Test Footer 2

Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo- Bài 1: Cần thay đổi cách nhìn về kinh tế biển, đảo

Biển, đảo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia có biển nói riêng và cả thế giới nói chung. Vệt bài "Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo" do các chuyên gia kinh tế và các phóng viên Báo Quân đội nhân dân thực hiện sẽ lý giải, phân tích thực trạng và kiến nghị các giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển, đảo Việt Nam.
Bài 1: Cần thay đổi cách nhìn về kinh tế biển, đảo
Việt Nam nằm ven bờ Biển Đông, với đường bờ biển dài hơn 3.260km cùng hàng nghìn hòn đảo, trong đó có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Điều kiện địa lý này đã đem lại nhiều thuận lợi, tiềm năng cũng như những thách thức to lớn cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nước ta khi hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn đều gắn kết với biển như du lịch, dầu khí, thủy sản và vận tải biển. Hiện nay, kinh tế biển của nước ta chiếm khoảng gần 30% GDP. Từ lâu nay, Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng các chính sách để phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương ven biển, các đảo, quần đảo. Công tác khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển ngày càng được chú ý để làm cơ sở cho việc phát triển các ngành, các vùng kinh tế biển, cũng như cho việc hoạch định các chính sách quản lý tài nguyên môi trường biển của nước ta. Cơ cấu ngành nghề biển đang dần được điều chỉnh hợp lý, những ngành khai thác và sử dụng lợi thế của biển nước ta như: Vận tải viễn dương, dịch vụ hàng hải, du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ, đang được chú ý phát triển. Ngoài ra, trong khai thác biển, nhiều ngành và địa phương dần quan tâm đúng mức đến việc tái tạo và làm giàu tiềm năng. Vấn đề bảo vệ môi trường biển đã được quan tâm và đầu tư ban đầu. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, theo chủ trương, đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, nước ta đang triển khai tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế biển.
Giàn khoan khai thác dầu khí trên biển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phú Thọ.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phát triển kinh tế biển, tăng nhanh tỷ trọng kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân, gắn với bảo vệ chủ quyền của đất nước và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái biển. Thời gian qua, các ngành và các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm đầu tư cho các tỉnh ven biển. Các vùng kinh tế ven biển cũng đã dần dần có bước chuyển biến, mở rộng ra bên ngoài và có sự liên kết giữa các vùng với nhau để phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của các địa phương, từng bước tạo ra những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và các địa phương ven biển nói riêng.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã đặt mục tiêu khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi hải sản, đưa ngành thủy sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, kinh tế đảo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-15%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, nước ta sẽ hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như: Du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ cho các đảo có điều kiện thuận lợi, đồng thời, khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên thuận lợi vào nuôi trồng hải sản. Các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ. Phát triển du lịch cũng được coi là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo trong những năm tới. Một số khu du lịch sinh thái biển, đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới sẽ được hình thành, tạo bước đột phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung.
Từ nay đến năm 2020, chúng ta sẽ tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đảo. Chúng ta phấn đấu đến khi đó, tất cả các huyện đảo, xã đảo và các đảo quan trọng khác về cơ bản đều có hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh. Hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, hạ tầng thông tin-truyền thông cũng được đầu tư, nâng cấp.
Trong những năm vừa qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư cho biển, đảo trong tổng chi ngân sách Nhà nước, thể hiện sự cố gắng lớn của Nhà nước. Nhờ sự đầu tư tập trung của Nhà nước nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình được đầu tư đã và đang phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020 cần hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách khoảng 60%, còn lại là các nguồn vốn xã hội.
Rừng ngập mặn ven biển Mũi Cà Mau. Ảnh: Hải Hà.
Việc tổ chức đời sống, sản xuất của người dân trên các đảo đóng vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình phục vụ hoạt động kinh tế như: Cầu tàu, âu tàu, kho xăng dầu, cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, tồn trữ và cung cấp nước ngọt, kho lạnh, cấp đông bảo quản hải sản, cung ứng nước đá, cung ứng vật tư nghề cá, trạm y tế,... cần được tiếp tục đầu tư. Từ nhiều năm nay, bà con ngư dân khi ghé các đảo đã được cung ứng xăng, dầu, nước ngọt, chăm sóc y tế, sửa chữa tàu, thuyền, ngư cụ. Các chương trình đầu tư cho biển, đảo cần được tiếp tục đẩy mạnh bằng các nguồn vốn ngân sách với yêu cầu từng bước hiện đại hóa, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ mới nhất vào các công trình, dự án, bảo đảm các công trình bền vững, đạt hiệu suất, hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc tuyên truyền về biển, đảo, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có thể mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền giáo dục cho ngư dân hiểu và chấp hành các điều khoản của các hiệp ước, công ước đã ký giữa Việt Nam và các nước khác, tham gia phát hiện sự xâm phạm của tàu, thuyền nước ngoài. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất trên biển. Các biện pháp hỗ trợ khai thác hải sản như: Cung ứng xăng, dầu trên biển, trang thiết bị thông tin hàng hải và khai thác hải sản lắp đặt trên tàu cá, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, cho vay vốn ưu đãi, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, hỗ trợ nuôi trồng hải sản trên vùng biển, lồng nuôi, con giống hải sản, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trên biển, các dịch vụ công ích trên biển,... cần sớm được nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Hiện nay, kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển mà đã mở rộng sang lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển, bảo vệ và cân bằng môi trường sinh thái biển, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Do đó, cần sớm nghiên cứu, phát hiện các lợi thế so sánh, phát huy thế mạnh của đất nước trong phát triển kinh tế biển. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận kinh tế biển, đảo một cách toàn diện, phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước theo hướng phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
-----------------
Tiến sĩ TRẦN VĂN (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội) 
Theo qdnd.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment