Test Footer 2

Vàm Láng: Từ làng biển đến đô thị biển

Phân loại hải sản ở cảng cá Vàm Láng. Ảnh H.CPhân loại hải sản ở cảng cá Vàm Láng. Ảnh H.C

(DĐĐT) - Được chính thức thành lập vào ngày 19/11/2010 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, thị trấn Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có 600 ha diện tích tự nhiên và 13.921 nhân khẩu. Việc thành lập và xây dựng một đô thị biển ở cửa sông Soài Rạp là tiền đề để khai thác tiềm năng về đánh bắt, chế biến thủy hải sản và những dịch vụ thương mại liên quan đến nghề cá của địa phương nói riêng cũng như khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang.

Địa phận thị trấn Vàm Láng xưa nay vẫn được biết như một làng biển bởi mùi nắng gió mằn mặn hòa lẫn mùi cá biển hăng hăng rất đặc trưng của cá phơi khô, của tay lưới đang phơi dò dọc trước cửa nhà ngư dân và cả mùi tanh của cua, ghẹ, cá tươi ở những điểm thu mua, sơ chế hải sản.
 
Về địa danh Vàm Láng, những cư dân cố cựu đất Gò Công lý giải rằng: Phía ngoài con rạch Cần Lộc đổ ra sông lớn Soài Rạp thông ra biển có một phần nước rộng và sâu gọi là vàm, cách họng vàm một khoảng có một hà lãng (chỗ nước rộng mênh mông) với rừng cây dày đặc hai bên bờ nên có nhiều nai đến uống nước (vì thế hồi xưa chỗ này còn gọi láng lộc). Vì vàm ở gần láng lộc nên dân địa phương gọi tắt Vàm Láng.
 
Người dân địa phương còn tương truyền rằng, Vàm Láng nơi Chúa Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lâm nạn trên biển, được cá Ông hộ tống, đưa vào bờ. Vì thế khi lên ngôi, vua Gia Long sắc phong cho loài cá Ông chức Nam Hải Đại Tướng quân. Hiện nay, ở ấp Lăng xã Vàm Láng có Lăng Ông, được xây dựng mới vào năm 1922 (trước đây là miễu thờ thủy thần) cùng sắc phong của vua ban và bộ hài cốt của cá Ông sau khi lụy vào những năm của thế kỷ XIX, dạt vào bờ được ngư dân thờ cúng.
 
Vào ngày 9 tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền và ngư dân xã Vàm Láng đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất long trọng cùng nhiều hoạt động vui chơi văn hóa truyền thống của vùng biển.
 
Cảng cá Vàm Láng từ lâu đã được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất của khu vực Gò Công nói riêng và cả tỉnh Tiền Giang nói chung với số lượng cung cấp vài chục ngàn tấn cá, tôm, mực, ghẹ mỗi năm. Mỗi ngày, trạm kiểm soát biên phòng cửa Vàm Láng đã tiếp nhận đăng ký, kiểm chứng khoảng 200 tàu, ghe ra vào cảng.
 
Đến cảng cá Vàm Láng vào đúng dịp ghe, tàu cặp bến sau chuyến đi biển, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tất bật của bà con khi vận chuyển, thu mua hải sản. Những cần xé đựng đầy các loại hải sản vun đầy được ướp đá tươi rói như: ruốc, mực, tôm, ghẹ, cá các loại… được ngư dân kéo từ dưới khoang lên bờ xếp dài chờ thương lái thu mua. Sau khi được phân loại, phần lớn các loại hải sản được xếp vào thùng xốp, lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ; còn ruốc (tép biển nhỏ) được chủ vựa mang về sân phơi.
 
Theo thống kê, toàn xã hiện hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong xã là gần 500 tàu được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hơn 20 ngàn tấn hải sản các loại.
 
Hoạt động đánh bắt nuôi trồng, chế biến thủy hải sản ở Vàm Láng trở thành điều kiện để hoạt động các dịch vụ nghề cá (sửa chữa tàu, ghe, cung cấp dầu, nước đá) cũng như hoạt động thương mại dịch vụ ở đây phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và ở nơi khác đến.
 
Chính vì vậy, từ một làng biển truyền thống với cư dân chủ yếu sống bằng nghề “hạ bạc”, đến nay, Vàm Láng ngày càng trở nên phát triển với vóc dáng đô thị vùng biển hơn với những dãy phố san sát, những cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế hải sản, kinh doanh ăn uống…
 
Đô thị biển trong tương lai
 
Việc thành lập thị trấn Vàm Láng theo nghị quyết của Chính phủ như thổi một luồng gió mới đến với người dân Vàm Láng nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế xã hội của một vùng đất miệt biển còn nhiều tiềm năng, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, củng cố sức mạnh phòng thủ ven biển…
 
Ngư dân Phan Văn Sáu (60 tuổi, ấp Đôi Ma 2) cho biết: Cũng như những người dân Vàm Láng khác, tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin thành lập thị trấn, qua đó có thêm điều kiện phát triển kinh tế, dự án khu công nghiệp được triển khai, người dân có thêm công ăn việc làm, đường sá cầu cống, môi trường được cải thiện, cảng cá mở rộng, luồng lạch thông thoáng tạo điều kiện cho ngư dân an tâm phát triển sản xuất.
 
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Vàm Láng đã không ngừng phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật và tinh thần của nhân dân, bằng nhiều nguồn vốn đóng góp đầu tư, làm bộ mặt trung tâm xã ngày một khang trang, hạ tầng đô thị được hoàn thiện dần, không gian đô thị được mở rộng với đặc trưng của một đô thị vùng biển. Kinh tế thị trấn Vàm Láng không ngừng phát triển, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân hàng năm gần 11%.
 
Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Gò Công Đông, do đặc thù của thị trấn Vàm Láng nên chỉ tiêu kiến trúc cảnh quan đô thị và cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên thị trấn mới thành lập sẽ là đô thị ven biển phát triển theo hướng đô thị hóa; khu dân cư mới kết hợp khu dân cư hiện hữu từng bước hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại V.
 
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thị trấn Vàm Láng dự kiến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị, nâng cấp mở rộng các hẻm thuộc ấp Chợ và ấp Lăng; xây dựng mới các tuyến trục phía Bắc tỉnh lộ 871 hướng về phía biển để tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái; hoàn chỉnh vỉa hè, chiếu sáng và trồng cây xanh các trục đường phố đô thị đồng thời cải tạo bến xe Vàm Láng, các bến đò phục vụ cho giao thông và nâng cấp cảng cá Vàm Láng đạt công suất thiết kế 330 CV. Ngoài ra, thị trấn còn lập dự án triển khai các khu nhà ở chính, khu nhà biệt thự phía Bắc đường tỉnh lộ 871 hướng về phía biển…
 
Trên cơ sở thực hiện quy hoạch chung, chính quyền thị trấn Vàm Láng sẽ tiếp tục triển khai nhiều công trình lớn về giao thông, thoát nước, khu dân cư đô thị, hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, chất lượng đô thị để phát triển bền vững, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng biển và ven biển; khai thác có hiệu quả hết tiềm năng về nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hữu Chí/SGGP
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment