Test Footer 2

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Nghiên cứu địa chất, địa vật lý viễn thám biển - việc khó nên làm

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và quá trình biến đổi toàn cầu gia tăng, việc nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và tài nguyên - khoáng sản Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng. Bên cạnh đó, vấn đề tăng dân số đang là một sức ép lớn lên của nhân loại, bắt buộc phải có sự tăng cường quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển nhiều hơn và hiệu quả hơn. 
Với một không gian rộng lớn, đặc điểm địa chất đa dạng và nguồn tài nguyên khá phong phú, biển Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác điều tra nghiên cứu địa chất biển đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đặc biệt, sự phát triển của công tác thăm dò và khai thác dầu khí là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ của công tác nghiên cứu trên biển. Nguồn tài liệu có được do công tác thăm dò và khai thác dầu khí mang lại đã góp phần trong việc điều tra nghiên cứu về vùng biển của chúng ta, đồng thời góp phần soi sáng những quan điểm về kiến tạo, địa động lực, quá trình sinh khoáng… mà trước đây các nghiên cứu trên phần đất liền đã xác lập. Vì vậy, địa chất biển đã có những đóng góp đáng kể vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây nên và trở thành một nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế biển. 
Vận dụng mọi thế mạnh triển khai nghiên cứu  
Theo PGS.TS Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện địa chất và Địa vật lý biển, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong những năm gần đây, các công trình nghiên cứu về địa chất và địa vật lý biển của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Tìm kiếm thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; thăm dò và tính toán trữ lượng khoáng sản rắn vùng nước nông dưới 30 m nước ven bờ; bước đầu triển khai các dự án tìm kiếm gas hydrate (băng cháy) và khoáng sản biển sâu; nghiên cứu về cấu trúc kiến tạo, quá trình địa động lực Biển Đông; các vùng nguồn địa chất có thể gây ra các trận động đất mạnh và đánh giá khả năng gây sóng thần của chúng; bước đầu áp dụng thành công công nghệ GPS vào nghiên cứu sự dịch chuyển của các mảng trên Biển Đông và phụ cận. 
Nhiều đề tài trong số này đã tạo được uy tín trong giới khoa học như Đề tài Nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần ở vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả”. Đề tài bước đầu đã cung cấp cơ sở khoa học quan trọng về nguy cơ tiềm ẩn của các vùng nguồn động đất khu vực Biển Đông có khả năng gây sóng thần, đồng thời đã đề ra một số giải pháp cho việc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sóng thần gây ra. Đề tài cũng cung cấp các cơ sở khoa học để việc tính toán kịch bản sóng thần được phân tích một cách khoa học. Các tác giả đã tiến hành tính toán độ cao và thời gian lan truyền sóng thần nguồn (hút chìm Manila) tới các vị trí ven biển và hải đảo Việt Nam theo các kịch bản khác nhau. Theo các kịch bản này, động đất trên 8,5 độ richter trở lên có thể gây sóng thần ở ven biển Việt Nam từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Các tác giả nhận định khả năng sóng thần ở ven biển và hải đảo Việt Nam là không lớn, nhưng thực sự tồn tại, trong đó khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi.  
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về dầu khí đã góp phần quan trọng làm rõ diện mạo của cấu trúc kiến tạo và lịch sử tiến hóa các bể trầm tích trên phạm vi thềm lục địa và sườn lục địa Việt Nam. Viện Dầu khí Việt Nam đã chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ đánh giá tiềm năng dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, góp phần định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò trong những năm 2011- 2015,    đồng thời là cơ sở dữ liệu khoa học trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước thông qua các chương trình trọng điểm của đất nước như: KC.09: “ Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây”. Chương trình này đã giúp xác định được ranh giới, đặc điểm cấu trúc của từng bể, bồn trầm tích ở vùng nước sâu, xa bờ cũng như tiềm năng dầu khí.  
Đề tài “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” thuộc Đề án tổng thể “ Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” do Tổng cục Biển và Hảo đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) cũng đã làm rõ việc hình thành, tích tụ và phân bố dầu khí, xây dựng được một cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, cũng như các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.  
Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về cấu trúc kiến tạo và địa động lực Biển Đông, địa hình, địa mạo, địa môi trường biển đã giúp xây dựng được hệ thống bản đồ chi tiết về diện mạo đáy Biển Đông, giúp định hướng công tác tìm kiếm khoáng sản, phân vùng nguy hiểm trượt lở ngầm, giúp hoạch định các đường ranh giới pháp lý trên biển.  
Cần thu thập thêm nhiều tài liệu khoa học  
PGS.TS Phùng Văn Phách cho rằng, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo, hiện nay Biển Đông đã thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trên thế giới. Tài liệu thu thập được vì vậy cũng rất phong phú nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Việc nghiên cứu cơ bản về cấu trúc sâu có vỏ đại dương của Biển Đông là một việc làm cần thiết, nhưng tầm quan trọng của nó chưa được đánh giá đúng mức. Việt Nam đã hoàn thành và nộp báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam đúng thời hạn lên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc.  
Tuy vậy, trong thời gian từ nay đến khi Liên hợp quốc xem xét chính thức là một khoảng thời gian dài và các nước có nộp báo cáo có quyền và cần thiết phải hoàn thiện bổ sung, cập nhật báo cáo của mình. Để làm tốt việc này, Việt Nam cần thiết phải có các nghiên cứu cơ bản hơn nữa về trũng sâu Biển Đông, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Ủy ban Biên giới quốc gia.  
Trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu cơ bản về địa chất biển, cần có một cái nhìn tổng quan và hướng giải quyết vấn đề an ninh năng lượng một cách thống nhất mang tính chiến lược, tầm cỡ quốc gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực băng cháy, cần hiểu và đặt đúng vấn đề này với vai trò lịch sử và khả năng khai thác, sử dụng trong bối cảnh trình độ của nền kinh tế Việt Nam. Việc sa đà hoặc đầu tư nghiên cứu một cách ồ ạt, trong khi trình độ khoa học kỹ thuật, nhân lực có trình độ của ta chưa đáp ứng được có thể sẽ cho hiệu quả không cao. Hơn nữa, Việt Nam cần có một chiến lược về khoáng sản năng lượng biển một cách hợp lý. Theo đó, cần tăng cường tìm kiếm thăm dò dầu khí tại các bể có tiềm năng như Sông Hồng, Phú Khánh, Quảng- Đà…      
Bên cạnh đó, hiện nay, ngành nghiên cứu viễn thám biển rõ ràng đã trở thành nhu cầu cấp thiết khi Việt Nam đang phát triển ngành công nghệ vũ trụ, chủ động được hệ thống quan sát vùng lãnh thổ (đất liền và biển), với hệ thống vệ tinh nhỏ VNRedsat -1 đang được vận hành. Nhu cầu ứng dụng viễn thám trong điều tra nghiên cứu biển, quản lý và khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển… ngày càng lớn do những lợi thế của ngành công nghệ vũ trụ và tư liệu viễn thám. Vì vậy, xây dựng một chương trình ứng dụng viễn thám biển là rất cấp thiết hiện nay.
       Theo Thu Phương-tainguyenmoitruong.com.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment