Test Footer 2

Đánh giá thiệt hại và tìm hướng khắc phục lũ lụt tại các tỉnh miền Trung

Hằng năm, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản song chưa thực sự có một con số thống kê chính thức về mức độ thiệt hại cũng như làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng ấy. Để đánh giá mức độ tổn thương về kinh tế - xã hội do lũ lụt trên một số lưu vực sông chính ở Miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi  Bộ TN&MT vừa phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học mã số BĐKH –19 với kinh phí gần 5 tỷ đồng.


Mảnh đất của “thiên tai”

Người dân miền Trung quen thuộc với cảnh  “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”  vì “Trời hành cơn lụt mỗi năm” vậy nên nhiều người nhắc đến miền Trung là nhắc đến sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão lũ hàng năm. Đặc biệt, những năm gần đây đã có những trận lũ lụt lớn chưa từng thấy xảy ra ở các tỉnh ven biển. Hai cơn lũ lụt  lịch sử liên tiếp từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 1999 được gọi cơn lũ thế kỷ đã làm gần 750 người thiệt mạng và tổn thất  tài sản và mùa màng lên đến 300 triệu USD.   Bão lụt cũng đã làm thiệt mạng gần 450 nguời năm 1998 và 400 người năm 1996.

Tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình là hai địa phương chịu nhiều thiên tai lũ lụt, riêng hai đợt lũ lịch sử năm 2002, 2007 trên lưu vực sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu làm 82 người chết, hàng trăm người bị thương và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây có 36 đợt lũ tại Quảng Bình, nhiều trận lũ xảy ra kèm theo bão lớn và triều cường đã làm 151 người chết, gần 370.000 ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng. Đáng nhớ là trận lũ kép xảy ra vào tháng 10/2010 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá, làm 143 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, thiệt hại về vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nguyên nhân chính mà nhiều nhà khoa học đã đưa ra lý giải cho việc những cơn bão, thiên tai, lũ lụt liên tục trút xuống dải đất miền Trung là  biến đổi khí hậu dẫn tới mưa lớn kéo dài, quá trình đô thị hoá một số thị xã, thị tứ đã san lấp khu vực ven dòng chảy, cửa sông, đồng thời còn có các nguyên nhân khác làm lũ lụt kéo dài như không quy hoạch cụ thể các hệ thống giao thông, các công trình phúc lợi phù hợp, nhất là xây dựng hệ thống thuỷ lợi, thuỷ điện cũng làm biến đổi điều kiện tự nhiên trong khu vực…

Lượng hóa thiệt hại và đề ra giải pháp

Nhằm làm rõ tính chất thiệt hại, xây dựng cơ sở khoa học, đánh giá mức độ tổn thương do lũ lụt và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông chính Miền Trung, qua đó đề xuất các biện pháp ứng phó lũ lụt trên các sông chính của Miền Trung, vừa qua, Chương trình KHCN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học Đánh giá mức độ tổn thương về kinh tế - xã hội do lũ lụt trên một số lưu vực sông chính ở Miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi và tuyển chọn được Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội làm đơn vị thực hiện với kinh phí 4,9 tỷ đồng. Mục tiêu chính mà đề tài khoa học yêu cầu là: Đánh giá được mức độ tổn thương kinh tế xã hội do lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác các công trình trên lưu vực;  Đề xuất các giải pháp thích ứng phục vụ quy hoạch kinh tế xã hội phát triển bền vững. Đồng thời xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương do lũ lụt và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính khả thi trong khu vực nghiên cứu.

Ngoài ra, sản phẩm chính của đề tài còn có  Tập bản đồ mức độ tổn thương do lũ lụt và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi tỷ lệ 1:50.000 các lưu vực sông chính ở Miền Trung. Đề xuất một số các giải pháp ứng phó được đánh giá là hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong khu vực cùng các phương án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Minh Hiếu-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment