Test Footer 2

Tăng trưởng sạch cho ngành kinh tế biển

Quây phao ứng phó sự cố tràn dầu sau vụ chìm tàu Biển Đông 50 tại vùng biển Vũng Tàu. Ảnh báo BR-TV
Quây phao ứng phó sự cố tràn dầu sau vụ chìm tàu Biển Đông 50 tại vùng biển Vũng Tàu. Ảnh báo BR-TV
 

(DĐĐT) - Cảng biển và các hoạt động liên quan đến dịch vụ cảng biển có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên hoạt động này cũng chịu ảnh hưởng lớn nếu nguồn nước ven biển bị ô nhiễm và bị tác động do biến đổi khí hậu. Để bảo vệ môi trường cho thành phố du lịch, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển.

Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong nhiều năm qua Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có tốc độ tăng trưởng về kinh tế biển nhanh so với cả nước. Ngoài hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, trên địa bàn tỉnh đã hình thành cụm cảng nước sâu, cảng container dọc sông Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình và 14 khu công nghiệp (KCN) với nhiều loại hình sản xuất khác nhau.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đã kéo theo việc phát sinh nhiều loại chất thải độc hại cho môi trường biển. Để bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp như kiểm soát chặt các nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động dầu khí, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm soát sự cố tràn dầu…
Ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, những năm qua, tỉnh đã tham gia tích cực vào Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Quốc gia để xem xét và yêu cầu thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm. Các chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí được giám sát chặt chẽ từ quá trình vận chuyển đến nơi xử lý.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chủ trương tạo mọi thuận lợi để các tổ chức kinh tế đầu tư xử lý chất thải nguy hại và đến nay có 3 nhà máy đã hoạt động với công suất xử lý trên 100 tấn/ ngày; Khu vực cảng và các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí nằm trên địa bàn phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu đã phát triển thành một khu công nghiệp quy mô gần 300 hecta cũng đã định hình một Trung tâm xử lý tuần hoàn nước thải công nghiệp dầu khí tập trung.
Cụ thể, từ năm 2011 UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Công nghệ Môi trường và Xây lắp Dầu khí (PTEC) đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải công nghiệp dầu khí tập trung tại phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu. Theo đó, Sở Tài Nguyên và Môi Trường cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp dầu khí tại khu vực này phối hợp với PTEC tiến hành đánh giá hiện trạng môi trường để triển khai dự án.
Đại diện PTEC cho biết: Mục tiêu của dự án Trung tâm xử lý tuần hoàn nước thải dầu khí công nghiệp là xử lý các loại nước thải công nghiệp và sinh hoạt tập trung cho các đơn vị hoạt động dầu khí trên địa bàn tỉnh gồm nước thải của các cảng, căn cứ dịch vụ dầu khí trên đất liền và nước thải trên các loại phương tiện, giàn khoan trên biển thu gom về có nhu cầu chuyển giao xử lý.
Dự án có công suất đầu tư giai đoạn 1 là 4.500 m3/ngày đêm và được nâng cấp theo nhu cầu phát triển, công suất tối đa có thể lên đến 20.000m3 ngày đêm. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết triệt để tình trạng nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường cho con người có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
 
Biến đổi khí hậu gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch. Trong ảnh: Sạt lở bờ biển tại khu Du lịch Hồng Hà - Xuyên Mộc.
 Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường biển
“Bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển là một nhiệm vụ nặng nề bởi hậu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến mực biển dâng cao đang là một thách thức vô cùng lớn”- ông Lê Văn Sâm nhận định. 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng và công bố “Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu”.
Trên cơ sở kịch bản mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và dữ liệu về diễn biến về khí tượng – thủy văn, tỉnh đã xây dựng được các kịch bản như phát thải thấp, đến năm 2020 nước biển dâng 11 cm…. để đối phó với các sự cố do biến đổi khí hậu gây ra.
Với đường bờ biển dài, nền kinh tế biển mạnh, nhiều ngành: Khai thác dầu khí, khai thác hải sản, du lịch biển-đảo, công nghiệp ven biển; có hệ thống cảng nước sâu và nguồn tài nguyên thiên nhiên phóng phú và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, “Hơn bất cứ địa phương nào, Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận thấy phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững.
Đây chính là chìa khóa để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, đảo để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trần Ngọc Thới khẳng định.
Theo đó, ngoài việc xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khi hậu; hiện tượng biến đổi khí hậu lồng ghép vào các quy hoạch phát triển chung của tỉnh, của từng ngành, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người như: Mit tinh hưởng ứng ngày Đại dương thế giới (8/6), phát động phong trào, sản xuất sạch hơn; Kêu gọi tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực vì môi trường, làm những việc cụ thể vì biển đảo, vì biển xanh quê hương.
Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm khơi dây ý thức về bảo vệ môi trường biển và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức với môi trường biển.
Theo Diễn đàn đầu tư
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment