Test Footer 2

Xây cảng cạn khi luồng chưa thông

Xung quanh câu chuyện hàng loạt cảng ở ĐBSCL “ế” hàng do luồng lạch không thông, ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ  - cho rằng cần tính đến việc xây cảng cạn. Ông Dũng phân tích:

Ảnh: H.T.DŨNG
Mỗi một cảng khi ra đời phải tính tới bán kính hàng hóa cung ứng, phải xem xét gần đó có bao nhiêu khu công nghiệp, hàng hóa ở khu công nghiệp đó thế nào, có bao nhiêu vùng sản xuất để cung ứng hàng hóa và nhận lại hàng hóa phân phối ra sao..., tất cả những việc này phải được tính kỹ
Ông Võ Hùng Dũng
- Lâu nay cách đặt vấn đề cảng ở VN thường theo lý thuyết cũ là phải có cầu cảng, có bến tập trung hàng hóa vào đó rồi lấy tàu vận chuyển, thậm chí quan niệm là tàu này phải đi thẳng ra nước ngoài. Trên cơ sở đó một thời gian dài các địa phương đã phát triển “nóng” loại hình cảng, nhưng việc đổ vốn vào tuyến đường vận chuyển phục vụ cảng lại chưa tương xứng.
Hậu quả tất yếu là các cảng chết yểu. Đã vậy lẽ ra các tỉnh có cảng phải ngồi lại với nhau để cùng gỡ thì đằng này có ai chịu ngồi lại đâu. Tôi nghĩ để cứu các cảng này phải có “các ông lớn” năng lực mạnh hơn để điều phối khai thác, chứ để từng công ty nhỏ ở từng tỉnh thế này khai thác 50% công suất như báo cáo tôi cho là hơi nhiều.
* Vừa qua Đồng Tháp đã cho thuê cảng để khai thác nên hiệu quả hơn so với các cảng khác của Cần Thơ, An Giang. Theo ông, đây có phải là cách làm mà các địa phương khác cần nghiên cứu?
- Tôi nghĩ đó cũng là một cách làm hợp lý để tự cứu mình còn hơn để không lãng phí. Sở dĩ Đồng Tháp cho thuê cảng là do các cảng này xây dựng trước đây và khai thác không hiệu quả vì thiếu nguồn hàng. Đồng Tháp cũng nhìn thấy không thể khai thác hiệu quả mà chỉ có công ty lớn chuyên về cảng mới có khả năng làm do họ có hệ thống logistics, hệ thống tàu. Ngoài ra Đồng Tháp cũng chỉ là một địa phương, thứ nhất là không có tiềm lực, thứ hai không có chuyên môn, thứ ba là khả năng kết nối cũng thiếu.
Hiện nay từng tỉnh có cảng mà mỗi cảng nằm trong địa phương của mình, không ai kết nối với ai cả, đã thế lại có tính chất cát cứ, riêng tư. Nên nhớ Tân Cảng là công ty lớn, họ có cách tổ chức chuyên nghiệp mới tổ chức được. Họ thuê lại để khai thác chủ yếu là cung cấp cho “cảng mẹ” của họ. Ở đây tôi không chỉ nói riêng Tân Cảng mà để phát triển cứu cảng thoát cảnh đìu hiu thì các địa phương có cảng nên hợp tác với công ty khác có năng lực để khai thác hiệu quả chứ “chiến đấu” độc lập như lâu nay không ổn.
* Vậy theo ông, các địa phương có cảng nên làm gì để không gây lãng phí cảng được cho là quá nhiều ở ĐBSCL?
- Như tôi đã nói ở trên, để giải bài toán khai thác hiệu quả cảng cần phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngoài việc tìm kiếm đối tác đủ năng lực, từng cảng cần phải phát huy lợi thế riêng của mình, xây dựng kết nối tìm kiếm nguồn hàng không chỉ xuất đi mà cả nguồn hàng nhập về. Bởi trở ngại luồng lạch tàu lớn chưa vào được nhưng cũng là cơ hội để một số cảng làm nhiệm vụ bãi tập kết vận chuyển container xuống sà lan nhỏ đi TP.HCM và các nơi để ra các tuyến hàng hải quốc tế.
Vì vậy tôi nghĩ cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ có thể lựa chọn làm cảng cạn, bãi tập kết giống như hình thức tổ chức cảng Phước Long của TP.HCM. Theo đó tập kết hàng hóa về đây để đóng gói, vô container, làm việc với hải quan rồi chuyển thẳng đến các cảng như Cát Lái hay cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Soài Rạp đưa hàng lên tàu ra nước ngoài. Nếu TP Cần Thơ có cảng cạn như vậy thì hàng hóa các tỉnh đổ về để đóng xuất khẩu và khi các công ty ở đây có nhập khẩu hàng hóa thì nó lại đóng vai trò nơi tiếp nhận hàng về để bóc ra, nói chung là sẽ trở thành điểm trung chuyển tương tự TP.HCM trước đây. Đây là cách giải quyết vấn đề vận tải hàng hóa cho ĐBSCL trong khi dự án Quan Chánh Bố chưa có và luồng Định An chưa cho phép tàu trên 10.000 tấn ra vào.
Tìm phương án khơi thông luồng Định An
Dù mỗi năm ngành hàng hải đều chi hàng chục tỉ đồng để nạo vét nhưng cửa biển Định An (Trà Vinh) vẫn chưa trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa tại ĐBSCL, do chỉ có tàu nhỏ mới ra vào được. Vì sao?
Do luồng Định An bị bồi lấp nên tàu trọng tải lớn trên 5.000 tấn ít cập cảng. Trong ảnh: bốc dỡ hàng hóa từ sà lan tại cảng Trà Nóc, Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc
Trong năm 2013, theo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải đã ghi vốn 25 tỉ đồng để nạo vét cửa biển Định An (thường gọi là luồng Định An). Dự kiến trong tháng 5-2013 dự án nạo vét sẽ lại được khởi động. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ số tiền này tiếp tục bị lãng phí.
Nạo vét xong, bồi lắng trở lại
Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, trong giai đoạn 2009-2012, mỗi năm luồng Định An ngốn chi phí nạo vét 18-30 tỉ đồng nhưng luồng vẫn cạn. Nguyên nhân là do sử dụng phương tiện nạo vét cũ kỹ với tàu có trọng tải nhỏ (5.000 tấn), công suất thấp (1.000m³/giờ), chịu sóng gió kém. Cách nạo vét là tàu hút bùn vào “bụng” rồi chạy ra biển đổ, trong hai tháng chỉ nạo vét được chừng 200.000m³.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù được nạo vét nhiều lần nhưng luồng Định An bị tắc là do nạo vét chưa triệt để, làm cầm chừng. Trong thời gian từ năm 1975-2008, các cơ quan chức năng đã nạo vét 13 lần nhưng với kinh phí quá thấp, cao nhất 14 tỉ đồng (năm 2004) và thấp nhất chỉ có 2 tỉ đồng, nên luồng Định An vẫn chưa “vượt cạn”.
Ông Lê Minh Kháng, giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, cho biết quy mô nạo vét những năm qua chủ yếu trên phạm vi rộng khoảng 100m, độ sâu thì lồi lõm (có nơi - 3,5m, có nơi -3,7m). Trong khi để duy trì độ sâu được lâu cần nạo vét trên phạm vi rộng 400m và sâu từ -7m đến -8m. Ngoài ra, phải có phương tiện giải quyết việc bồi lắng ngay sau đó. Cách làm này đòi hỏi kinh phí lớn, mỗi lần cần đến vài trăm tỉ đồng.
TS Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ - cho rằng phương án và cả công nghệ nạo vét không phù hợp, lãng phí tiền bạc nhưng không mang lại hiệu quả.
Làm chưa căn cơ
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - cho biết việc tàu biển lưu thông qua cửa Định An ngày càng thêm trở ngại, trong khi việc nạo vét luồng chưa làm đúng bài bản, tới nơi tới chốn. Phương tiện thi công thì hạn chế, đặc biệt quá trình bồi lắng nhanh có nguyên nhân do bùn cát chưa được đưa ra khỏi vị trí nạo vét.
“Việc thực hiện nạo vét và đưa bùn cát đi đổ ở đâu... là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng chưa được quan tâm giám sát. Có thể chưa mang chúng rời khu vực triệt để nên sau đó nhanh chóng gây bồi lắng trở lại. Kinh phí đã hạn hẹp mà lại điều tàu hút từ Hải Phòng vào mỗi lần rất tốn kém. Những điều này lý giải tại sao nạo vét không hiệu quả” - ông Trân nói.
Ông Trân cũng cho rằng việc nạo vét luồng Định An là cần làm nhưng phải được tổ chức khoa học, thực hiện định kỳ, đúng chuẩn và biết cách làm thì vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Do kinh phí hạn hẹp nên kêu gọi liên doanh hoặc kêu gọi đầu tư để thực hiện. Trước hết cần đầu tư tàu hút bùn chuyên dụng để vừa nạo vét luồng Định An vừa nạo vét các luồng lạch khác ở ĐBSCL.
Trong quá trình thi công cần tận thu nguồn cát để san lấp mặt bằng, phục vụ các công trình xây dựng đem lại nguồn lợi rất lớn, hay xuất bán để trang trải kinh phí nạo vét. Ông Lê Minh Kháng cho biết thời gian qua có một số doanh nghiệp đã đề xuất tiến hành nạo vét với hình thức trên, họ chỉ yêu cầu được tận thu cát để san lấp mặt bằng hoặc xuất khẩu. Cảng vụ cũng ủng hộ phương án này.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nạo vét luồng Định An là điều rất cấp bách để giúp ĐBSCL phát triển. Càng để lâu thì nhiều cảng lớn, mỗi cảng đầu tư hàng trăm tỉ đồng tại ĐBSCL bị bỏ hoang kéo dài, rất lãng phí. Tuy nhiên, việc nạo vét cần phải tính toán hợp lý đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật để tránh sai lầm đáng tiếc.
Thủ tướng chỉ đạo tìm phương án nạo vét tối ưu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Sương - phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết trước tình trạng thời gian qua dù năm nào cũng nạo vét luồng Định An nhưng không hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Cục Hàng hải VN tiến hành khảo sát thực tế và đề xuất phương án nạo vét mới để khơi thông luồng, đảm bảo tàu cỡ lớn có thể vào các cảng khu vực ĐBSCL giao nhận hàng hóa.
Theo đó, lãnh đạo ban chỉ đạo đã thống nhất ngay đầu tháng 5-2013 sẽ kiểm tra khảo sát thực tế và đề xuất Chính phủ phương án nạo vét hiệu quả.
Theo H.T.D-tuoitre.vn

                                                                                                                             
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment