Test Footer 2

Xây cảng “tỷ đô” – cần nhưng phải tính toán kỹ - Bài 3: Lối ra nào cho Cảng Lạch Huyện?

Thông qua ý kiến tâm huyết và đầy đủ cơ sở khoa học, cũng như tính thực tiễn phản biện của các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận, trong bài trước chúng tôi đã chỉ ra những bất cập, thiếu khả thi và cẩu thả, vội vàng của phương án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng). Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ ngành hữu quan cũng đã có văn bản chính thức đề nghị xem xét, báo cáo lại dự án này. Tuy nhiên, ngành chủ quản vẫn lặng lẽ thực hiện một cách khó hiểu …



Phương án xây cảng của Công ty TNHH Sơn Trường

Lạch Huyện thành chuyện đã rồi

Trên thực tế, đã có nhiều bài học cay đắng, nhiều cái giá phải trả quá đắt cho sự thiếu cẩn trọng, chủ quan, không chịu lắng nghe, không phân tích và định hướng khoa học, hợp lý, hợp thời … của một số dự án "được thì ít mà tai tiếng thì nhiều”.  Những chuyên gia hàng đầu của ngành cảng đường thủy cũng đã đăng đàn lên tiếng về dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, và khẳng định mọi sự vội vàng, chủ quan, không xuất phát từ lợi ích tổng thể chỉ mang lại hậu quả xấu, thậm chí là thảm họa muôn đời. Tuy nhiên, lối ra nào cho Cảng Lạch Huyện vẫn đang bị "tắc” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bộ GTVT đã có một số cuộc họp bàn bạc và lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia am tường, nhưng cuối cùng vẫn quyết phương án đã bị đề nghị tạm dừng. Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định với báo giới, Bộ vẫn chọn phương án hiện nay (khai thác cảng nước sâu từ sông ra biển), nhưng cũng không quên đá "quả bóng” là việc đánh giá tác động môi trường của việc nạo vét 40 triệu m3 bùn cát do bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định. Tức là ngay cả khi chưa có báo cáo thẩm định và phê duyệt về đánh giá tác động môi trường, Bộ GTVT vẫn cho tiến hành đối với hợp phần A (hiện nay Cục Hàng hải đang triển khai) gói thầu số 6: Đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tường chắn đất, tôn tạo xử lý nền, bến công vụ, đường sau cảng, hạ tầng điện nước. Thiết kế do các đơn vị tư vấn bao gồm các công ty: Oriental Consultants, Nippon Kei, Padeco, Japan Bridge & Structure Institute, INC. Đơn vị thẩm tra: công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast). Đối với hợp phần B: hiện nay Công ty TNHH Cảng côngtennơ quốc tế Hải Phòng đang tuyển chọn tư vấn rà soát dự án và thiết kế cơ sở. Theo kế hoạch, năm 2013 sẽ tuyển chọn tư vấn thiết kế chi tiết và thi công công trình… Như vậy có thể khẳng định cuối cùng ngay cả hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức và sẽ phải hợp lý hoá cho mọi việc đã rồi.

Mặt khác, trường sóng chủ yếu ở Cảng Lạch Huyện là từ phía Nam và Đông Nam (hướng Đông Bắc đã được che chắn bởi đảo Cát Bà). Tuyến luồng Cảng Lạch Huyện đi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trùng với phương truyền sóng, cho nên, đê chắn sóng trong gói thầu số 6 của bộ GTVT được các chuyên gia khẳng định là trái với nguyên lý đê chắn sóng (hiểu nôm na là không vuông góc với hướng truyền sóng - PV). 



Phương án xây cảng của Bộ GTVT

Cần tham khảo nghiêm túc

Quá trình tìm hiểu về dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện, chúng tôi đã tiếp xúc với phương án đầu tư xây dựng cảng này của một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, am hiểu và đã có nhiều thành công không chỉ ở riêng thành phố cảng Hải Phòng. Đó là Công ty TNHH Sơn Trường, có địa chỉ tại 325 phường Quán Toan, quận Hồng Bàng. Mặc dù phương án xây cảng của công ty này đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu hoan nghênh và đánh giá cao, nhưng xin lưu ý, chúng tôi không có chủ ý hoặc đề đạt điều gì đối với phương án của Công ty Sơn Trường đưa ra, mà chỉ coi đó như một lời đề nghị cần tham khảo nghiêm túc, minh bạch hơn.

Cái nhìn thấy ngay của dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện theo đề xuất phương án của Công ty Sơn Trường là sẽ rút ngắn chi phí đầu tư từ 25.200 tỷ đồng của Bộ GTVT xuống còn 19.200 tỷ đồng. 6.000 tỷ đồng là một khoản tiền không nhỏ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và dân sinh khác trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nếu không bàn đến khoản tiền tiết kiệm được trong đầu tư đó, thì phương án của bộ GTVT và đề xuất của công ty TNHH Sơn Trường đều phù hợp với quy hoạch chung, nhưng khác nhau ở quan điểm bộ GTVT muốn khai thác cảng nước sâu từ phía sông ra biển, ngược lại công ty Sơn Trường muốn khai thác từ ngoài biển vào trong sông. Đây là bài toán chủ yếu liên quan đến kinh tế và môi trường (khoa học công nghệ ngày nay đủ sức giải quyết các vấn đề về kỹ thuật). Theo phương án của Công ty Sơn Trường đưa ra, còn có một số điểm tích cực, khoa học và phù hợp xu thế chung trong đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu mà một số quốc gia khác đã và đang làm như Hà Lan, Pháp, Trung Quốc … Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không chủ trương phân tích kỹ lưỡng về những cái được đó.

Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường đã nhiều lần có văn bản khẩn thiết gửi Quốc Hội, Chính Phủ, lãnh đạo Bộ GTVT và các ngành hữu quan về việc lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, mang lại hiệu quả, công năng và cả "tầm nhìn xa” cho việc xây Cảng Lạch Huyện. Dẫu rằng, Công ty Sơn Trường không có dụng ý để được "nhảy vào làm cảng này” như cách nói của ông Thắng, nhưng những người có trách nhiệm vẫn "mũ ni che tai” và không vì đại cục, vì mục tiêu lớn của quốc kế dân sinh.

Lại thêm một dự án không thể biện minh cho việc "chủ trương” triển khai đã có trước, rồi tranh luận, phản biện mới đi sau? Điều người dân nhận thấy là vấn đề không phải chỉ là chuyện các nhà quản lý, lãnh đạo không chịu lắng nghe các ý kiến phản biện, mà thiếu hẳn những thiết chế đảm bảo cho việc đối thoại thoả đáng giữa các dòng ý kiến thuận và nghịch để làm cho câu chuyện trở nên sáng tỏ nhất có thể trước khi ra quyết định. Và tất nhiên, sự đã rồi đó có lẽ không khó để nhận ra những bất cập, rủi ro.
Theo nghị quyết số 66/2006 của Quốc hội, quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỉ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên và công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thì Chính phủ phải trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư.
Đức Anh – Hà Linh-daidoanket.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment