Dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của miền Tây Nam bộ được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công năm 2008. Dự án được đưa vào danh mục các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 412 ngày 11-4-2007 của Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên, dự án đang phải giãn tiến độ thi công do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Có thể nói, rất hiếm công trình nào lại có quá trình nghiên cứu, đầu tư gian nan như công trình này.
Khi không được nạo vét, chỉ có ghe tàu trọng tải nhỏ ra vào được kênh Quan Chánh Bố. Ảnh: CAO THANH
|
Miền Tây khát khao một tuyến luồng lớn
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất mà còn là trung tâm sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản trọng điểm của đất nước. Thế nhưng, hàng chục năm nay, cái nghèo, cái khó luôn đeo đẳng con người ở đây. Nguyên nhân thì có nhiều, song cái chính là nông sản ĐBSCL không thể xuất khẩu trực tiếp và người miền Tây Nam bộ không thể nhập hàng hóa, phân bón, thuốc trừ sâu từ chính các bến cảng ở quê hương mình. Đại đa số hàng xuất khẩu của ĐBSCL phải chuyên chở lên TPHCM và làm thủ tục xuất ở các cảng của TP.
Việc vận chuyển, một mặt tạo áp lực lên hệ thống giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ vốn đã quá tải, mặt khác lại gặp rất nhiều khó khăn do đi bằng đường thủy quá lâu mà đi bằng đường bộ thì rất tốn kém. Theo một tính toán của Bộ GTVT, chi phí tăng thêm do việc vận chuyển này lên tới 170 - 180 USD/container và từ 7 - 10 USD/tấn hàng. Trung bình mỗi năm, miền Tây Nam bộ xuất khẩu hàng triệu tấn hàng hóa, như vậy chi phí phát sinh này có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Hệ thống cảng biển ở ĐBSCL có tới gần 20 bến cảng nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của khu vực. Trong 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chủ lực năm 2012 của miền Tây Nam bộ như gạo, thủy hải sản, trái cây, chiếm đại đa số là doanh thu từ việc xuất khẩu qua hệ thống cảng biển ở TPHCM. Gần 20 bến cảng biển của ĐBSCL không phải không có khả năng xuất hàng mà nguyên nhân chính là không có tuyến luồng đủ để cho tàu lớn ra vào. Không thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa còn là một trong những cản ngại chính trong việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL.
Thi công đào kênh Tắc - một hạng mục của dự án luồng tàu lớn vào sông Hậu
|
Ngay như TP Cần Thơ là “thủ phủ” của vùng đất này cũng không được nhiều nhà đầu tư mặn mà, một phần vì nguyên nhân trên. Chính vì vậy, khát khao có được một tuyến luồng cho tàu lớn vào sông Hậu - nơi có nhiều bến cảng biển của miền Tây Nam bộ, nhằm khơi thông luồng hàng hóa xuất nhập khẩu luôn cháy bỏng trong tâm trí nhiều con người tâm huyết với vùng đất này.
Khủng hoảng kinh tế và những khó khăn
Dù có những yêu cầu hết sức cấp bách và chính đáng như vậy, dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu lại gặp rất nhiều trở ngại.
Trước hết là những tranh cãi… bất tận. Vẫn biết tranh luận, góp ý cho một dự án lớn với nhiều hệ lụy về kinh tế, về môi trường… là điều cần thiết và đúng đắn. Thế nhưng, mọi thứ kéo dài quá lâu khiến người dân miền Tây mệt mỏi vì nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất này đã bị bỏ qua. Còn nhớ, trong một hội thảo khoa học về đầu tư xây dựng tuyến luồng này được tổ chức ở TPHCM cách nay gần 10 năm, trước nhiều ý kiến tranh cãi liên miên, một lãnh đạo của Ban chỉ đạo miền Tây Nam bộ đã bức xúc thốt lên: “Đừng nói nữa, hãy làm đi!”.
Cuối cùng Chính phủ cũng đã khép lại các tranh luận và dự án xây dựng luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu đã được khởi công xây dựng vào ngày 27-12-2008. Tuy nhiên, mọi gian nan dường như vẫn cứ đeo đuổi dự án. Khủng hoảng kinh tế nổ ra, nguồn vốn đầu tư cho dự án gặp nhiều khó khăn, dự án buộc phải giãn tiến độ. Một số hạng mục đã thi công như một số đoạn của kênh Tắt vừa được đào, không được duy tu bảo dưỡng đúng quy định đã bắt đầu xuống cấp… Công trình bị kéo dài thời gian là một trong những nguyên nhân chính làm đội giá thành đầu tư lên…
Gian nan đối với Bộ GTVT là thế nhưng với miền Tây Nam bộ, khó khăn còn tăng lên gấp bội khi mà cùng với dự án làm luồng cho tàu lớn vào sông Hậu bị giãn tiến độ, công tác nạo vét luồng Định An - tuyến luồng tàu biển chính hiện nay của ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Công ty TNHH Quang Vinh, đơn vị chủ động đề xuất và đã được Chính phủ cho phép nạo vét luồng Định An theo hình thức BOT (Quang Vinh bỏ chi phí nạo vét, đổi lại Chính phủ giao phần cát nạo vét được cho đơn vị kinh doanh) không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí, lãnh đạo của đơn vị còn là một trong những can phạm chính trong vụ án tham nhũng tại ALCII vừa được xét xử tại TPHCM.
Ngày 25-6-2013 Thủ tướng đã có văn bản 5125/VPCP-KTN đồng ý chấm dứt Dự án BOT nạo vét tuyến luồng Định An của Công ty TNHH Quang Vinh. Dùng ngân sách để nạo vét luồng Định An, không đơn giản bởi như chính ông Phạm Đình Vận, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nói, luồng Định An qua hàng chục năm nạo vét cho thấy nếu nạo vét càng sâu thì mức độ bồi lắng càng nhanh, thời gian duy trì độ sâu nạo vét dài lắm cũng chỉ được 60 ngày. Hậu quả không thể khác hơn: nông thổ sản của miền Tây Nam bộ vẫn phải ngày đêm vận chuyển hàng trăm kilômét lên hệ thống cảng biển ở TPHCM.
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Chính phủ cho tái khởi động lại dự án làm luồng cho tàu lớn vào sông Hậu. Bộ trưởng Bộ GTVT đã trình bày trước Quốc hội về tính cấp thiết và quan trọng cũng như quá trình nghiên cứu đầu tư của bộ cùng các cơ quan liên quan trong dự án này. Chưa biết Quốc hội sẽ quyết định như thế nào nhưng giờ đây dự án làm luồng cho tàu lớn vào sông Hậu không chỉ có ý nghĩa đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa của miền Tây Nam bộ mà còn có ảnh hưởng quyết định đến việc cung cấp điện, phát triển kinh tế ở vùng đất này.
Cùng với việc đầu tư xây dựng luồng cho tàu lớn vào sông Hậu, Chính phủ đã cho xây dựng một số nhà máy nhiệt điện ở huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Nguồn than chủ yếu để phát điện là than nhập khẩu và bến cảng để nhập than sử dụng chung một số hạng mục như đê chắn sóng với dự án làm luồng tàu. Như vậy, có thể nói dự án làm luồng cho tàu lớn vào sông Hậu là dự án đa mục tiêu, rất cần được đẩy nhanh tiến độ vì sự phát triển của ĐBSCL.
| |
Theo NGUYỄN KHOA-SGGP
0 nhận xét:
Post a Comment