Test Footer 2

Đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó

Việc biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gắn liền với sự ấm lên của trái đất, sự dâng cao của mực nước biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực ven biển tại Việt Nam, trong đó có Bình Định. Ảnh hưởng của BĐKH sẽ gây tác động không nhỏ đến  việc sử dụng không gian đầm phá ven biển và đời sống của cộng đồng dân cư và hoạt động nghề cá (HĐNC) tại vùng ven biển Bình Định. 


Chính vì vậy, một trong 15 đề tài khoa học được ưu tiên triển khai phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia BĐKH trong năm 2013  vừa được phê duyệt là Đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó ( thí điểm cho khu kinh tế mở Nhơn Hội, Bình Định) .

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển 134 km, thềm lục địa nhỏ dọc theo bờ, các đường đẳng sâu 30m - 50m -100m chạy sát bờ biển, đáy biển không bằng phẳng và có độ dốc lớn. Với hơn 30 xã, phường có vị trí nằm dọc ven biển, ven đầm có hoạt động nghề cá và sử dụng diện tích đất, mặt nước ven biển cho việc nuôi trồng thủy hải sản.

 BĐKH sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, biến động chủng loại, quần đàn và di cư cá biển, có khả năng sẽ làm thay đổi các bãi cá và ngư trường truyền thống. Nhiệt độ trên bề mặt nuớc biển ấm lên, nồng độ muối thay đổi sẽ làm nguy hại đến các rạn san hô, các thảm thực vật ở các khu vực Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (thuộc TP Quy Nhơn) vốn là lá chắn sóng cho khu vực ven bờ . Bằng chứng là nhiều rạn san hô chậm phát triển, các thảm thực vật như rong biển tại Nhơn Hải, Nhơn Lý bị chết, trôi dạt vào bờ với khối lượng lớn.

Các bãi cá nổi, cá đáy ở khu vực tuyến bờ và lộng từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn có xu hướng ra xa dần; mùa vụ cá cơm, cá ồ, cá thu, cá nục từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm tại các ngư trường trong tỉnh đều bị thay đổi và xáo trộn trong những năm gần đây. Đồng thời, nước biển dâng cao có khả năng làm thay đổi hướng của dòng chảy, có thể làm thay đổi đường di cư của một số loài thủy sản quý hiếm tại Bình Định như chình mun ở đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).

BĐKH sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường: bão, nước biển dâng, triều cường, lũ lụt, lũ quét... không theo quy luật nên rất khó dự báo trước, sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các tàu thuyền khai thác thủy sản (KTTS) hoạt động trên biển.

Ảnh hưởng sự ấm lên của trái đất làm gia tăng nhiệt độ và những biến đổi thất thường của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thủy sản trong các ao hồ. Khi nhiệt độ tăng lên làm cho hàm lượng oxy trong nước giảm mạnh vào ban đêm, do sự tiêu thụ quá mức của các loài thực vật thủy sinh, hoặc quá trình phân hợp chất hữu cơ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi; tôm có thể bị chết hoặc chậm lớn. Nhiệt độ tăng cao làm cho môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trong các loài nuôi. Trong những năm gần đây, do môi trường vùng nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt, như bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra, bệnh do virus. Các bệnh này thông thường xảy ra và lan truyền rất nhanh và rộng, khó chữa nên mức độ gây rủi ro rất lớn.

Để đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và sử dụng vùng đất bãi bồi hợp lý, Đề tài KHCN Đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó ( thí điểm cho khu kinh tế mở Nhơn Hội, Bình Định)  đưa ra một số mục tiêu chính là: Xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng và dự báo biến động do biến đổi khí hậu  về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng không gian đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam; Đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian vùng ven biển và biển các đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam; Định hướng được quy hoạch sử dụng không gian các đầm phá ven biển miền Trung và thí điểm quy hoạch sử dụng vùng ven biển và biển đầm Thị Nại -Vùng kinh tế mở Nhơn Hội trong bối cảnh nước biển dâng; Đề xuất được các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu nước biển dâng trong quy hoạch sử dụng không gian theo định hướng phát triển bền vững.

Sản phẩm cụ thể được yêu cầu hoàn thành trong Đề tài nghiên cứu khoa học này là phải hoàn thiện Hệ thống bản đồ tỷ lệ 1:100.000 và báo cáo chuyên đề tương ứng về độ sâu, địa mạo dọc bờ và biển, địa chất, khoáng sản, hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật, môi trường (trầm tích/đất, nước, sinh vật), tai biến khí hậu, tai biến địa chất, kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và biển đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam. Mô phỏng và xây dựng Hệ thống mô hình xâm nhập mặn, lan truyền ô nhiễm theo các kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng và phát triển kinh tế - xã hội; Hệ thống bản đồ hiện trạng và dự báo biến động tỷ lệ 1:25.000 và báo cáo chuyên đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, tai biển thiên nhiên, kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng không gian biển vùng kinh tế mở Nhơn Hội theo các kịch bản Biến đổi khí hậu nước biển dâng; Bản đồ tỷ lệ 1:100.000 định hướng quy hoạch sử dụng không gian vùng ven biển Miền Trung theo các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời đưa ra bộ Cơ sở dữ liệu nghiên cứu đánh giá tác động biến đổi khí hậu  đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và  quy hoạch sử dụng không gian của các đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam  và vùng  thí điểm cho khu kinh tế mở Nhơn Hội, Bình Định và đề xuất các giải pháp ứng phó cụ thể.

Đề tài được triển khai từ năm 2013 với tổng kinh phí dự kiến trên 7 tỷ đồng.

Hoàng Dương-Báo TN&MT
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment