Test Footer 2

Siêu dự án đường hầm nối liền châu Á và châu Âu

Một siêu dự án được kỳ vọng sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm mới của thế giới hiện đại được mang tên Marmaray, tên gọi của dự án này đồng thời cũng chính là tên gọi của một đường hầm nối liền khu vực giáp ranh giữa châu Âu và châu Á thuộc lãnh thổ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường hầm này được thiết kế nằm dưới lòng đại dương chạy ngang qua eo biển Bosphorus. 
Tuyến đường hầm nâng tầm “quốc Thổ”
Tên gọi Marmaray được hình thành từ tên của biển Marmara, nằm ở phía nam của dự án này, “ray” là từ chỉ tuyến đường sắt theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường hầm này lúc đầu chỉ dài 13,6 km băng qua eo biển Bosphorus sau đó được kéo dài thành 76,3 km nằm giữa hai vùng Gebze và Halkali.
Toàn bộ tuyến đường gồm có 11 khu vực khác nhau, mỗi khu vực dài 131m. Các khu vực được xây dựng bên dưới lòng đại dương, cách mực nước biển 54,8m. Hệ thống đường ngầm này nối kết phần đất từ Kazliesme thuộc châu Âu và vùng đất Ayrilikcesme thuộc Istanbul, châu Á.
Dự kiến tuyến tàu điện này khi hoàn thành có khả năng vận chuyển 75.000 khách mỗi giờ tại mỗi trạm. Tổng số thời gian di chuyển từ Gebze đến Halkali là 104 phút. Như vậy, Marmaray sẽ nâng thị phần đường sắt của Thổ Nhĩ Kỳ từ 3% lên tới 27%, sánh vai cùng với Paris và London.

Một đốt hầm Marmaray đang trong quá trình thi công trước khi bị "đánh chìm" xuống đáy biển
 Thậm chí theo dự kiến của các chuyên gia thì với việc sở hữu tuyến đường sắt ngầm xuyên qua biển vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được “cải thiện” đáng kể so với các “ông lớn” khác trong liên minh Châu Âu EU.
Istanbul là thành phố đặc biệt nhất nhì thế giới bởi nó nằm trên 2 châu lục, đồng thời là cửa ngõ chiến lược giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, giao thương hàng hóa giữa 2 phần của thành phố này đều bị eo biển Bosphorus ngăn cách.
Chính vì lẽ đó, dự án hầm ngầm vượt biển đầy tham vọng mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai được kỳ vọng xóa đi ngăn cách địa lý. Tuy cùng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại có sự chênh lệch đáng kể giữa 2 nửa.
Phần đất Thổ Nhĩ Kỳ thuộc lãnh thổ châu Âu phát triển khá mạnh mẽ trong khi nửa còn lại trên đất châu Á lại khá nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì lẽ đó, dự án hầm ngầm sâu nhất thế giới sẽ “kéo” 2 lục địa tới gần nhau hơn, đồng thời cân bằng phát triển kinh tế giữa 2 miền.
“Chúng tôi muốn thấy một sự phát triển đồng đều trên mọi miền đất nước, hạn chế sự phân hóa giàu nghèo, sự phân hóa vùng, miền sẽ là chìa khóa mang tới thắng lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần…”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu khi tham dự buổi lễ khánh thành đoạn đường hầm ống chìm cuối cùng được đặt đúng vị trí vào ngày 13/10/2008.

Phối cảnh tuyến đường sắt dưới đáy biển nối liền châu Á và châu Âu
 Phá lời nguyền?
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm những vụ tai nạn liên quan đến việc vận chuyển hành khách bằng phà trên eo biển Bosphorus liên tục tăng cao. Thậm chí từng có nhiều lời đồn rằng mỗi năm thần biển sẽ lấy đi ít nhất 10 người làm vật hiến tế, theo truyền thuyết thì tên gọi của vùng biển này gắn liền với câu chuyện tình của Zeus và nàng Io xinh đẹp.
Để bảo vệ người đẹp Zeus đã biến các tảng trên eo biển này có khả năng “di động” và sẵn sàng nghiền nát bất kỳ tầu thuyền nào qua lại nơi đây, và chỉ đến khi người hùng Jason tìm ra được cách để cố định các tảng đá lại thì mọi người mới có thể đi lại được, tuy nhiên vào những thời điểm nhất định những tảng đá vẫn có khả năng “di chuyển” để đánh đắm tàu, thuyền.
Nhưng kể từ khi dự án Marmaray được khởi động, nhiều người đã cảm thấy an tâm hơn khi di chuyển qua eo biển Bosphorus mà không còn lo lắng tới “lời nguyền chết chóc” đó nữa.
Trong thời gian mở màn cho dự án Marmaray, các công nhân đào đường đã vô tình khai quật được các vết tích khảo cổ của đế chế Byzantine nằm dưới nền nhà ga cuối trên phần đất thuộc châu Âu.
Vào năm 2005, những đợt đào bới có quy mô lớn còn tình cờ phát hiện những tàn tích của vùng cảng Constantinople, có từ thế kỷ thứ IV. Các nhà nghiên cứu khám phá ra cả một con tàu hải quân cổ xưa của đế chế Byzantine.
Cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ chỉ mới khai quật được các hiện vật nhân tạo có từ thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên, những vết tích của một nền văn minh cổ xưa ở Istanbul dường như vẫn còn là câu hỏi lớn chưa lời giải đáp.
Chỉ biết rằng những người công nhân đầu tiên phát hiện ra những vết tích khảo cổ này sau đó đã mất tích hoặc bị bệnh rồi chết, cũng từ đây mà nhiều tin đồn về điềm báo đã được đưa ra.
Có người nhận định việc “đánh thức” đế chế cổ xưa sẽ khiến cho công trình Marmaray bị “ám” và cần thiết phải kết thúc dự án này ngay lập tức, nhưng cũng có người tin rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và được thêu dệt thành những câu chuyện thiếu căn cứ, và rằng việc phát hiện thêm các di chỉ khảo cổ sẽ càng cho các nhà khoa học có nhiều thông tin về nền địa chất nơi đây để có những quyết sách đúng đắn cho quá trình xây dựng.
Trên thực tế địa điểm thực hiện dự án Marmaray chỉ cách điểm di tích lịch sử bắc Anatoli khoảng 12 dặm, kể từ năm 342 sau Công nguyên, người ta đã ghi nhận có hàng chục trận động đất, và mỗi trận động đất đã làm chết ít nhất 10.000 người.
Chính bởi lý do hay có động đất nên các kỹ sư xây dựng đã chọn giải pháp xây dựng hệ thống tuyến đường ngầm nằm dưới đáy biển khoảng 24m nhằm duy trì tính bền vững cho cả công trình.
Những bức tường của tuyến đường ngầm được làm từ loại nguyên liệu không thấm nước với lớp vỏ trong bằng thép. Hệ thống đường hầm cũng được làm theo kiểu uốn cong tương tự như cách thức mà người ta vẫn hay áp dụng cho các tòa nhà chọc trời, nhằm phòng ngừa động đất có thể xảy ra.
Tuyến đường sắt ngầm được xây dựng cầu kỳ nhất thế giới
Sau tám năm xây dựng, tuyến đường sắt được mong đợi nhất đang được gấp rút thi công giai đoạn cuối. Trên thực tế tuyến đường này còn được chờ đợi lâu hơn, bởi sau gần 150 năm, kể từ lúc có kiến nghị đầu tiên về xây dựng một tuyến nối châu Âu với châu Á dưới biển Bosporus, thì phải tới năm 2004 thì việc thực hiện dự án Marmaray mới được bắt đầu.
Theo ước tính dự án Marmaray ngốn khoản kinh phí khá lớn tương đương 3,5 tỷ USD từ vốn vay của Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Hội đồng Ngân hàng Phát triển châu Âu.
Căn cứ theo thời gian thực hiện dự án này được chia thành ba hợp đồng chính gồm các phần việc như hoàn thiện các hầm dưới thành phố Istanbul và dưới eo biển cùng với hệ thống điện-cơ có liên quan.
Xây dựng công trình đường và cơ sở hạ tầng của 66 km đường trên mặt đất cùng với toàn bộ các hệ thống đường sắt, hệ thống điện kéo và tín hiệu… Phương pháp thi công được áp dụng là phương pháp hầm ống chìm.
Qua khảo sát, eo biển Bosporus nằm trong một khu vực có động đất hoạt động, đồng thời có nhiều công trình khảo cổ cần bảo vệ. Theo nghiên cứu, có 65% khả năng xảy ra động đất 7,5 độ Richter trong vòng 30 năm tới.
Khảo sát địa chất đã được tiến hành trong các năm 1985-1987 và 2002-2004 trước khi xác định hướng tuyến. Từ đó đã quyết định các biện pháp gia cố để bảo đảm an toàn cho nền móng hầm.
Trên tuyến Marmaray, đoạn đường hầm ống chìm là trọng điểm của công trình.Trọng điểm của tuyến nối là 1.387 m đoạn hầm ống chìm dưới eo biển, các ống chìm được đặt trong một đường hào ở độ sâu 60 m, đó là đoạn hầm ống chìm sâu nhất thế giới.
Đoạn đường hầm ống chìm này được lắp ghép bằng 11 đốt hầm bê tông, trong đó 8 đốt dài 135 m, 1 đốt dài 110 m và 2 đốt dài 98,5 m, tổng cộng 19.000 tấn. Các đốt hầm được lắp ráp trên một cặp âu tàu cạn tại Tuzla bên bờ Anatoli.
Sau khi hoàn thành, từng đốt hầm chìm được chở trên một đoạn đường biển dài 40 km đến địa điểm thi công bằng cẩu nổi và hạ xuống đường hào đã được nạo vét sạch, sau đó lấp đầy và cứ 4 m lại có một lớp đá. Giữa các đốt hầm với hầm đường dẫn đều đặt khớp nối chống động đất.
Người ta còn đặt các cửa chống nước tràn, trong trường hợp hầm bị rò rỉ, các cửa sẽ tự động đóng lại. Tuy có nhiều chậm trễ so với kế hoạch triển khai nhưng dự án đường sắt ngầm dưới biển nối Châu Âu và Châu Á vẫn là niềm hy vọng lớn của người Thổ trong tương lai gần và rõ ràng một điều rằng Marmaray sẽ chỉ mang lại “điềm lãnh” cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
(Theo ĐVO)  
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment