Test Footer 2

Hệ thống hải đảo VN: Tiềm năng và thách thức (Phần cuối)

Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: TTXVN
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: TTXVN

(DĐĐT) - Hệ thống đảo nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hệ thống đảo của Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. 
Do đặc điểm lãnh thổ đất liền nước ta có hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp (nơi rộng nhất khoảng 600 km, nơi hẹp nhất khoảng 50 km), nên chiều sâu đất nước bị hạn chế.
Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không lớn, nên rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển. Nếu chiến tranh xảy ra thì mọi mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm hoạt động, bắn phá của vũ khí trang bị công nghệ cao xuất phát từ hướng biển.
Nếu hệ thống đảo ven bờ được củng cố xây dựng căn cứ quân sự, vị trí neo đậu, trú ẩn, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam  và sự tham gia của các lực lượng khác thì biển đảo có vai trò quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.
Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo tạo thành lá chắn, bức tường thép quan trọng phía trước bảo vệ vùng biển và dải bờ biển, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ sườn phía Đông của Tổ Quốc, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền quốc gia của nước ngoài.
Vì thế từ lâu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn được các nhà khoa học quân sự,  chính trị đánh giá cao.
Thách thức trong quản lý, sử dụng và bảo vệ hệ thống đảo ven bờ
Trong quản lý nhà nước về hệ thống đảo
Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sớm quan tâm đến các vùng biển đảo, đặc biệt là hệ thống đảo ven bờ và khẳng định phấn đấu “Trở thành một nước mạnh về biển là một mục tiêu chiến lược xuất phát từ các yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020.
Bản quy hoạch này đề cập khá chi tiết và toàn diện các lĩnh vực cần đầu tư, phát triển, từ kết cấu hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân; hệ thống dịch vụ nghề cá để hỗ trợ hoạt động đánh bắt xa bờ, hoạt động du lịch, vận tải biển, cho đến các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và vấn đề an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về biển và hải đảo hiện nay vẫn theo chuyên ngành hẹp mà chưa có sự phối hợp, thống nhất theo đa ngành, đa mục tiêu dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ ngành, giữa các địa phương với nhau, giữa bộ ngành với địa phương các ngành có liên quan.
Mỗi ngành lại quản lý theo mục tiêu riêng, phục vụ lợi ích chính cho ngành mình, mà chưa quan tâm đến các ngành có liên quan khác, chưa quan tâm đến lợi ích chung, quốc gia. Vì thế mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan xuất hiện ngày càng nhiều, tiềm ẩn những đe dọa cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đến nay, nước ta vẫn chưa có Luật biển, luật tài nguyên và môi trường biển, luật quản lý các đảo, luật quản lý vùng bờ…, chưa có quy hoạch về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, vì thế việc quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo còn rất hạn chế, khó khăn, bất cập.
Về chính sách vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ như chính sách di dân ra các đảo, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên đảo, chính sách đối với người làm nhiệm vụ trên biển, đảo…
Bảo vệ chủ quyền.
Từ nhiều năm nay, nhất là những năm đầu của thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay trên Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp biển đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh nước ta.
Trên Biển Đông vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển 7 nước trong khu vực là: Trung Quốc (phía Bắc), Campuchia và Thái Lan (Tây Nam), Philippin, Malaixia, Inđônêxia, Brunây (phía Đông, Đông Nam và Nam).
Nơi đây đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, đẩy tới xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự.
Vấn đề tranh chấp lớn nhất hiện nay trên biển Đông là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Trong  các thập  kỷ  gần  đây Trung Quốc đã hai lần sử dụng vũ lực để giành quyền chiếm hữu các đảo Hoàng Sa (ngày19/01/1974) tại và  ngày 14/3/ 1988  tại Trường Sa. Sau  các  biến  cố  trên, mặc  dù hai nước đã  bình thường hóa quan hệ năm 1991, song  tình  trạng căng thẳng  trên biển vẫn tồn tại. Việc thông qua Luật về lãnh hải của CHND Trung Hoa ngày 25/2/1992,  trong đó khẳng định lại yêu sách của Trung Quốc  đối  với  hai  quần  đảo Hoàng  Sa  và Trường Sa, lại  làm dấy  lên một  làn sóng  lo ngại mới tại Đông  Nam  Á. 
Ngày 15/5/1996, Trung Quốc gia nhập UNCLOS 1982 và cam kết giải quyết các tranh chấp “phù hợp với  luật pháp quốc tế  đã  được  công  nhận”. Tuy  nhiên, cùng  ngày, Trung Quốc công  bố  sắc  lệnh  mở  rộng lãnh hải, trong đó áp dụng việc vạch đường cơ sở cho quốc gia quần đảo vào khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hành  động  này  của Trung Quốc  là “bất  hợp  pháp”  - đó là điều mà nhiều học giả đều nói tới” và là chủ đề chất vấn  tại Diễn  đàn  khu  vực ASEAN  (ARF).  
Đóng  góp  của  Indonesia  (trong  vai  trò  đồng chủ  trì  với  Canada)  và  các  nước  ASEAN, Trung Quốc tại Hội thảo “Kiềm chế các xung đột tiềm  tàng tại biển Đông” từ năm 1993, các sáng kiến về Bộ quy tắc ứng xử giữa VN - Philippines, TQ - Philippines,  nỗ  lực  của  các  bên  liên  quan  trực  tiếp  đã đưa đến việc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong biển Đông năm 2002 (DOC), một bước ngoặt mới đi đến một giải pháp cho biển Đông.
Tuy nhiên cơn khát dầu lửa và các nguồn tài nguyên biển lại tiếp tục làm  dấy  lên  làn  sóng  lo  ngại mới  về  hành động  lấn chiếm  trên  biển  Đông. 
Trong  năm  2007 - 2009, Trung Quốc đưa ra chiến lược “biển xanh”, triển khai căn cứ tàu  ngầm nguyên tử ở Hải Nam, xúc tiến chương trình đóng tàu sân bay, nâng cấp đơn vị hành chính Tam Á, mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa).
Tháng 11 / 2008, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC thông qua kế hoạch đầu tư 200 tỉ NDT  (29  tỉ USD)  cho  thăm  dò  và  khai  thác  dầu khí ở biển Đông.
Trung Quốc cũng  tăng cường sức ép  lên  các  công  ty  dầu  khí  nước  ngoài  (British Petroleum (BP), Conoco Phillips, Exxon Mobil, và Oil & National  Gas  Company  (ONGC)  đang  làm việc trên thềm lục địa Việt Nam, tiếp tục duy trì yêu sách đường “lưỡi bò” đứt khúc 9 đoạn và chủ trương “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp cùng khai thác”. 
Tháng 5 / 2009, tình hình thêm nóng bỏng với việc Việt Nam cùng Malaysia trình hồ sơ chung ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải  lý  và gặp phải sự phản  đối  của  Trung Quốc.
Phái  đoàn  đại  diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách của nước này với tất cả vùng nước và các đảo trong phạm vi “đường yêu sách lưỡi  bò”. Việt Nam và Malaysia cho  rằng  hồ sơ ranh  giới  thềm lục địa của mình được tính từ đường cơ sở đất  liền nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước nào khác.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố với thế giới chủ quyền về hai quần đảo này, đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi về pháp lý, sở hữu, các nhân chứng lịch sử, bằng chứng lịch sử về hai quần đảo này, đồng thời nói rõ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 đã bị Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm, nói rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhà nước ta.
Việt Nam mong muốn giải quyết tranh chấp trên bằng đối thoại, thương lượng, hòa bình, nhưng cũng sẽ sử dụng mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền biển , đảo của mình.
Trong khai thác, sử dụng đảo
Ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên, sinh thái
Các đảo nằm giữa biển bao la, đảo luôn hứng chịu tác động mạnh mẽ của khí quyển và thủy quyển, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu mực nước biển dâng.
Phần lớn các đảo đều có cấu trúc sườn bất đối xứng: sườn phía hướng sóng gió mạnh dốc hẹp, trong khi sườn khuất gió thoải và rộng hơn: một loạt các vấn đề về môi trương đang xảy ra như: lớp thảm phủ thực vật  trên các đảo bị suy giảm; đất trên đảo vốn đã bị rửa trôi, nghèo dinh dưỡng càng bị suy thoát nhanh chóng; các đảo chủ yếu là đảo nhỏ và trung bình với tiềm năng nước hạn chế, nguồn nước mặt cạn kiệt, nguồn nước ngầm dưới đất cạn kiệt và bị nhiễm bẩn nhiễm mặn;
Trên những đảo ven bờ có dân cư sinh sống, một vấn đề môi trường nan giải chưa tìm được hướng khắc phục là rác thải và nước thải của các điểm dân cư: Nhiều nghiên cứu cho thấy môi trường nước quanh đảo đã có dấu hiệu ô nhiễm dầu, sắt, kẽm, chất hữu cơ và chất thải sinh hoạt, vượt tiêu chuẩn cho phép như cửa Lục ( vịnh Hạ Long).
Nghề đánh bắt cá các đảo ven bờ đang khai thác quá mức, các rạn san hô bị phá hủy, xuống cấp do những cách đánh bắt có tính hủy diệt làm suy thoái đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường biển.
TS. Phạm Đức Ngoan; ThS. Nguyễn Công Minh; CN. Lê Hoàng Mai/Trung tâm Quy hoạch, Điều tra, Đánh giá tài nguyên và môi trường biển và hải đảo
 
Theo Diễn đàn đầu tư
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment