Xin
được mượn lời của nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Phạm Thế Minh khi nói
về dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) làm
đầu đề cho bài viết này. Vì dường như, sự đau đáu của một trong những
"người trong cuộc”, người am hiểu và có tâm, có trí, có cả sự lo lắng về
số phận của cảng nước sâu này lại đang bị chính những người kế nhiệm bỏ
ngoài tai. Mà nếu không chịu lắng nghe, không thấu hiểu và cứ tiếp tục
cố làm cho bằng được, con cháu nhiều thế hệ sau sẽ "oằn lưng” trả nợ
nước ngoài vì dự án Cảng Lạch Huyện hôm nay …
|
Phối cảnh Cảng Lạch Huyện
"Dục tốc bất đạt”
Trong bài trước, chúng tôi đã "phác
thảo chân dung” về dự án Cảng nước sâu cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cũng
như phân tích kỹ về việc cần thiết phải đầu tư xây dựng một hải cảng như
thế đối với một quốc gia có nền kinh tế biển phát triển và hùng mạnh
như nước ta. Tuy nhiên, ngay tại "giai đoạn khởi động dự án” mà Bộ GTVT
phê duyệt cách đây chưa lâu, thì với số vốn tổng mức đầu tư lên đến
25.200 tỷ đồng (nguồn vốn chủ yếu từ ODA của Nhật Bản), dự án này đã vấp
phải làn sóng phản đối của dư luận, của giới khoa học tâm huyết và cả
những doanh nghiệp am tường, cũng như đi ngược xu thế chung của nhiều
quốc gia có nền kinh tế cảng biển phát triển mạnh.
Tại Quyết định số 476 ngày 15-3-2011,
Bộ GTVT chính thức giao Cục Hàng hải Việt Nam và Liên doanh giữa Tổng
Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đối tác Nhật Bản làm chủ đầu tư. Dự
kiến xây dựng từ tháng 10-2012 và hoàn thành trong năm 2015. Theo tính
toán, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây sẽ là một cảng trung
chuyển quốc tế ở khu vực với quy mô 06 triệu tấn hàng/năm và hướng tới
100 triệu tấn vào năm 2030. Khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn, Cảng
cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có thể tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp
có trọng tải đến 100.000tấn.
Ngay từ khi dự án này được công bố, TS
Trần Đình Bá – một nhà khoa học có nhiều thành tựu và tâm huyết với
lĩnh vực GTVT nước ta đã bắt đầu phản ứng. TS Bá nêu rõ rằng đây sẽ là
một dự án dạng "dã tràng xe cát biển Đông”. Sở dĩ như thế vì: Đào một
hào hay một giếng sâu trên mặt đất là điều bình thường, song thực hiện
(như phương án của Bộ GTVT) là đào dưới đáy sông, đáy biển là không khả
thi. Nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về thủy lực, hệ số Reynolds về
lực ma sát lên dòng chảy, lực đẩy Archimedes, khái niệm về "hố thế” sẽ
không hình dung nổi ý tưởng về một "dòng sông hai đáy” của dự án Cảng
Lạch Huyện với đáy cao âm 6m và đáy thấp âm 14m so với mặt nước. Dưới
lực đẩy Achimedes và độ nhớt ma sát theo hệ số Reynolds thì các hạt cát
từ đáy cao âm 6m sẽ nhanh chóng dạt về để lấp đầy hố thế ở đáy thấp âm
14m, theo đúng nguyên lý giản đơn là vật thể từ cao rơi xuống thấp. Quả
là đúng với thành ngữ "dã tràng xe cát biển Đông” ở dự án này.
Cùng với TS Bá, đã có hàng chục nhà
khoa học bày tỏ sự không đồng tình với nhiều điểm trong phương án xây
dựng mà Bộ GTVT đưa ra. Cụ thể, vị trí xây dựng cảng theo phương án của
Bộ GTVT khi thi công sẽ phải nạo vét khu nước trước bến và luồng vào
cảng đến cao độ -14.0m dài trên 17km với khối lượng nạo vét gần 40 triệu
m3 bùn, chi phí khoảng từ 7.000 - 12.000 tỷ đồng. Việc làm này theo
đánh giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Hơn nữa, một trong những
điểm quan trọng nhất là việc nạo vét bùn không chỉ thực hiện khi xây
dựng cảng mà còn phải thực hiện định kỳ hàng năm, khiến nhiều chuyên gia
nghi ngờ về chi phí nạo vét hàng năm và những tác động đối với môi
trường khi triển khai (hàng trăm tỷ đồng mỗi năm). Mặt khác, việc đổ gần
40 triệu m3 bùn đi đâu để không làm ảnh hưởng đến môi trường, không huỷ
diệt một hệ sinh thái lâu đời cũng là vấn đề hóc búa. Nhiều chuyên gia
khẳng định, nếu số lượng bùn này mà đổ xuống biển, toàn bộ khu dự trữ
sinh quyển Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn và kỳ quan thiên nhiên thế giới
Vịnh Hạ Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa kể vị trí xây dựng
cảng nằm ngay trên cửa sông nên khả năng sa bồi sẽ rất lớn. Để duy trì
được cao độ luồng tàu và khu nước thì hàng năm phải duy tu nạo luồng với
khối lượng nạo vét không nhỏ. Thực tế, theo số liệu nghiên cứu của Cơ
quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hàng năm khối lượng sa bồi khoảng
2,62 triệu m3. Hệ lụy của việc làm này là chi phí và quá trình nạo vét
sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả khai thác vận hành, làm tăng giá thành
vận tải, việc thu hút tàu sẽ gặp khó khăn. (Riêng vấn đề bài toán đổ 40
triệu m3 bùn đi đâu, báo Đại Đoàn Kết cũng đã có loạt bài phân tích,
đánh giá sự thiếu khả thi và luộm thuộm cách đây ít lâu - PV).
Đừng đổ gánh nợ lên đầu con cháu
25.200 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ
USD, một khoản tiền tương đối lớn với một quốc gia mới tạm gọi là thoát
nghèo. Khoản tiền này phải đi vay, mà vay thì phải trả. Nếu vay mà làm
ra những điều có lợi, mang về lợi nhuận cho quốc kế dân sinh thì không
nhất thiết đắn đo. Nhưng ngược lại, rõ ràng không nên "dục tốc bất đạt”
và đi vào những vết xe đổ của không ít dự án tai tiếng và không hiệu quả
trước đây. Đặc biệt trong cái lúc nền kinh tế xã hội của chúng ta đang
phải vật lộn với không ít khó khăn như lúc này.
Về dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch
Huyện, sau khi nhận được công văn đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam về
việc tạm dừng xây dựng cảng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã xem
xét và có ý kiến chỉ đạo. Tại công văn số 5165/VPCP-KNT do Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý ký, gửi Bộ GTVT đã nêu rõ: "Về đề nghị
của Tổng hội Xây dựng Việt Nam (công văn số 67/CV ngày 29/6/2012) về
việc xem xét dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện), Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT xem xét, trả lời Tổng hội Xây
dựng Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”. Trước
đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã gửi công văn số 67/CV-THXDVN tới Thủ
tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi
trường về phương án xây dựng Cảng Lạch Huyện. Công văn số 67 của Tổng
hội Xây dựng Việt Nam chỉ rõ nhược điểm lớn nhất của phương án Cảng Lạch
Huyện là lượng nạo vét quá lớn khi xây dựng (khoảng 40 triệu m3)
và sau này khi vận hành (2,6 triệu m3/năm). Việc nạo vét và đổ 40 triệu
m3 bùn cát sẽ tác động lớn tới môi trường. Hàng năm phải nạo vét 2,6
triệu m3 sẽ làm tăng đáng kể gánh nặng chi phí vận hành, hoạt động rất
kém hiệu quả, không thu hút tàu vào cảng.
TS Tô Văn Trường, một nhà khoa học có
thương hiệu trong lĩnh vực GTVT cảnh báo: Chúng ta đã có bài học Cảng
nước sâu Cái Lân. Lúc đề xuất dự án này cũng đã có rất nhiều ý kiến phản
đối, quan ngại. Lãnh đạo thì kiên quyết bảo lưu ý kiến phải xây dựng
Cảng Cái Lân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của miền Bắc, hỗ trợ thậm
chí thay thế phần lớn phần việc của Cảng Hải Phòng. Ý chí này vẫn "kiên
định” kể cả khi phát hiện đá tảng tại vùng nước sâu âm 8m trước bến cảng
(phải tốn kém rất nhiều để tiến hành phá nổ khoảng 160.000 m3 đá
ngầm để tạo đủ độ sâu cho vũng quay trở tầu dự kiến). Kết quả là Cảng
Cái Lân không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có việc luồng
ngoài vào cảng chỉ đáp ứng tàu 15.000 tấn, trong khi bến tàu có khả năng
đáp ứng cho tàu 40.000 tấn! Chẳng lẽ bài học nhãn tiền từ dự án Cảng
nước sâu Cái Lân không đáng để cho Cảng Lạch Huyện "lạnh gáy”? Hơn 1,2
tỷ USD thậm chí còn phát sinh thêm nhiều, mà lại cứ cố "đổ tiền” xuống
biển theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì liệu có nên không?
Cảng Lach Huyện liệu có đi theo vết xe
đổ của những cảng Cái Mép – Thị Vải, Vân Phong, Cái Lân, những
Vinashin, Vinalines hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính lãnh đạo
ngành GTVT và những người có trách nhiệm, tâm huyết, mà ở bài sau, chúng
tôi sẽ phân tích cụ thể hơn.
Đức Anh - Hà Linh - daidoanket.vn
|
Home
cảng Lạch Huyện
cảng nước sâu
Xây cảng “tỷ đô” - cần nhưng phải tính toán kỹ - Bài 2: Cần thận trọng, đừng để đau lòng người dân
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 nhận xét:
Post a Comment