm trước. Còn giếng khoan rất ít sử dụng, vì chỉ dùng cho ăn uống. Thậm chí bà còn sử dụng nước sông Hậu để nấu. Mùa khô năm trước vẫn còn nước ngọt thì gia đình còn thoải mái, nhưng năm nay nước mặn đến sớm quá, ngay cả nước sông cũng nhiễm mặn, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt.
Theo Hồng Nhung/TTXVN, 23/03/2013
0 nhận xét:
Post a Comment