Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc. (Nguồn: Ngọc Hà/TTXVN)
Thủy vực ven bờ quần đảo Phú Quốc nổi bật với các hệ sinh thái nhiệt đới, bao gồm thảm cỏ biển, các rạn san hô và rừng ngập mặn.
Những hệ sinh thái này là môi trường cho sự đa dạng loài sinh vật biển, cung cấp nơi sinh sản, ương giống thủy sinh vật và nơi sinh sống của các loài di cư.
Sự đa dạng về loài và năng suất sinh học cao của các nguồn lợi trong khu vực mang lại sinh kế không chỉ cho cư dân của tỉnh Kiên Giang, mà còn cho cư dân nơi khác.
Hiện Phú Quốc được định hướng là một vùng trọng điểm kinh tế, với hàng loạt dự án phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu khai thác tài nguyên phục vụ đời sống gia tăng. Đây cũng chính là áp lực gây nên sự suy thoái đa dạng sinh học, giảm sút nguồn lợi và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Vì vậy, vấn đề bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên hệ sinh thái thuộc Khu bảo tồn biển này cần được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, khoa học và cộng đồng.
Theo đề xuất của Phó Giáo sư Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc định hướng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Phú Quốc, trước hết phải xác định loài mục tiêu gắn với hệ sinh thái ven bờ, cần dựa trên tri thức địa phương và các dữ liệu hàng năm để phát triển chiến lược quản lý phù hợp với sinh học thủy sản của loài.
Dựa trên các cuộc tham vấn địa phương từ các nhà khoa học Viện Hải dương học, nguồn lợi thủy sản quan trọng ở vùng biển Phú Quốc được xếp vào ba nhóm. Nhóm đầu tiên gồm các loài liên quan đến thảm cỏ biển, bao gồm ghẹ, ốc nhảy, mực nang, bạch tuộc, cá giò, cá ngựa và tôm ni lông. Những loài này cung cấp giá trị khoảng 2 triệu USD/năm.
Nguồn lợi thủy sản rạn san hô chỉ còn lại một số loài cá như cá mú, cá chàm và sinh vật đáy, cung cấp giá trị khoảng 600.000 USD/năm. Các nguồn thủy sản khác là mực ống, tôm và cá cơm có sản lượng đánh bắt cao ở các vùng biển lân cận đảo.
Vì vậy, phải cải thiện số liệu thống kê để trở thành một công cụ giám sát sự thay đổi của nguồn lợi thủy sản ở Phú Quốc. Chương trình giám sát nên được các cơ quan bảo tồn biển thực hiện, có sự hợp tác với ngành thủy sản cấp địa phương. Bên cạnh đó cũng cần quản lý kích thước đánh bắt các loài hải sản, coi đó là một biện pháp thực thi Luật Thủy sản. Kích thước đánh bắt sẽ được sử dụng như một chỉ thị trong chương trình giám sát này.
Chẳng hạn như trường hợp đánh bắt ghẹ, ngư dân nghèo trên đảo thường sử dụng các bẫy thu chủ yếu kích thước nhỏ gần bờ. Qua các cuộc tham vấn, ngư dân địa phương đồng ý rằng ngư cụ này nên bị giới hạn nhằm phục hồi ghẹ con và gia tăng giá trị nguồn lợi. Họ cũng cho rằng nên có chương trình sinh kế thay thế, như hỗ trợ ngư dân nghèo mua lưới đánh bắt ghẹ có chi phí khoảng 2 triệu đồng mỗi chiếc. Nếu được như vậy, công cụ bẫy thu sẽ giảm thiểu rất nhanh.
Một biện pháp có thể thay thế trong quản lý thủy sản, đó là sự tham gia của cộng đồng. Bởi các biện pháp cưỡng chế từ các cơ quan chính quyền lâu nay đạt hiệu quả rất thấp. Nên cách tiếp cận trong việc xây dựng nhóm cộng đồng, những người có trách nhiệm quản lý môi trường và nguồn lợi của chính họ, chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo xã và ngư dân địa phương.
Vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động bổ sung của điểm trình diễn tại Phú Quốc, Chủ tịch xã Hòn Thơm đã ký quyết định thành lập nhóm cộng đồng để bảo tồn rạn san hô ở Rạn Đá Trào, cơ chế hoạt động của nó cũng đã được chấp thuận. Song nên lưu ý nhóm này bao gồm một số cơ quan thuộc chính quyền địa phương và ngư dân, hoạt động trên cơ sở tình nguyện.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cưỡng chế đánh bắt bất hợp pháp và thiết lập rạn san hô nhân tạo được đề xuất như là giải pháp kép, nhằm giảm thiểu tác động của giã cào theo lối đánh bắt tận diệt, giúp tạo ra môi trường thuận lợi để khôi phục lại cá và các loài không xương sống. Còn việc thiết lập rạn nhân tạo là để bảo vệ những hệ sinh thái quan trọng trong vùng lõi của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Việc này yêu cầu phải có sự phối hợp của các chuyên gia sinh học, các cộng đồng địa phương và ngành thủy sản, để trở thành yếu tố chủ chốt đảm bảo thành công trong việc thiết lập và duy trì các rạn san hô nhân tạo ở các vùng biển ven bờ.
Việc phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái do tác động vật lý của hoạt động con người và tự nhiên cũng rất cần thiết. Nhất là các rạn san hô bị phá hủy bởi đánh bắt bằng thuốc nổ, hoặc nuôi trồng rong biển, bị bão và bị tẩy trắng.
Các kỹ thuật phục hồi hệ sinh thái được sử dụng tại Phú Quốc sẽ là cơ sở để sau này tái tạo hệ sinh thái trên các vùng biển bị thoái hóa của nước ta. Trong đó phục hồi các sinh vật rạn sẽ được kèm theo trong các địa điểm phục hồi san hô.
Riêng việc thiết lập các khu duy trì nguồn giống thủy sản, đã được Dự án UNEP GEF Biển Đông coi là giải pháp giảm thiểu khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, duy trì nguồn lợi nhằm khai thác lâu bền tài nguyên.
Với tầm quan trọng về sinh thái và thủy sản, Phú Quốc đã được lựa chọn như là một điểm ưu tiên trong việc thiết lập các khu duy trì nguồn giống thủy sản của Dự án Biển Đông. Một số hoạt động của điểm trình diễn theo hướng này ở Phú Quốc đã triển khai vào năm 2008.
Hiện Viện Hải dương học đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện đề tài, về thiết lập các khu duy trì giống thủy sản ở Việt Nam, trong đó có Phú Quốc.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn cho biết, việc trao đổi thông tin về các hoạt động trong vùng nước xuyên biên giới, đã được đề cập trong biên bản thỏa thuận giữa hai tỉnh Kampot (Camphuchia) và Kiên Giang (Việt Nam ).
Thỏa thuận này chấp thuận tình trạng cùng đánh bắt trên ngư trường của ngư dân hai nước trong vùng biển xuyên biên giới. Việc chia sẻ thông tin giữa hai bên sẽ rất hữu ích trong việc cưỡng chế các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp lý trên vùng biển này. Do đó, việc thiết lập đường dây thông tin giữa các nhóm cộng đồng địa phương và chính quyền của cả hai tỉnh là rất cần thiết hiện nay./.
Theo VĂN HÀO (TTXVN)
0 nhận xét:
Post a Comment