Test Footer 2

Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo Bài 2 : Vươn ra biển để làm giàu

Đó là khẳng định của PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, trong hiện tại và tương lai, chúng ta phải vươn ra biển, làm giàu từ biển... 


PGS, TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: Phúc Thái

Phóng viên (PV): Là chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên biển, ông đánh giá như thế nào về nguồn tài nguyên biển ở nước ta?

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Biển Đông là khu vực chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thủy sản, khoáng sản.

Biển Đông là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển có giá trị cao trên thế giới, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đồng thời là một trong 16 ngư trường lớn của thế giới và cũng chính là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Các nước trong khu vực đều là các quốc gia đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hàng đầu thế giới. Sản lượng đánh bắt hải sản của các nước trong khu vực này chiếm khoảng 8% tổng sản lượng đánh bắt toàn thế giới.

Biển Đông được coi là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày, còn theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng. Sản lượng khai thác dự kiến đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm và duy trì được trong vòng 15-20 năm tới. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam cũng là những nơi có triển vọng dầu khí, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi với trữ lượng và sản lượng dầu khí đứng vào hạng trung bình trong khu vực. Đến nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, trong đó In-đô-nê-xi-a là thành viên của OPEC.

Khu vực Biển Đông còn có tiềm năng về băng cháy - một loại khí hy-đrát mê-tan bị “đóng băng” trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Băng cháy sẽ là nguồn năng lượng thay thế dầu và than đá trong tương lai do trữ lượng ước tính của nó gấp khoảng 2 lần dầu khí, than đá đã biết trên thế giới. Năm 2003, các nước trong khu vực đã tìm thấy băng cháy ở Biển Đông, riêng vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng là nơi có tiềm năng nguồn năng lượng này.

Không chỉ có tài nguyên, khu vực Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất nhì thế giới, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương xuyên qua Biển Đông cùng với 5-7 tuyến hàng hải cấp khu vực. Với đường bờ biển khúc khuỷu, kéo dài, nhiều cửa sông và đầm phá, đặc biệt có khoảng 54 vịnh ven bờ, nước ta có tiềm năng phát triển cảng và dịch vụ cảng. 

PV: Việt Nam đã khai thác tiềm năng này như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Đến nay, ở nước ta vẫn chưa hình thành nền công nghiệp biển-đại dương theo đúng nghĩa, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Chủ trương đúng quá rồi, nhưng đến nay chúng ta chưa tiêu chí hóa được (thể chế hóa, chính sách hóa, công nghệ hóa…), cho nên thực sự cũng chưa nhận dạng được và đương nhiên vẫn rơi vào lúng túng. Ta đã nhấn mạnh đến vùng duyên hải, hoàn toàn đúng, nhưng không quyết liệt hướng ra “biển lớn” thì không chủ động chuẩn bị sớm. Nên đặt cột mốc để phấn đấu, làm dần và có lộ trình cụ thể, có kết quả cụ thể và được đánh giá bằng các tiêu chí cụ thể…

Đầu tư cho phát triển biển nói chung, kinh tế biển nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn và đồng bộ nhưng lợi ích nó đem lại thường lâu dài. Hay chăng vì thế mà làm nghề biển phải có bản lĩnh quyết đoán và tính mạo hiểm? Nếu chỉ đầu tư hoặc có cái nhìn ngắn hạn đối với phát triển biển và kinh tế biển thì sẽ không bao giờ thành công. Thụy Sĩ là quốc gia không có biển nhưng đã tận dụng được những quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia không có biển theo quy định của công pháp quốc tế để phát triển dịch vụ hàng hải quốc tế…

Trong các ngành kinh tế biển Việt Nam, chỉ có ngành dầu khí là phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ngành hàng hải, nhìn toàn diện vẫn chưa định hình thành một ngành công nghiệp biển hiện đại, vẫn ở mức chủ yếu là “làm thuê”, chưa hoàn toàn chủ động và làm chủ công nghệ. Ngành thủy sản phần lớn vẫn là nghề cá nhỏ, đánh bắt thủ công, tiếp tục đối mặt với những suy thoái về môi trường sinh thái và nguồn lợi. Cần ưu tiên tổ chức lại đội hình đánh bắt xa bờ để khai thác hiệu quả lợi thế vốn có của một quốc gia có diện tích vùng biển, đảo gấp 3 lần diện tích đất liền (khoảng 1 triệu km2).

PV: Đội ngũ nhân lực để khai thác kinh tế biển của Việt Nam hiện nay như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Để khai thác và làm giàu từ biển đòi hỏi tính kỷ luật, kỹ thuật và bản lĩnh của người đi biển, ra biển phải có nghề. Đội ngũ đi biển của chúng ta vẫn còn yếu, đã thiếu lại chưa được đào tạo bài bản. Đến nay, các ngành nghề về biển vẫn ít người học nhất: Ngành khoa học biển là thấp nhất trong tất cả các ngành, hiện 5-6 chuyên ngành về biển ở một số trường đang đứng trước nguy cơ phải bỏ vì 5 năm liền không tuyển đủ người học. Tình trạng thiếu cán bộ có kỹ năng và tính kỷ luật trong các ngành biển vẫn còn là vấn đề thực tế trong những năm tới.

PV: Vậy cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? 

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi:  Muốn trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển, cần phải có định hướng chiến lược và lộ trình kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể như đã nói trên; phải có con người làm chủ được trình độ khoa học, công nghệ khai thác biển tiên tiến; phải có các phương tiện điều tra-nghiên cứu và khai thác biển hiện đại. Thúc đẩy phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả theo hướng công nghiệp và bền vững. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống cơ chế chính sách quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên cơ quan… để thống nhất quản lý Nhà nước về biển, hải đảo. Kinh tế biển là những ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù và quản lý biển là lĩnh vực quản lý chuyên ngành, nên cần những con người có trình độ chuyên môn-công nghệ, người hiểu biển, tâm huyết với biển. 

 - Xin cảm ơn PGS,TS !
                                                                                                                                                        Theo qdnd.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment