Test Footer 2

Liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Trên cơ sở phát triển tiểu vùng sinh thái một cách hợp lý, một số chuyên gia cho rằng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần nâng cao năng lực phát triển khung sinh kế của người nông dân gồm 5 yếu tố: điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, con người, nguồn tài chính và phương thức tổ chức cộng đồng.


Một trong những giải pháp trước mắt mà Việt Nam cần triển khai nhanh để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu chính là nâng cao khả năng liên kết giữa các vùng thuộc khu vực ĐBSCL. Để làm được điều này, vừa qua Bộ TN&MT đã ra quyết định triển khai đề tài nghiên cứu khoa học Liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam do Viện nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững – Viện xã hội Việt Nam thực hiện.

Sự liên kết vùng sẽ làm cho kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu giữa các vùng như tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau hay vựa lúa sông Tiền – sông Hậu… trở nên khả thi hơn. Từng vùng sẽ xây dựng phương thức sản xuất, nuôi trồng đặc thù phù hợp với đặc tính khí hậu, nguồn nước theo điều kiện sinh thái riêng. Tuy nhiên, hiện Việt nam chưa có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc thực hiện liên  kết vùng trong  công tác ứng phó BĐKH.

Chính vì vậy, Đề tài nghiên cứu khoa học này  đặt vấn đề nghiên cứu cơ sở khoa học về cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá thực trạng, khả năng và triển vọng liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Qua đó, Đề xuất các giải pháp chính sách và chiến lược liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đề xuất hệ thống quan điểm, định hướng, chiến lược, các giải pháp chính sách của Việt Nam về liên kết vùng nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai giai đoạn 2011-2050.

Theo ông Aslam Perwaiz, Giám đốc Chương trình kiểm soát lũ của Ủy ban sông Mekong, nếu Việt Nam không triển khai ngay giải pháp ứng phó với biến đổi khí hâu ngay từ bây giờ, đến năm 2030, an ninh lương thực tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL của Việt Nam chắc chắn sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Perwaiz cho biết đến năm 2030, dự báo lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm tại ĐBSCL sẽ giảm khoảng 20% so với năm 1980. Riêng lượng mưa của tỉnh An Giang, Kiên Giang và toàn bộ bán đảo Cà Mau sẽ giảm hơn 25%. Trên thực tế, lượng mưa đang giảm cộng với mùa mưa đến muộn hơn mọi năm đang đẩy tình trạng hạn hán khu vực này trở nên dữ dội hơn.

Nằm trong lưu vực hạ lưu sông Mekong, theo ông Perwaiz, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu như bão lớn, xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng. Hơn thế, những rủi ro về môi trường xuất hiện ngày càng nhiều do tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng khiến cho cuộc sống người dân nơi đây trở nên khó khăn hơn.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Sanh của Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Đại học Cần Thơ, diễn biến khí hậu bất thường tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian gần đây không chỉ đang đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn.

Dự báo đến năm 2030, tổng diện tích lúa của ĐBSCL khoảng 6,8 triệu héc ta với tổng sản lượng khoảng 45 triệu tấn. Tuy nhiên, riêng xâm nhập mặn và hạn hán sẽ làm giảm 1,8% sản lượng lúa 3 vụ, giảm 2,7% sản lượng lúa 2 vụ tại khu vực ĐBSCL, ông Sanh nói.

Theo nghiên cứu của ông Sanh, khi mực nước biển dâng thêm 70 cm, 38,5% diện tích đất của 10 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, TPHCM, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang và Cần Thơ với tổng diện tích bị ngập khoảng 11.500 héc ta, trong đó, Bến Tre và Long An là 2 địa phương bị ngập nặng nhất.

“Nếu mạnh ai nấy canh tác theo kiểu bấy lâu nay, chính người nông dân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu trong tương lai. Thế nên cần phải đây mạnh kế hoạch sản xuất theo hướng liên kết vùng”, ông Sanh nói.

Minh Vũ-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment