Test Footer 2

Hệ thống hải đảo VN: Tiềm năng và thách thức (P.2)

Lặn biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh http://apttravel.com
Lặn biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh http://apttravel.com
 

Bên cạnh tiềm năng tài nguyên sinh vật dồi dào, hệ thống biển đảo của Việt Nam còn chứa nhiều tiềm năng về du lịch biển; về thủy, hải sản; về năng lượng sạch và đặc biệt là có tiềm năng vị thế hết sức quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, cũng như Châu Á...

Tiềm năng  tài nguyên sinh vật
 a. Tiềm năng sinh vật đảo
Động, thực vật trên các đảo tuy không phong phú như trên đất liền nhưng thường là những loại quý hiếm, có giá trị kinh tế và giá trị về khoa học về nguồn gen và đa dạng sinh học của chúng.
Đặc biệt là nguồn lợi hải sản, sinh vật trên bãi triều và vùng biển quanh đảo rất phong phú và có giá trị kinh tế cao. Ngoài các sinh vật phù du, có hàng trăm loài động vật đáy (bào ngư, trai ngọc, nghêu, ốc nón, hải sâm…) san hô, rong biển, với nhiều ngư trường, bãi tôm, cá, mực có mật độ lớn, trữ lượng cao.
Nhìn chung, nguồn lợi sinh vật của các đảo ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phong phú hơn vùng phía Nam, ngược lại nguồn lợi hải sản: cá, tôm, mực… vùng biển ven đảo phía Nam lại phong phú hơn. 
Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như: hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao.
Cho đến nay, danh sách 15 khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam đều gắn liền với các đảo.
Các hệ sinh thái đảo biển có chỉ số đa dạng sinh học cao >3,3, nhưng khối lượng của các loài sinh vật không lớn do diện tích đảo rất hạn hẹp và tính nhiệt đới của địa sinh học. Trong khi đó các loài đặc sản biển của đảo mang tính địa phương cao.
Khác với đất liền, hệ sinh thái rừng trên đảo phát triển rất khó khăn, phải trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm và có tính đặc hữu cao, đem lại cho con người những giá trị vật chất và tinh thần.
Tài nguyên rừng ở đảo không chỉ là sản phẩm từ rừng như gỗ, lâm sản ngoài gỗ mà còn là những dịch vụ môi trường mà rừng mang lại như là áo giáp bảo vệ đảo, chống xói mòn giữ ẩm cho đảo, là nguồn nuôi dưỡng mọi sự sống, là cảnh quan sinh thái có sức hấp dẫn du khách.
Trong thảm thực vật rừng trên đảo phần lớn là các loài cây có nguồn gốc từ đất liền, và có những loài thực vật có tính đặc hữu khác có giá trị dược liệu.
Tại đảo Cù Lao Chàm có tới 116 loài cây có giá trị dược liệu, chiếm 22,8% tổng số loài. Thiên tuế là loài cây cảnh có tính đặc hữu của Cù Lao Chàm được xếp hạng trong sách đỏ, cần được bảo vệ.
Tại Hòn Giài, Cù Lao Chàm thiên tuế mọc thành “rừng”, cao 1m - 3m, có tuổi từ 100 – 200 năm là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nguồn lợi động vật rừng trên đảo tuy không phong phú nhưng có nhiều loài sống rất gần gũi với con người như sóc, khỉ, khiếu, vẹt.v.v.
Biển quanh đảo cũng có tính đa dạng sinh học cao với các sinh cảnh bãi cát, rạn san hô, cỏ biển và các loài động thực vật biển khác.
Tại Vườn quốc gia Côn Đảo với 14.000 ha diện tích vùng nước là nơi có sự hiện diện của 3 loại hệ sinh thái chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn (18ha), hệ sinh thái cỏ biển (200ha), hệ sinh thái các sạn san hô (1.000ha). Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển.
Khu hệ sinh vật biển đã thống kê được có 1.493 loài trong đó: Thực vật ngập mặn (Mangro forest)  23 loài, Rong biển (Algae) 127 loài, Cỏ biển (Seagrass) 11 loài, thực vật Phù du (Phytoplankton)157 loài, động vật Phù du (Zooplankton) 115 loài, San hô (Coral) 342 loài, thân mềm (Mollusa) 187  loài, cá rạn san hô (Coral reef fishes) 202 loài, Giáp xác (Crustacea) 116 loài , Da gai (Echiodermarta)  75 loài, Giun nhiều tơ (Polycheta) 130 loài, thú và bò sát biển 8 loài.
Kết quả nghiên cứu đã thống kê được ở thuỷ vực Côn Đảo có tới 44 loài là nguồn gien cực kỳ quí hiếm của biển Việt nam và đã được đưa vào Sách đỏ.
Chúng bao gồm: 02 loài rong, 02 loài thực vật ngập mặn, 03 loài san hô, 12 loài thân mềm, 01 loài giáp xác, 04 loài da gai, 07 loài cá, 07 loài bò sát, 05 loài chim và 01 loài thú. Vùng nước nông ven đảo là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong) .v.v...
Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam. Là một vùng đảo tương đối xa bờ, hoạt động của con người chưa làm biến đổi lớn tính tự nhiên của các hệ sinh thái biển. Rạn san hô ở đây còn giữ được những đặc tính đặc trưng cho vùng biển.
Các nghiên cứu cho thấy san hô có độ phủ trung bình là 42,6%. Trong số rạn san hô nghiên cứu, có đến 74,2% san hô đạt độ phủ cao, chỉ có 2,8% thuộc loại phủ thấp. Mật độ cá rạn san hô ở những điểm nghiên cứu đạt trung bình 400 con/m2.
Đây là giá trị rất cao so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam. Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm.
Côn Đảo cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (Dugong dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển.
b. Tiềm năng tài nguyên thủy, hải sản
Khai thác cá ở biển đảo phụ thuộc vào hai yếu tố có tính quyết định. Thứ nhất, vị trí của đảo phải gần với các ngư trường khai thác truyền thống. Thứ hai là trình độ kỹ thuật và tiền vốn.
Ngư dân ở đảo Phú Quý thường đi khai thác vây cá mập ở các vùng biển xa phải mất hàng tuần, có khi tới hàng tháng.
Ngư dân ở đảo Cô Tô khai thác các loại cá kinh tế ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay chính quyền địa phương đã tổ chức chợ cá trên vùng nước của vịnh Cô Tô, khá thuận tiện cho lưu thông.
Các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ có khả năng phát triển nghề khai thác hải sản, nghề nuôi cá lồng, bè qui mô vừa như Cô Tô, Cát Bà, Vĩnh Thực, Vân Đồn đạt hiệu quả cao.
Đối với các đảo lớn, gần ngư trường lớn như Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo và Cô Tô…việc khai thác, chế biến hải sản rất nhiều triển vọng nếu được đầu tư vốn, công nghệ, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tiềm năng  du lịch - dịch vụ biển
a.Tiềm năng du lịch
Vùng biển đảo Bắc bộ nổi tiếng với nhóm đảo thuộc Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long được UNESCO xếp hạng, vừa qua bầu chọn là một trong  bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Đảo du lịch nổi tiếng Tuần Châu là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu đối với du khách khi đến tham quan Hạ Long, Việt Nam. Một Di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan và địa chất - địa mạo là vịnh Bái Tử Long, quần đảo Cát Bà (với các Vườn quốc gia - khu dự trữ sinh quyển), vùng đảo Cô Tô, Trà Bản, Ngọc Vừng.
Tiềm năng du lịch kể trên rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch hiện đại như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, ngầm dưới nước; du lịch thể thao: bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền…có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế quanh năm; dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Và thực tế không phủ nhận, du lịch biển, đảo hiện đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy trong giai đoạn từ 2006-2010, khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển chiếm trên 70%.
Riêng thu nhập từ du lịch biển đảo đã chiếm tới 70% doanh thu của ngành du lịch.
Tính đa dạng và đặc thù của cảnh quan phần đất trên đảo và vùng biển xung quanh đảo mang lại cho các đảo tiềm năng du lịch to lớn. Không khí biển - đảo và nước biển là môi truờng trong lành nhất, là thiên đường của những du khách muốn tránh xa nhịp sống ồn ào và nhiễm của đô thị, vui với biển, nắng, gió và cát.
Đảo biển thỏa mãn 3 yêu cầu của du lịch biển - 3 chữ S : sea (biển), shore (gió) và sun (nắng), song khác với vùng biển ven bờ là chất lượng cao hơn nhiều lần. Ở các độ cao 200m, 300m, thực vật có khả năng phát triển do nhiệt độ thấp, độ ẩm cao mang đặc điểm khí hậu biển và khí hậu cao nguyên.
Ở đây có thể phát triển kinh tế sinh thái và du lịch, có thể xây dựng các nhà nghỉ dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ở các đảo ven biển Việt Nam có thể tìm thấy cảnh quan sinh thái kiểu này trên các đảo: Hòn Khoai, Cái Bầu, Cù Lao Chàm, Cát Bà… Biển quanh đảo và các bãi cát thạch anh trắng mịn cùng với hệ sinh thái san hô là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái biển vô giá.
Có thể tổ chức các cụm du lịch tắm biển, tham quan các hệ sinh thái san hô đa sắc màu ngầm dưới nước mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo lớn, nhỏ rộng 550km2, - là nơi được xem là vốn quý để phát triển du lịch sinh thái, là nơi có rất nhiếu thắng cảnh thiên nhiên đẹp như Bãi Thơm, Bãi Khem, suối Đá Bàng, suối Tranh…
Đặc biệt Bãi Dài đứng đầu danh sách các bãi biển đẹp được các hãng thông tấn cũng như du khách nước ngoài bình chọn bãi biển đứng đầu 5 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Ngoài sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên, thì cảnh quan sinh thái về văn hóa ở Phú Quốc rất phong phú như: Làng chài, làng nước mắm, nuôi cấy ngọc trai, canh tác vườn tiêu, văn hóa truyền thống Cách mạng (trại tù Phú Quốc), văn hóa lễ hội ẩm thực vùng biển cũng rất đặc trưng.
Bãi biển chính trải dài với cát sạch tinh khôi. Quần đảo An Thới gồm 12 hòn đảo nhỏ ở phía Nam Phú Quốc là một nơi thích hợp cho du lịch lặn với các rạn san hô tuyệt đẹp. Giống chó Phú Quốc nổi tiếng tinh khôn này có các xoáy lông chạy dọc lưng, cùng nhiều đốm lưỡi.
Đến Phú Quốc,  khách nước ngoài rất thú vị với tour bơi lặn bình hơi, tour câu cá, thẻ mực và câu cá chạy hay thưởng thức giao thừa cùng ngư dân trên đảo, cưỡi ngựa đi chợ và làm chả cuốn cá bóp.
Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cấp phép trong 21 dự án cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Quốc trị giá 1,7 tỷ USD, chủ yếu cho các khu nghỉ mát dọc theo bờ biển.
Sân bay quốc tế Dương Tơ trên đảo trị giá 16.000 tỷ đồng (khoảng 910 triệu USD), công suất 3 triệu hành khách/năm dự kiến hoàn tất trong năm 2012.
Với qui hoạch đảo Phú Quốc vừa được đều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn sau 2030 thực sự là đòn bẩy cho Phú Quốc phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là ưu tiên hàng đầu của hòn đảo này.
b. Tiềm năng dịch vụ biển
Vai trò của các hệ thống đảo ven bờ trong dịch vụ biển còn rất khiêm tốn, nhưng tiềm năng của chúng là to lớn như: dịch  vụ giao thông vận tải biển; thông tin liên lac, tìm kiếm cứu nạn; dịch vụ đánh bắt hải sản; dịch vụ khai thác dầu khí, thương mại, du lich… tiềm năng đó có được do vị trí phân bố của các đảo gần với các khu khai thác hải sản, dầu khí hoặc các tuyến giao thông vận tải biển.
Những đảo có tiềm năng lớn cho dịch vụ biển là: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu, Vân Đồn, Cát Bà, Cô Tô, Bạch Long Vỹ…
Tiềm năng phi sinh vật
a. Tiềm năng khoáng sản
Những nghiên cứu, khảo sát về tiềm năng khoáng sản trên các đảo còn chưa đầy đủ. Tuy nhiên đã phát hiện được tiềm năng khoáng sản tại một số đảo như mỏ cát thủy tinh tại Vân Hải (Quảng Ninh). Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cũng phát hiện biểu hiện của khoáng sản như Pirit với hàm lượng khá cao (đạt 5,5 – 7,5% vật liệu trầm tích tại vùng phía nam đảo), thạch cao (ở lớp trầm tích tầng mặt ở rìa quần đảo, thay đổi từ 2,9 – 6,5%), Sắt - Mangan (tăng dần theo chiều sâu quanh đảo từ 500m – 3000m với hàm lượng 1,5%).
Các đảo ven bờ nằm gần các bồn trũng có trữ lượng dầu khí như lớn các bồn (bể) sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu - Mã Lai… đã và đang được thăm dò, khai thác.
Đặc biệt nguồn năng lượng mới băng cháy ( Hydrat) đang được đánh giá có nhiều triển vọng ở vùng biển sâu quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trên hệ thống đảo ven bờ có khoảng 30 loại hình khoáng sản như: nhóm khoáng sản cháy (than), thủy tinh, cao lanh…
b. Năng lượng gió
Nhiều vùng đảo ngoài khơi như Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quý, Trường Sa.v.v. là những địa điểm gió có vận tốc trung bình cao, tiềm năng năng lượng gió tốt, có thể xây dựng các trạm phát điện gió công suất lớn để cung cấp năng lượng điện cho dân cư trên đảo.
Tại Đảo Cô Tô, căn cứ vào dữ liệu nhiều năm (25 năm) về chế độ gió của trạm khí tượng thủy văn Cô Tô và kết quả đo gió trực tiếp trong 1 năm của Viện Khoa học Năng lượng (Viện KH&CNVN) cho thấy  huyện đảo Cô Tô có tiềm năng năng lượng gió rất lớn: ở độ cao 10 m mật độ năng lượng trung bình và tổng năng lượng trung bình năm đạt 55.6W/m2 và 489.1KWh/m2, ở độ cao 80 m là 383.1W/m2 và 3371.5KWh/m2 ,
Theo tiêu chuẩn đánh giá của hiệp hội năng lượng gió thế giới, tại độ cao 25 m thích hợp sử dụng điện gió công suất nhỏ, từ độ cao 50m đến 80m có khả năng sử dụng máy phát điện sức gió công suất vừa và lớn. 
c. Năng lượng mặt trời
Với đặc điểm có số giờ nắng và số ngày nắng trong năm cao, nhiều đảo của Việt Nam còn có khả năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời
Cũng tại đảo Cô Tô, các nhà khoa học đã tính toán tiềm năng và điện năng sản xuất của một số modul pin mặt trời tại huyện đảo Cô Tô và cho thấy huyện đảo có tiềm năng năng lượng mặt trời tương đối tốt, có thể khai thác làm nguồn cấp năng lượng cho huyện đảo một cách hiệu quả. Có thể sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời cho các hộ dân, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch.
d. Năng lượng sóng.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học thuộc Viện Cơ học và trường Đại học Khoa học tự nhiên đã nghiên cứu tiềm năng năng lượng sóng tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa và tính toán chi tiết tổng năng lượng sóng trung bình năm cho khu vực nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn loại thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng thành điện năng thích hợp cho khu vực quần đảo Trường Sa.
Kết quả cho thấy, năng lượng sóng tại khu vực đảo Trường Sa lớn nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung thuộc vào loại mạnh nhất trong các khu vực ven bờ và vùng khơi lãnh thổ Việt Nam. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và xác định được địa điểm lắp đặt các thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng thành điện năng và loại thiết bị phù hợp.
Tiềm năng vị thế
Nhiều đảo của Việt Nam còn có tiềm năng vị thế quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cung cấp các dịch vụ quan trọng cho hoạt động hàng hải, khai thác thủy hải sản.v.v.
Với vị trí ở giữa biển Đông, Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá và hậu cần nghề cá đối với tàu thuyền qua lại và đánh bắt hải sản trong khu vực; đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thể giới. 
(Còn tiếp)
TS. Phạm Đức Ngoan; ThS. Nguyễn Công Minh; CN. Lê Hoàng Mai/Trung tâm Quy hoạch, Điều tra, Đánh giá tài nguyên và môi trường biển và hải đảo
Theo Diễn đàn đầu tư  
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét:

  1. Minh Tuấn
    Chuyên viên kinh doanh máy nước nóng năng lượng mặt trời
    Tel: 0123 7049 054
    Mail: hoangminhtuan.cd@gmail.com
    Click xem chi tiết: Bán máy nước nóng năng lượng mặt trời nhập khẩu tại TPHCM hoặc Ban may nuoc nong nang luong mat troi nhap khau tai TPHCM

    ReplyDelete