Test Footer 2

Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông”

Ngày 21/12/2012, tại Trường Đại học Thủy lợi đã diễn ra Hội thảo "Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông" do Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên Môi trường và Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP) phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm giới thiệu những nội dung mới trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/1/2013 và trao đổi những vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tổ chức lưu vực sông.
 
 
Sau 12 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 1998, nhiều quy định của Luật đã được triển khai vào thực tế và đạt nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là đã khai thác, sử dụng tốt hơn các nguồn nước để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có nhiều tiến bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được bổ sung, hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được tăng cường hơn; công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất cũng được triển khai đồng bộ ở cả trung ương và địa phương... Tuy nhiên, bên canh những kết quả đạt được, thực tế thi hành Luật Tài nguyên nước trong thời gian qua cho thấy còn một số tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện như nhiều quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998 đã không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, bất cập; một số quan hệ mới trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung; nhiều quy định đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn nhưng mới chỉ được thể hiện tỏng các văn bản dưới luật nên tính pháp lý còn thấp; thiếu công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính để tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước nên tình trạng khai thác, sử dụng còn lãng phí, thiếu hiệu quả và không bền vững...
Từ tháng 3/2008, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) với đại diện của 12 Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và một số chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước để tổ chức thực hiện Dự án Luật. Sau khi lấy ý kiến góp ý của 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan thông qua các Hội thảo, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thông qua thống nhất trình Chính phủ.

Ngày 21/6/2012, tại kỳ họp thức 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật đã tập trung xử lý những tồn tại, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến tài nguyên nước và thể hiện quan điểm hiện đại của thế giới về quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Với quan điểm, tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân, là tài sản của Nhà nước, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; khai thác, sử dụng phải đi đôi với bảo vệ, phải gắn kết chặt chẽ với phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra; giải quyết cơ bản các vấn đề bức xúc, nổi côm, bổ sung những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn, Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã kế thừa một số quy định của Luật 1998; sửa đổi bổ sung các quy định bất cập; luật hóa quy định trong các văn bản dưới Luật; tiếp cận đầy đủ quan điểm phát triển bền vững tài nguyên nước của Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về môi trường và phát triển năm 1992; 4 nguyên tắc về nước và phát triển bền vững của Hội nghị quốc tế Dublin năm 1992; phù hợp với hiến pháp; đồng bộ với các luật có liên quan; dễ hiểu và mang tính khả thi cao.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 điều mới về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật tài nguyên nước năm 1998. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương nhưng đã bỏ hai chương và bổ sung 02 chương mới đó là “Chương II. Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước” và “Chương VI. Tài chính về tài nguyên nước”.

Một số điểm mới của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như:


Giải thích từ ngữ để làm rõ tài nguyên nước không chỉ có nước mà bao gồm cả sông, suối, hồ chứa... để tránh bỏ sót đối tượng quản lý; quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhằm thực hiện chủ trương dân chủ hóa cơ sở, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án; bổ sung quy định phân loại lưu vực sông, nguồn nước làm căn cứ phân công, phân cấp quản lý và bổ sung quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật.   

Bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; quy định giám sát tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; quy định hành lang bảo vệ nguồn nước, các biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy...

- Bổ sung các quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; về quy hoạch, xây dựng và khai thác, sử dụng nước hồ chứa, điều hòa, phân phối tài nguyên nước, các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu. Điều chỉnh một số quy định về chuyển nước lưu vực sông, thăm dò, khai thác nước dưới đất, các quy định về khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt, thủy điện và các mục đích khác.

- Điều chỉnh việc phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại của nước do hoạt động liên quan khai thác, sử dụng tài nguyên nước của con người gây ra như phòng chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo, xâm nhập mặn, sụt, lún đất, sạt lở bờ, bãi sông.

- Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp tại vùng biên giới có nguồn nước liên quốc gia chảy qua trong việc theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình về các nguồn nước liên quốc gia, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp trên trực tiếp xử lý các vấn đề nhằm bảm đảo quyền và lợi ích của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy hợp tác, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia.

- Cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, thẩm quyền cấp phép về tài nguyên nước; bổ sung về điều phối, giám sát, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nhằm đảm bảo tính hệ thống, thống nhất của tài nguyên nước trên lưu vực sông và đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước trong khuôn khổ lưu vực sông.

- Bổ sung quy định thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và hoạt động theo quy định của Luật tài nguyên nước và pháp luật về thanh tra; bổ sung cụ thể hơn về giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước.

Luật còn quy định tổ chức, cá nhân đang thực hiện khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tàin guyên nước theo quy định của Luật đối với phần còn lại của thời hạn ghi trong giấy phép. Kể từ ngày 01/1/2013, các tổ chức, cá nhân có giấy phép về tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Bên cạnh nghe giới thiệu về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu còn được nghe các báo cáo viên trình bày báo cáo tham luận về những vấn đề như: Thực trạng về tổ chức và hoạt động Lưu vực sông ở Việt Nam; quá trình thành lập, chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; chức năng và thực trạng hoạt động của Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình. 

 

Ông Lê Hữu Thuần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo


Ông Trần Đình Hợi - Chủ tịch Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP) phát biểu tại Hội thảo


Ông Đào Trọng Tứ, Ủy viên Thường trực Mạng lưới Cộng tác vì Nước của Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 
 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment