Test Footer 2

Hội thảo "Rà soát điều chỉnh quy hoạch đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tính tới biến đổi khí hậu và kết hợp giao thông"

Ngày 19/12/2012, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo: "Rà soát điều chỉnh quy hoạch đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tính tới biến đổi khí hậu và kết hợp giao thông" do Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ chương trình "Đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam"

Tham dự Hội thảo có Ông Vũ Văn Tú - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tổng Cục lâm nghiệp, Tổng Cục Thủy lợi; đại diện Ban Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đại diện một số đơn vị thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đại diện 13 tỉnh thành trong phạm vi vùng dự án (Sở NN, Chi cục QLĐĐ & PCLB, Ban QLDA) và các chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Vũ Văn Tú - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão - Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo lần này diễn ra nhằm xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cho 13 tỉnh thành trong phạm vi Dự án để hoàn thiện sản phẩm của Dự án sau 02 năm thực hiện.


Ông Lê Mạnh Hùng- Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn thực hiện dự án –Viện Khoa học Thủy lợi VN đã thực hiện 04 báo cáo tham luận:
1. Báo cáo đánh giá hiện trạng đê biển và đề xuất quy hoạch tuyến đê biển có xét đến kết hợp giao thông do TS Nguyễn Thanh Hùng- Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển thực hiện;
Báo cáo đã đưa ra hiện trạng đê biển cũng như các công trình liên quan của 13 tỉnh. Trên cơ sở các đặc điểm địa hình, địa chất, thủy hải văn cũng như đặc thù của các tuyến đê, đơn vị tư vấn đã chia làm 3 vùng đê biển có đặc điểm tương tự nhau: đê biển vùng Bắc Bộ (vùng Quảng Ninh - Ninh Bình), đê biển vùng Bắc Trung Bộ (vùng Thanh Hóa - Hà Tĩnh), đê biển vùng Trung Trung Bộ (Quảng Bình – Quảng Nam).
Tổng kết đánh giá hiện trạng của 3 vùng cho thấy: đê biển được phê duyệt theo QĐ58  cho đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% trên tổng số chiều dài được duyệt. Còn nhiều tuyến chưa được nâng cấp, kích thước còn nhỏ chưa đảm bảo cao trình thiết kế, bề rộng tối thiểu.
Về các công trình trên dưới đê như cống dưới đê, hầu như được xây dựng từ rất lâu, đến nay nhiều công trình hư hỏng nặng và phải hoành triệt tạm thời trong mùa lũ. Nhiều cống quy mô, kết cấu còn hạn chế, cống ngắn hơn so với mặt cắt đê, không có sân tiêu năng, bộ phận đóng mở hoạt động kém hoặc không có…..
2.      Báo cáo đánh giá hiện trạng và quy hoạch rừng ngập mặn bảo vệ đê do Ks. Lê Ngọc Cương- Viện sinh thái và bảo vệ công trình thực hiện;
Báo cáo đã tổng kết hiện trạng cây trồng ngập mặn của 13 tỉnh thành phố trong vùng dự án. Với trên 22000 ha diện tích cây ngập mặn bảo vệ đê biển hiện nay, đang còn nhiều những vấn đề tồn tại như: sự suy thoái của rừng ngập mặn, các tác động ảnh hưởng của chế độ thủy động lực học, biến đổi khí hậu…..Trên cơ sở hiện trạng điều tra, thu thập dự án đã xác định được các khu vực thuận lợi và không thuận lợi để trồng cây chắn sóng. Đồng thời quy hoạch trồng cây dọc các tuyến đê tạo dải cây chắn sóng, chắn gió trước biển.    
3.      Báo cáo đề xuất phân cấp đê biển và xác định cao trình đê biển có xét đến biến đổi khí hậu từ Quảng Ninh đến Quảng Nam do ThS. Nguyễn Thành Trung và Ks. Nguyễn Thành Luân- Phòng Thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển
Hiện nay mới chỉ có 3/13 tỉnh thành đã được phân cấp đê theo các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Quảng Ninh,  Ninh Bình, Thanh Hóa
 Ngoài tỉnh Ninh Bình, các Quyết định phân cấp đê biển hai tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa chưa bao gồm hết các tuyến đê biển, cần phải tiếp tục rà soát phân cấp; Từ đó đơn vị tư vấn đã xác định được tiêu chuẩn an toàn cho các tuyến đê, là cơ sở để xác định tần suất thiết kế có liên quan trực tiếp đến mực nước thiết kế và chiều cao sóng tính toán khi xác định cao trình đỉnh đê thiết kế. Báo cáo đã tổng kết lại cao trình tính toán các tuyến đê biển của 13 tỉnh, và xác định được chi phí chi tiết tu bổ, nâng cấp các hạng mục và phân kỳ thực hiện cho từng tỉnh.


Sau khi nghe các báo cáo viên trình bày, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung cho dự án. Qua các ý kiến của từng tỉnh, từng đơn vị tham gia Hội thảo cho thấy:  việc rà soát quy hoạch đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có xét đến biến đổi khí hậu là một dự án phức tạp, phạm vi thực hiện dự án trải dài trên 13 tỉnh ven biển với chiều dài bờ biển 1373km. Các đại biểu mong muốn Bộ sớm có văn bản, thông tư hướng dẫn phân cấp để các địa phương thuận lợi hơn việc phân cấp, thực hiện tu bổ nâng cấp toàn bộ hệ thống đê biển của tình mình. Đồng thời kiến nghị nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa về kinh phí để thực hiện tu bổ, nâng cấp cho những tuyến đê còn lại.

Các đại biểu đại diện các địa phương tham gia đóng góp ý kiến
 
Kết thúc buổi hội thảo, ông Vũ Kiên Trung -Cục phó Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, chủ trì hội thảo đã tổng kết chương trình hội thảo và yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của các địa phương đã góp ý để hoàn thiện hiện trạng và quy hoạch hệ thống đê biển theo đúng mục tiêu của dự án.
Ảnh: Đình Cương, Anh Tuấn
Theo Thành Luân-Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển



SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment