Test Footer 2

Sóng biển “tấn công” hàng ngàn nhà dân

Từ giữa tháng 11 âm lịch đến nay, hàng ngàn gia đình sống ven biển tại Bình Định, Phú Yên luôn thấp thỏm vì triều cường, sóng biển đe dọa. Cuộc sống của hàng ngàn gia đình ven biển tại Bình Định, Phú Yên đảo lộn vì sóng dữ.
Sóng cuốn hàng chục ngôi nhà
Tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cả làng lúc nào cũng nháo nhác vì sóng dữ. Ban đêm, nhiều gia đình không dám ngủ ở nhà vì sợ sóng cuốn.
Ông Bùi Văn Thân (67 tuổi, xã Hoài Hải) nhìn những cơn sóng lớn đang ngoạm sâu vào chân móng ngôi nhà của mình, lo lắng: “Năm nay triều cường xuất hiện muộn hơn nhưng sóng dữ hơn, tấn công sâu hơn. Mới đầu mùa sóng đã “nuốt” cả chục ngôi nhà”. Theo người dân thôn Kim Giao Bắc, chỉ trong mấy năm gần đây, triều cường đã xâm thực sâu vào đất liền hàng trăm mét, cả một dải đất rộng phía trước làng với hai dãy nhà đã bị nhấn chìm dưới biển, hàng chục ngôi nhà khác giờ chênh vênh ngay đầu sóng; móng, tường của nhiều ngôi nhà bị vỡ nứt.
Những ngôi nhà ở thôn Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) nằm chênh vênh trên đầu sóng (Ảnh: Tấn Lộc/Pháp luật TP.HCM)
Những ngôi nhà ở thôn Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) nằm chênh vênh trên đầu sóng (Ảnh: Tấn Lộc/Pháp luật TP.HCM)
Ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, hàng trăm ngôi nhà có vách nằm ngay bên mép biển bị sóng dữ liên tục khoét sâu vào chân móng khiến những ngôi nhà này có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Cao Văn Chánh, Trưởng thôn Tân Phụng 2, cho biết con đường duy nhất trước làng giờ đã nằm sâu dưới biển cả mấy mét nên cả làng không còn đường đi. Hằng ngày trẻ em của làng phải lội nước biển đi học ngay cạnh những cơn sóng.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, với tốc độ xâm thực như hiện nay, chỉ trong vòng 10 năm tới, hơn một nửa diện tích của xã đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn sẽ chìm trong biển.
Tương tự, người dân xóm Rớ, khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cũng liên tục tháo chạy hoảng loạn do bị sóng dữ tấn công. Ngay trong đợt sóng lớn đầu tiên vừa qua, đã có bảy ngôi nhà cùng hai cơ sở đóng tàu bị cuốn ra biển. Ông Phạm Lời (77 tuổi, ngụ xóm Rớ) nói: “Đang giữa trưa, những đợt sóng cao ngất ầm ầm liên tục đánh sâu vào làng cả trăm mét. Mấy chục năm nay tôi mới thấy những đợt sóng cao và mạnh bất thường thế này”. Theo phường Phú Đông, hiện có hơn 180 hộ ở xóm Rớ thường xuyên bị triều cường uy hiếp, nhiều ngôi nhà cần di dời khẩn cấp.
Thời gian qua đã có hơn 200 ngôi nhà tại các xã ven biển thuộc huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa bị triều cường, sóng lớn đánh sập, làm hư hỏng; hiện hàng ngàn ngôi nhà khác đang bị uy hiếp trực tiếp.
Loay hoay di dời
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh và trung ương đã quy hoạch, xây dựng 31 dự án tái định cư, tạo chỗ ở mới cho gần 4.000 hộ đang sống ở vùng nguy cấp do thiên tai, trong đó chủ yếu sạt lở do triều cường. Tuy nhiên, đến nay tỉnh này chỉ mới xây dựng được sáu khu tái định cư, giải quyết chỗ ở mới cho hơn 2.000 hộ. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa chuyển đến các khu tái định cư vì không có tiền xây dựng nhà mới và các khu tái định cư xa biển…
Cũng theo ông Hổ, việc đưa dân đến các khu tái định cư rất nan giải vì mức hỗ trợ theo quy định còn thấp. Ngoài ra, nhiều dự án chống sạt lở ven biển ở Bình Định vẫn chưa thể triển khai do khó khăn về kinh phí.
Còn tại Tuy Hòa, ông Trần Hiền, Quyền Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, nói: “Huyện đã khảo sát mặt bằng để xây dựng khu tái định cư cho hơn 100 hộ dân xóm Rớ. Tuy nhiên, để xây dựng hạ tầng khu tái định cư này cần đến 80-90 tỉ đồng song thành phố không có khả năng đầu tư nên chúng tôi đang tiếp tục đề nghị tỉnh, trung ương hỗ trợ”. Còn tại phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), trong khi hơn 100 hộ đang sống trong lo âu từng giờ do tốc độ sạt lở đến chóng mặt thì công trình kè chắn sóng tại địa phương này vẫn ì ạch nhiều năm qua…
Trong khi cả chính quyền và người dân đang loay hoay với việc tìm nơi ở mới hay xây kè chắn sóng dữ, hàng vạn gia đình ở Bình Định, Phú Yên đang phập phồng lo sợ vì sóng có thể “nuốt” mất nhà, cuốn trôi người bất cứ lúc nào.
Theo Tấn Lộc-Pháp Luật TPHCM
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment