Test Footer 2

Giải pháp hạn chế xâm nhập mặn khu vực quần đảo Trường Sa

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu vùng quần đảo Trường Sa” do Viện Địa chất, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì cho thấy, nước dưới đất khu vực nghiên cứu ngày càng bị mặn với tốc độ tăng cao do tác động của con người và thiên nhiên, nhưng ở đây có nguồn nước mưa khá dồi dào, có thể dùng làm nguồn bổ cập cho nước dưới đất. Đây là một trong các giải pháp hạn chế xâm nhập mặn ở khu vực quần đảo Trường Sa hiện nay. 
Ảnh nguồn Internet
  Theo bà Phan Thị Kim Văn, Viện Địa chất: Trên các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa như Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết hiện đã tồn tại các kè bê tông chắn sóng, nhưng thực trạng tài nguyên nước trên các đảo này độ mặn không giảm đi mà có phần tăng lên rất nhiều, do sự hạ thấp của mực nước ngầm. Để ngăn chặn hiện tượng này, một trong những giải pháp đã và đang được tiến hành có hiệu quả trên thế giới là bổ cập nhân tạo nước dưới đất. Tức là cho nước xuống tầng chứa, nhằm tạo ra áp lực trong tầng chứa nước nhạt lớn, chống lại sự xâm nhập của nước biển. Nguồn nước để bổ cập trên các đảo nổi có thể là nước thải đã được xử lý đảm bảo chất lượng, nhưng tiện lợi, hiệu quả nhất vẫn là nước mưa. 
  Yếu tố cơ bản chính của bảo vệ là làm tăng lượng nước nhạt và làm giảm lượng nước mặn. Các cách khác nhau để ngăn chặn nước mặn làm ô nhiễm các nguồn nước ngầm như giảm tốc độ khai thác; di chuyển các lỗ khoan khai thác; lập các chướng ngại vật trên mặt đất; bổ cập tự nhiên; bổ cập nhân tạo; khai thác nước mặn; kết hợp hệ thống ép nước và hút nước.  
  Chìa khóa để kiểm soát xâm nhập mặn là duy trì cân bằng thích hợp giữa nước được bơm từ tầng chứa nước và lượng nước được bổ cập vào. Liên tục giám sát các giao diện nước – muối là cần thiết trong việc xác định các kỹ thuật quản lý thích hợp.  
  Có nhiều phương pháp khác nhau đã được sử dụng để giúp làm giảm bớt xâm nhập mặn, đó là bảo tồn nước và hạn chế khai thác từ các tầng nước ngầm ven biển. Sử dụng nước nhạt thay thế cũng là một giải pháp được khuyến khích. Nhà máy khử muối nước biển đã xuất hiện trong các khu vực ven biển trên khắp thế giới. Trong trường hợp không có lựa chọn nào khác, các nỗ lực để duy trì mực nước ngầm bằng cách đào ao giữ nước bề mặt và dòng chảy nước mưa, hoặc sử dụng nước sông để bổ cập đã được tiến hành thành công. Hệ thống chứa nước lưu trữ và phục hồi tầng chứa có thể giúp khôi phục lại các tầng chứa nước do khai thác quá nhiều.  
  Bà Phan Thị Kim Văn cũng đề xuất hệ phương pháp kiểm soát xâm nhập mặn có xét đến mực nước biển dâng là khai thác, khử muối và bổ cập. Cụ thể là khai thác nước lợ trong lớp nước mặn, sau đó sử dụng quá trình khử muối nước được khai thác và bổ cập nước đã xử lý vào tầng chứa nước. Phương pháp này làm vùng hòa trộn trở về trạng thái ban đầu và đạt được cân bằng động học giữa nước nhạt và nước lợ thông qua 2 quá trình. Quá trình thứ nhất là khai thác nước ngầm lợ để làm giảm thể tích nước mặn và quá trình thứ hai là bổ cập nước lợ được xử lý để làm tăng thể tích nước nhạt. Quá trình khai thác-bổ cập giúp để dịch mặt ranh giới nước nhạt-mặn về phía biển, được xem xét là phương pháp hiệu quả để kiểm soát xâm nhập mặn. Quá trình này vẫn sẽ tiếp tục đến khi đạt được trạng thái cân bằng động học với chú ý đến phân bổ độ mặn. Sau đó, một lượng nước ổn định đã được khử mặn được ép vào tầng chứa nước để duy trì cân bằng giữa nước nhạt và nước mặn.
Theo TN - MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment