Test Footer 2

Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển


Tiềm năng tài nguyên biển và ven biển phong phú là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên nước ta cũng đứng trước những thách thức về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái biển và ô nhiễm môi trường do hậu quả của việc khai thác quá mức, gây lãng phí và cạn kiệt tài nguyên.
Cù Lao Chàm, một trong 5 khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Ảnh: VietnamdiscoveriesCù Lao Chàm, một trong 5 khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Ảnh: Vietnamdiscoveries

Theo Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuy chưa được xếp vào loại ô nhiễm nghiêm trọng như một số quốc gia trên thế giới, nhưng biển Việt Nam đang ở giai đoạn báo động và có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai gần.
Thực tế cho thấy, ô nhiễm biển từ nguồn đất liền chiếm đến 60% các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nguồn thải từ các con sông, thuốc trừ sâu từ các vùng sản xuất nông nghiệp, chất thải đô thị và khu dân cư ven biển, chất thải công nghiệp ven biển.

Nước biển các dải ven bờ miền Nam từ Nha Trang trở vào cũng có dấu hiệu bị ô nhiễm COD, vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An cũng chịu chung số phận khi hàm lượng amoni đã vượt hoặc xấp xỉ quy chuẩn cho phép.

Đối với nước biển ở ngoài khơi, hàm lượng oxy hòa tan và hàm lượng dầu mặc dù thấp hơn ven bờ, song cũng đều vượt tiêu chuẩn ASEAN cho vùng nước bảo tồn thủy sinh. 

Sự cố tràn dầu cũng diễn ra khá thường xuyên ở vùng bờ biển do lượng tàu bè qua lại quá lớn.

Theo số liệu thống kê vòng 20 năm trở lại đây đã có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và môi trường.

Ngoài ra hoạt động khai thác dầu khí, hoạt động của tàu thuyền đánh cá đặc biệt là tàu thuyền nhỏ với máy móc lạc hậu, không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm dầu ở nước ta. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư nhấn mạnh: nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển, tài nguyên dầu khí và những nguồn tài nguyên biển không tái tạo khác đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững với cách tiếp cận nóng trong khai thác tài nguyên biển như đánh bắt hải sản bằng lưới mắt nhỏ, bằng thuốc nổ, xung điện không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường mà còn gây lãng phí và sớm cạn kiệt tài nguyên biển. 

Đã có 70 loài hải sản được đưa vào Sách đỏ và 85 loài được đưa vào tình trạng nguy cấp với nhiều cấp độ khác nhau…Không dừng lại ở đó, trong vòng 50 năm trở lại đây, nước ta đã mất tới gần 80% diện tích rừng ngập mặn.

Tùy từng thời kỳ, diện tích có phục hồi song không nhiều và rừng ngập mặn vẫn luôn bị đe dọa, tiếp tục bị thu hẹp. Tại các vùng biển phía Bắc, diện tích san hô cũng giảm tới một nửa kéo theo là chất lượng giảm sút đáng kể, chỉ có 14,5% diện tích san hô phát triển tốt còn lại là 44,9% đang ở tình trạng xấu và rất xấu, diện tích các thảm cỏ biển cũng bị giảm từ 40 - 60%, đặc biệt ở các khu vực biển miền Trung và Nam Bộ. 

Nâng cao vai trò của cộng đồng

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên biển, một trong những phương thức hữu hiệu trong bảo vệ nguồn lợi, môi trường biển là xây dựng các khu bảo tồn biển.

Theo đại diện Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN-PTNT hiện cả nước đã có 5 khu bảo tồn biển chính thức hoạt động, bao gồm Khu bảo tồn biển Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Cù Lao Lau và 5 Khu bảo tồn biển mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chuẩn bị hình thành bộ máy tổ chức.

Dự kiến trong năm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với bộ ngành chức năng sẽ xúc tiến nhằm thành lập Khu bảo tồn Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa.
“Không chỉ có hướng đi đúng mà quan trọng là phải thực hiện tốt” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, bảo tồn biển hiện nay vẫn chưa được chú trọng và phát huy, nhiều khu bảo tồn đã được hình thành nhưng vẫn bị con người xâm phạm. Công tác quản lý chưa thực sự phát huy được hiệu quả, chỉ có một số khu bảo tồn xây dựng được kế hoạch.

Mặc dù trong các khu bảo tồn biển luôn có người dân sinh sống song vai trò của cộng đồng tham gia quản lý vẫn chưa được phát huy cũng một phần là do chưa có quy định cụ thể về vai trò của người dân trong việc tham gia quản lý các khu bảo tồn biển.

Cùng với đó là hiện tượng vi phạm quy định về đánh bắt hải sản như đánh bắt trong khu vực vùng lõi, đánh bắt quá mức, tận diệt hoặc bằng các biện pháp hủy diệt vẫn tồn tại. 

Cần có hệ thống luật pháp đầy đủ và đồng bộ để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Hiện chế tài về lĩnh vực này mới chỉ có Nghị định của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển; các hoạt động liên quan đến biển và bảo vệ tài nguyên biển chủ yếu được điều tiết theo các luật chuyên ngành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng Sinh học, Luật Hàng hải, Luật Thủy sản...

Được biết, Dự thảo Luật Tài nguyên môi trường biển đang được xúc tiến xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2014. Cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, nhiều ý kiến cho rằng, cần triển khai rộng rãi các chủ trương xã hội hoá, nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. 

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Theo đó sẽ đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ… để khai thác thế mạnh và tài nguyên biển, đảo. Tuy nhiên, kinh tế biển sẽ không phát triển bền vững, nếu như môi trường biển không được bảo vệ và quản lý chặt chẽ.
Thu Trang/NĐBND

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment