Trong
bài trước, chúng tôi đã khẳng định phương án của Bộ GTVT và đề xuất
của Công ty TNHH Sơn Trường đều phù hợp với quy hoạch chung, nhưng khác
nhau ở quan điểm Bộ GTVT muốn khai thác Cảng nước sâu Lạch Huyện từ
phía sông ra biển, ngược lại Công ty Sơn Trường muốn khai thác từ ngoài
biển vào trong sông. Đây là bài toán chủ yếu liên quan đến kinh tế và
môi trường (khoa học công nghệ ngày nay đủ sức giải quyết các vấn đề về
kỹ thuật). Các chuyên gia uy tín và tâm huyết đều đánh giá, theo phương
án của Công ty Sơn Trường đưa ra, còn có một số điểm tích cực, khoa học
và phù hợp xu thế chung trong đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu mà một
số quốc gia khác đã và đang làm như Hà Lan, Pháp, Trung Quốc …
|
|
Ông Tạ Quyết Thắng đang "thuyết minh”
phương án đầu tư xây dựng Cảng Lạch Huyện
Gần bờ - tiền mất tật mang
Bài học về sự thất bại, manh mún và
cẩu thả của một số cảng nước sâu gần bờ như Cái Lân, Cái Mép – Thị Vải …
vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhưng tại sao Bộ GTVT vẫn tiếp tục chọn
phương án "từ sông ra biển” cho Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện? Phương
án này, ngay đến cả ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cũng
không khỏi "lăn tăn” rằng: "Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa
cảng nước sâu ra xa bờ. Điều này phù hợp với xu hướng tăng dần tải trọng
vận tải biển và container hóa vận tải biển. Do vậy, đã làm thì chúng ta
phải làm cho hiện đại. Nhiều quốc gia có cái nhìn dài hơi và chiến lược
từ khi kinh tế còn khó khăn từ cách đây nhiều chục năm, tại sao ở nước
ta, quy hoạch phát triển ngành GTVT cứ mãi loanh quanh, luẩn quẩn”.
Mặt khác, cùng với việc nạo hút khoảng
40 triệu m3 bùn cát khi triển khai dự án sẽ có khoảng 2 triệu m3 bùn
cát và có thể còn lớn hơn nữa phải nạo hút hàng năm. Điều này cũng khiến
hiệu quả kinh tế của phương án này cần phải tính toán lại. TS Vũ Minh
Cát – Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật biển Đại học Thủy lợi Hà Nội cho biết,
lượng phù sa hàng năm rất lớn. Vào mùa lũ, mỗi m3 nước chứa từ 3 – 13 kg
phù sa. Bình thường thấp nhất cũng vào khoảng 80 – 200g/m3. Theo phương
án nạo vét đang triển khai thì lượng phù sa tái bồi khó có thể tính
toán đúng. Có số liệu cho rằng 1,7 triệu m3 tái bồi hàng năm có số liệu
là 2,5 triệu m3 có số liệu là 4 triệu m3. Bên cạnh đó, nếu đổ ra biển 40
triệu m3 bùn toàn bộ vịnh Hải Phòng sẽ bị ô nhiễm. Một nguồn tài nguyên
phù sa lớn cũng phải đổ ra biển là rất lãng phí. Một vấn đề khác trong
dự án khiến các nhà khoa học lo ngại nữa là chi phí phụ gia tăng cao do
luồng tàu có chiều rộng hạn chế nên phải bố trí hệ thống hỗ trợ hoa tiêu
rất hiện đại để điều khiển tàu chính xác. Điều này làm tăng tổng mức
đầu tư và tăng giá thành vận tải, giảm sự thu hút tàu cập bến…
GS.TS Tô Văn Trường, chuyên gia hàng
đầu về vận tải thủy, đã cảnh báo phương án xây Cảng Lạch Huyện của Bộ
GTVT sẽ "tiền mất, tật mang”. Ông Trường nói: "Rất nhiều điểm tính toán
tái bồi và dòng chảy trong phương án hút bùn chưa được đưa ra. Mô hình
tính toán dòng chảy và bùn theo phương án của Tổng công ty Tư vấn thiết
kế GTVT đưa ra là quá cũ. Một số tính toán không thể chấp nhận được.
Việc duy trì hoạt động cho cảng nước sâu phải thường xuyên đầu tư nạo
hút và không biết ở mức nào dẫn đến nhiều nguy cơ. Nguy cơ đầu tiên phải
nói tới là sẽ bị lỗ. Chi phí đầu tư, vận hành cao khiến mỗi tấn hàng sẽ
bị đội lên nhiều. Trong bối cảnh cạnh tranh về chi phí, các tàu sẽ vào
cảng nào chi phí rẻ hơn. Trong khi những thiệt hại về môi trường thì
chưa hề tính đến.”
Xa bờ - tiết kiệm tiền và cần tham khảo nghiêm túc
Nếu đầu tư xây dựng Cảng Lạch Huyện xa
bờ (cách bờ 17km), chi phí đầu tư theo phương án của Công ty Sơn Trường
sẽ tiết kiệm được khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi hạ tầng cảng nước sâu
và công năng sử dụng cũng như tầm nhìn khai thác, đều được đánh giá là ý
tưởng hay và hoàn toàn khả thi. Nhưng nếu bỏ qua cả yếu tố tiết kiệm
chi phí đầu tư là 6.000 tỷ đồng, một khoản tiền không hề nhỏ và rất cần
cho nhiều mục tiêu kinh tế xã hội và dân sinh khác lúc này, thì cái lợi,
cái hay của phương án mà Công ty Sơn Trường đưa ra, còn lớn hơn nhiều,
phù hợp và "có lý” hơn nhiều. Một chuyên gia đã thẳng thắn nói rằng, nếu
chỉ để thông qua cho nhanh (như phương án xây cảng gần bờ của Bộ GTVT)
mà đặt tên gắn mác cho công trình đó là "cấp bách”, rồi bỏ qua những
tính toán cẩn trọng, những phân tích lợi hại lâu dài, những phản biện
khoa học … thì chỉ chuốc lấy thất bại và kéo theo nhiều hệ lụy cho con
cho cháu.
Hãy nghe ông Tạ Quyết Thắng - Tổng
giám đốc Công ty Sơn Trường "thuyết minh” vài điểm cơ bản về phương án
mà doanh nghiệp này đưa ra: Thực tế tàu cỡ 50.000 đến 100.000 tấn vào
cảng không nhiều, nên chỉ cần xây hai cầu cho cỡ tàu này ở điểm cách vị
trí lựa chọn hiện tại 17 km là đủ. Ở đây mặc định đã có độ sâu -16m rồi,
không phải mất chi phí nạo vét luồng. Dọc tuyến luồng vào trong, Sơn
Trường đề xuất xây dựng cầu cảng kiêm đường phục vụ cho các cỡ tàu dưới
50.000 tấn, nối ra với hai cầu cho tàu cỡ trên 50.000 tấn phía ngoài.
Việc đưa cảng ra ngoài biển (cách 17km so với phương án của Bộ GTVT)
theo ông Thắng sẽ không cần phải nạo vét luồng thường xuyên. Do đó, sẽ
tiết kiệm được 6.000 tỷ đồng tiền nạo vét bùn như phương án của Bộ GTVT,
đồng thời hàng năm còn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền duy tu. Quan
điểm của ông Thắng là không chọn cách đối đầu với tự nhiên để xây cảng
mà chọn chọn giải pháp khai thác tốt điều kiện tự nhiên, điều này sẽ
tiết kiệm chi phí.
Theo Công ty Sơn Trường, phương án của
Bộ GTVT đưa ra không những phải đầu tư rất lớn về tiền của mà khả năng
thu hồi vốn cũng không cao do phải đầu tư đồng bộ cùng một lúc để xây
dựng và nạo vét luồng cho tàu vào cảng, cũng như xây đê chắn sóng, chắn
cát nên khoản tiền 25.200 tỷ buộc phải được giải ngân trong quá trình
hơn 3 năm xây dựng. Ngược lại, đề xuất của Sơn Trường lại xây dựng Cảng
Lạch Huyện theo từng bước. Nếu chỉ xây dựng 2 cầu tàu phía ngoài để đón
tàu lớn (cỡ 100.000 tấn) thì họ chỉ cần tiêu tốn 5.000 tỷ đồng. Sau đó,
nếu cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và đường nối cảng vào đất liền thì
chi phí mà Sơn Trường dự kiến cũng chỉ dừng ở mức khoảng 19.000 tỷ
đồng.
Nhưng, làm như phương án của Công ty
Sơn Trường, tức là đưa cảng ra ngoài biển, thì Bộ GTVT lại "phản biện”
là cảng hở và chi phí đê chắn sóng phải "đội lên”. Điều này mới nghe thì
có lý, nhưng nếu thực địa tại nơi, Công ty Sơn Trường lập luận đã có
khu vực quần thể đảo Cát Bà, Cát Hải bao bọc rồi. Và hạ tầng kỹ thuật
cũng như khu vực hậu cần logictics đã vươn ra đến chân cảng rồi. Nên nếu
gọi là cảng hở thì chưa thỏa đáng, sai bản chất.
Với phương án mà Công ty Sơn Trường
đưa ra, các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, việc xây dựng ở vị trí mới
(đưa cảng ra xa bờ theo phương án của Sơn Trường) sẽ có những thuận lợi
nhất định. Thứ nhất là độ sâu nước lớn, khối lượng nạo vét ban đầu không
đáng kể và khối lượng sa bồi rất nhỏ, vì ít bùn cát mang từ phía trong
sông ra nên hầu như không phải nạo vét luồng tàu và khu nước hàng năm,
thuận lợi cho việc phát triển một cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận
các tàu có trọng tải rất lớn. Thứ hai, việc mở rộng không gian cảng khá
dễ dàng khi nhu cầu vận tải biển tăng lên với việc nối thêm vào phía
trong và đặt thêm cầu tàu, bến bãi theo quy hoạch đến năm 2020. Thứ ba,
vị trí xây dựng cảng được che chắn bởi đảo Cát Bà, Cát Hải nên công
trình chắn sóng, lặng nước cho cảng chỉ cần quan tâm ở phía Đông và phía
Nam.
Từ những phân tích nêu trên và để ý
tưởng của Sơn Trường có tính chất khả thi được các bộ, ngành công nhận,
ông Thắng cam kết sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu và lập
phương án xây dựng Cảng Lạch Huyện một cách chi tiết, bài bản chỉ với
điều kiện nếu phương án của Sơn Trường được ghi nhận Nhà nước sẽ phải
hoàn lại vốn cho Sơn Trường, còn nếu thất bại Sơn Trường sẽ tự chịu
trách nhiệm.
Hãy biết lắng nghe, đó là phương châm
nguyên nghĩa giá trị với mọi thời đại. Ở đây, chúng tôi không "phán
quyết” phương án nào đúng – sai, thuận – nghịch, mà chỉ đưa ra những lập
luận khoa học, thuyết phục của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh
nghiệp am tường. Chọn phương án nào có hiệu quả kinh tế cao, ít ảnh
hưởng môi trường, phù hợp xu hướng mà các quốc gia khác đã và đang triển
khai, là việc của Chính Phủ và ngành chức trách. Đại Đoàn Kết sẽ trở
lại vấn đề này khi có thêm thông tin..
Theo Đức Anh – Hà Linh-daidoanket.vn
|
Home
Uncategories
Xây cảng “tỷ đô” – cần nhưng phải tính toán kỹ - Bài 4: Nói phải, củ cải cũng … nghe
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 nhận xét:
Post a Comment