Test Footer 2

Xây cảng “tỷ đô” - cần nhưng phải tính toán kỹ-Bài 1: Đầu tư cảng nước sâu là tất yếu

Bài 1: Đầu tư cảng nước sâu là tất yếu
LTS: Trong quá trình phát triển, Việt Nam nhất thiết phải có một hệ thống cảng biển tầm cỡ, hiện đại ở khu vực cũng như trên thế giới. Vì chúng ta là một quốc gia biển, đã có và từng được khai thác cả ngàn đời qua những lợi thế, tiềm năng mà kinh tế biển mang lại. Đó là thực tế khỏi cần bàn cãi, chứng minh. Tuy nhiên, một số cảng biển của chúng ta hiện có, phần thì chưa theo kịp thời đại, phần thì chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng, lại có cảng đã từng đầu tư xong rồi bỏ đó, không khai thác và sử dụng đúng hiệu quả, công năng (chẳng hạn như cảng Cái Lân, Cái Mép – Thị Vải …).
Tuy nhiên, kỳ vọng đầu tư xây dựng một cảng biển nước sâu tầm cỡ và đẳng cấp là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đã được các bộ ngành chức năng, địa phương và nhà đầu tư triển khai tại thành phố cảng Hải Phòng, lại đang vấp phải sự phản ứng tâm huyết của giới khoa học, nhà quản lý và dư luận xã hội, thậm chí còn đi ngược xu thế đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu hiện đại mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai.  Vậy căn nguyên gốc rễ của câu chuyện này là gì? Từ số này, nhật báo Đại Đoàn Kết sẽ đi sâu mổ xẻ, phân tích vấn đề trên qua góc nhìn thuyết phục, mang đầy đủ tính khoa học và thực tiễn của các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý … nhằm góp một tiếng nói với cơ quan chức năng là cần thận trọng trước khi quyết định "khai sinh” cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Trân trọng giới thiệu và mong nhận được thêm nhiều ý kiến phản hồi, phản biện của bạn đọc!


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
làm việc với BQL Dự án cảng Lạch Huyện

Thiên thời, hải lợi cảng nước sâu

 Khẳng định rằng, nước ta là một nước có nền kinh tế và văn hóa biển lâu đời và được khai thác hiệu quả, có tầm nhìn. Trong tổng thể những lợi thế mà kinh tế biển mang lại, tất nhiên có cảng biển. Và một nền kinh tế biển phát triển như nước ta, không thể không có cảng biển được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đủ sức sánh ngang với các cường quốc biển. Một số cảng biển nước sâu của nước ta đã và đang được đầu tư xây dựng như Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Vũng Rô (Phú Yên), Cái Lân (Quảng Ninh) …. trên thực tế đã không đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, nếu không muốn nói là không ít cảng nước sâu đã "thất bại” vì không được đầu tư tính toán kỹ lưỡng và khoa học, gây lãng phí và tốn kém một số lượng rất lớn tiền của của nhân dân.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước hiện có 266 cảng biển, hầu hết quy mô nhỏ, với tổng công suất chỉ đạt 100 triệu tấn trong khi tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng lên tới 259 triệu tấn trong năm ngoái. Việt Nam có các cảng với độ sâu 12 mét nhưng không thể phục vụ tàu container lớn.

  Vì vậy, chúng ta dứt khoát không thể tụt hậu vấn đề này trong mục tiêu phát triển kinh tế biển cả hiện tại lẫn tương lai. Và việc chọn địa điểm đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện (huyện Cát Hải, Hải Phòng) sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát là một hướng đi đúng, vì theo nhiều "người trong cuộc” thì đây là khu vực hội tụ được đầy đủ các yếu tố "thiên thời – hải lợi – nhân hòa”. TP Hải Phòng cũng là một thành phố cảng có "thương hiệu” không chỉ trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến từ nhiều năm qua.
Trong một văn bản do chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký cách đây vài tháng (văn bản số 4538/GTVT-KHĐT), người đứng đầu ngành giao thông đã phân tích: Quy hoạch chi tiết cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được nghiên cứu bắt đầu từ năm 2004 xác định lượng hàng thông qua các cảng biển khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung và TP Hải Phòng nói riêng liên tục tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định.

  Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng hóa đạt 19%/năm và hàng container đạt 29%/năm. Theo quy hoạch, dự báo lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng phía Bắc đến năm 2020 là 146 - 176 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng năng lực của các cảng hiện hữu kể cả sau khi mở rộng cũng chỉ đạt 86 - 90 triệu tấn vào năm 2015.

  Phác thảo "chân dung” cảng Lạch Huyện

  
Theo kế hoạch, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp được đầu tư đồng bộ và hiện đại có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn từ 4000 - 6000 TEU và lên đến 8.000 TEU trong các giai đoạn sau của Dự án nâng cấp, mở rộng (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam; thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai.

  Cơ sở hạ tầng cảng được đầu tư với mục tiêu phục vụ phát triển hệ thống cảng hoàn chỉnh về lâu dài gồm nhiều cầu cảng tại Lạch Huyện cũng như các bến cảng Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Chanh.
Bộ GTVT xác định việc phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là hết sức cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung; phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009.

  Trong thông cáo mới nhất của Bộ GTVT, việc nghiên cứu luồng tàu Lạch Huyện đã được bắt đầu từ nhiều năm trước đây (những nghiên cứu đầu tiên bắt đầu tư năm 1994) với sự tham gia của các công ty, cơ quan tư vấn có uy tín trong nước và quốc tế như: Viện Địa lý - Viện Khoa học Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Tư vấn HEACON (Bỉ), các đoàn nghiên cứu của JICA (Nhật Bản)...
Quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án, các đơn vị tư vấn đã thực hiện rất nhiều công tác đo đạc, khảo sát, theo dõi, đánh giá mức độ diễn biến của luồng tàu; các đơn vị tư vấn chuyên ngành đã tiến hành nghiên cứu bằng các phương pháp khác nhau, bao gồm cả phương pháp nghiên cứu truyền thống, hiện đại như nghiên cứu dòng chảy, sa bồi bằng mô hình toán, hố cuốc thí nghiệm, so sánh chập bình đồ khảo sát trong nhiều năm; tính toán, đánh giá mức độ ổn định chắn sóng, ngăn cát, đánh giá tác động môi trường,... tuân thủ các quy trình, quy phạm chuyên ngành trong nước và quốc tế.

  Việc nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Dự án đã được các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia ý kiến, các tư vấn có kinh nghiệm thẩm tra, các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mặc dù vẫn đang còn nhiều vấn đề chủ đầu tư, tư vấn thiết kế cần tiếp tục hoàn chỉnh, tuy nhiên, khối lượng công tác nghiên cứu đến nay đã là rất lớn, quy trình nghiên cứu bài bản, nghiêm túc, có chất lượng đã xác định được địa điểm, quy hoạch xây dựng và phương án đầu tư xây dựng cảng.
 
Theo Đức Anh - Hà Linh- ĐĐK
 
 
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment