(TN&MT) - Đến
cuối năm 2012, Kiên Giang có tổng số hơn 12.250 phương tiện tàu cá, với
tổng công suất hơn 1,3 triệu CV, trong đó số phương tiện tàu có từ 90
CV trở lên là hơn 4.300 chiếc.
Cùng với đó, số
lượng ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản cũng ngày càng tăng
nhanh, từ hơn 70.000 người năm 2000 lên gần 90.000 vào cuối năm nay. Số
phương tiện tăng nhanh nhưng nơi đậu tàu thuyền không được đầu tư tăng
thêm đã khiến ngư dân, nhất là đối với ngư dân trên địa bàn thành phố
Rạch Giá, khi đánh bắt ngoài khơi về không có nơi cặp bến.
Hơn 10 năm qua, Kiên Giang chỉ mới xây
dựng được thêm khu tránh bão ở Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Hầu hết các công
trình cảng có từ trước không được đầu tư, nâng cấp mở rộng. Thành phố
Rạch Giá là địa phương có hơn 3.000 tàu đánh cá các loại, hầu hết các
phương tiện này đều có công suất cao, khai thác ngư trường xa bờ. Những
năm trước đây, các tàu cá tập trung neo đậu tại khu vực cửa biển khu 16
ha, thuộc phường Vĩnh Thanh Vân. Sau khi công trình Cảng cá Tắc Cậu
(huyện Châu Thành) hoàn thành và đưa vào sử dụng, Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu tất cả phương tiện tàu cá đều phải đến neo đậu tại đây. Tuy
nhiên, do công trình Cảng cá Tắc Cậu chỉ có khả năng tiếp nhận hơn 1.000
phương tiện lớn nhỏ, nếu các phương tiện cặp bến nhiều hơn, thì phải
neo đậu dọc theo tuyến sông Cái Lớn và Cái Bé. Khi các phương tiện về
neo đâu dọc theo hai tuyến kênh này lại cản trở giao thông đường thủy.
Chính vì vậy, sau khi có chủ trương tạm ngưng mở rộng khu Cảng cá Tắc
Cậu theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, nhiều tàu cá
quay trở lại neo đậu khu vực cửa biển 16 ha. Tuy nhiên, tại khu vực này
đang đầu tư mở rộng thành phố Rạch Giá, vì vậy nếu để tàu cá neo đậu,
bốc dỡ hàng hóa tại đây sẽ gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Điều này
dẫn tới một hệ lụy nếu ngư dân không neo đậu tại khu vực 16 ha thì không
biết sẽ neo đậu tàu cá ở đâu.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá
thành phố Rạch Giá, bức xúc: “Ngư dân trên địa bàn thành phố Rạch Giá
làm nghề biển rất nhiều, thế nhưng mỗi khi tàu về loay hoay không có nơi
đậu. Cơ quan chức năng chỉ vào đậu khu Tắc Cậu nhưng đã quá tải từ lâu.
Thêm vào đó, sau khi lên cá, tất cả các tàu cá phải di chuyển tìm nơi
khác neo đậu, dẫn đến việc va đập giữa các tàu, ô nhiễm môi trường do
bốc mùi từ cá". Ông Nguyễn Xuân Lộc, một ngư dân ở thành phố Rạch Giá,
cho biết: Từ năm 2005, tỉnh có chủ trương di chuyển toàn bộ tàu cá về
neo đậu tại Cảng cá Tắc Cậu, bà con ngư dân đã chấp hành tốt nhưng do số
lượng tàu cá nhiều, trong khi cảng này chưa được đầu tư mở rộng, nên
liên tục xảy ra tình trạng quá tải. Để xử lý vấn đề này, Ban Quản lý bến
cảng chỉ giải quyết nhu cầu lên sản phẩm tại cảng. Phương tiện nào lên
cá xong phải di chuyển đến nơi khác neo đậu, còn đậu ở đâu thì người
dân…tự chọn!
Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc quy hoạch bãi neo đậu tàu chưa ổn định,
nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận làm nơi neo đậu tạm tại khu vực
cửa biển 16 ha kéo dài xuống khu lấn biển. Về lâu dài sẽ xây dựng Nam
Rạch Sỏi, có tính đến quy hoạch khu neo đậu tàu nơi đây. Tiếp theo là sẽ
cho neo đậu từ Kinh Dài kéo dài vào đến Xẻo Rô thuộc bên phía bờ huyện
An Biên. Thêm một khu vực nữa là qua Cảng cá Tắc Cậu kéo dài lên ngã ba
Tà Niên (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành).
Kinh tế biển được xem là lĩnh vực kinh
tế trọng điểm của cả nước, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ngành
kinh tế biển sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất so với các ngành kinh tế khác.
Để phát triển kinh tế biển bền vững, điều quan trọng cần quan tâm, đó là
việc hình thành các công trình cảng, những điểm dịch vụ hậu cần nghề
cá, đáp ứng nhu cầu vươn ra khơi xa. Đây không chỉ là mong mỏi của bà
con ngư dân trong tỉnh Kiên Giang, mà là của những người làm nghề biển
cả nước.
Theo Lê Sen-Báo TN &MT
0 nhận xét:
Post a Comment