Test Footer 2

Chống sạt lở bờ biển TP. Vũng Tàu: Cần có giải pháp đồng bộ

Hiện tượng biển xâm thực đất liền diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều khu vực ven biển, trải dài từ TP. Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc. Để chống lại sự xâm thực này, một số công trình kè chắn sóng đã được đầu tư, tuy nhiên do cách làm tự phát, nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy một giải pháp đồng bộ, phát huy hiệu quả bảo vệ bền vững tuyến bờ biển và phát triển du lịch là việc làm cấp thiết hiện nay.
Hình ành: Thành Luân
Doanh nghiệp mất tiền tỷ…nhưng xói lở vẫn tiếp diễn
Ông Phan Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức Khu du lịch (KDL) Hồng Hà (ấp Bến Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, theo chu kỳ của tự nhiên, quá trình biển lấn đất liền bắt đầu diễn ra từ tháng 11, đỉnh điểm vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Từ sau Tết Nguyên đán, gió chuyển hướng Tây Nam làm cát bắt đầu bồi tụ. Nhưng hai năm gần đây, tốc độ xâm thực diễn ra nhanh và mạnh hơn. Nước biển dâng cao kèm theo gió mạnh liên tiếp ập vào bờ, cơ sở vật chất ven biển dù được xây dựng kiên cố cũng bị phá hủy.
Hiện tượng biển xâm thực đã diễn ra âm ỉ trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Để bảo vệ cơ sở hạ tầng, một số doanh nghiệp du lịch đã tự “thiết kế” các công trình kè chắn sóng. Tùy thuộc vào quy mô và túi tiền, công trình kè chắn sóng cũng mang nhiều hình dạng khác nhau. Ông Đặng Hải Đường, Giám đốc DNTN Dịch vụ Du lịch Biển Viễn Đông (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, dù doanh nghiệp đã xây chiều sâu chân móng của bờ kè hơn 1m, tính từ mặt biển, nhưng cứ sau một đợt triều cường, phần lớn công trình lại trôi ra biển. “200 bao xi măng, 20 xe đá hộc, cát, cừ tràm, nhân công… dùng để xây mới bờ kè, gia cố, sửa chữa những đoạn hư hỏng ước tính hơn 300 triệu đồng mỗi năm” - ông Đặng Hải Đường cho biết.
Theo ông Phan Hưng, tổng thiệt hại sau đợt triều cường, cuối năm 2011 tại KDL Hồng Hà ước tính khoảng 6 tỷ đồng (gồm dãy bungalow 3 phòng, 3 chòi bê tông, 1 chòi gỗ, khoảng 250 cây dương 5 năm tuổi). “Vừa mất đất, cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng nề và lượng khách sụt giảm do tâm lý lo sợ khi thấy cơ sở vật chất bị sóng biển tàn phá…, doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép. Biết vậy nhưng chi phí đầu tư bờ kè rất lớn nên chưa biết phải làm sao” - ông Hưng nói.
4 công trình bảo vệ bờ biển
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Biên, công tác tại Viện Kỹ thuật biển thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu”, hiện có 4 công trình bảo vệ bờ biển đã được xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Đê Phước Tỉnh giai đoạn 1 dài 1.625m đưa vào sử dụng từ năm 2004; kè bảo vệ bằng công nghệ “mềm” Stabiplage ở phía Nam Lộc An dài 600m từ năm 2005; công trình gia cố chống sạt lở bờ biển tại vòng cung mũi Ba Kiềm bằng đá hộc vào năm 2009 và khu neo đậu tránh trú bão tại cửa Bến Lội khánh thành vào năm 2011.
Khi tiến hành đánh giá tác động môi trường của 4 công trình trên, công nghệ “mềm” Stabiplage tỏ ra có ưu thế vượt trội, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của địa phương. Sau 6 năm xây dựng, đến năm 2011, công nghệ Stabiplage đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc chặn đứng xói lở, bịt các cửa mở trong khu vực dự án đồng thời phục hồi lại bãi cát và tiến ra phía biển một cách tự nhiên với trung bình khoảng 25-30m/năm, có nơi từ 60-70m/năm. Dải đồi cát được bồi tụ mạnh, chiều cao đồi cát có nơi hơn 6m. Ước tính tổng lượng cát được bảo vệ ổn định mỗi năm khoảng 42.000m3 với lượng cát tích tụ tự nhiên 145.000-150.000m3. Trên chiều dài 600m của công trình kè Stabiplage Nam Lộc An, rừng phi lao và các loại thực vật tầm thấp như rau muống biển, cỏ biển phát triển tốt. Tuy nhiên, đây là công trình thí điểm và giá thành khá cao nên việc ứng dụng công nghệ này tại các khu vực biển tương tự rất khó thực hiện.
Hiện tại, dự án công trình bảo vệ bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cốc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê quyệt. Theo thiết kế, công trình bảo vệ bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cóc là kè dạng tường góc bê tông cốt thép kết hợp mái nghiêng gia cố bằng tấm bê tông cấu kiện, trong đó phần đỉnh kè dạng tường hắt sóng có hành lang rộng 4m dành cho người đi bộ, có hệ thống chiếu sáng bố trí dọc hành lang. Ông Mai Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, UBND huyện Xuyên Mộc đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án xây dựng kè theo ranh đất của các doanh nghiệp được giao theo quyết định giao đất của UBND tỉnh. “Hiện trạng biển xâm lấn đất liền trên địa bàn huyện ngày càng dữ dội, địa phương rất mong công trình bảo vệ bờ biển nhanh chóng triển khai” - ông Mai Văn Dũng nói.
Theo TS. Bùi Quốc Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ INOVA, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu các vấn đề xói lở bờ biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc) và đề xuất giải pháp xử lý xói lở”, ngoài công trình đê chắn sóng, chắn cát bằng bê tông cốt thép, phải kết hợp xây dựng các công trình tái tạo, khôi phục, bảo vệ giồng cát, công trình đê ngầm giảm sóng song song đường bờ kè thì hiệu quả bảo vệ bờ biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cóc mới phát huy được tối đa.
Ngoài khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc, các khu vực ven biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu như Cửa Lấp, Phước Tỉnh, Lộc An, Bình Châu… cũng bị xói lở mạnh và tại các khu vực này đều có dự án du lịch đi qua. PGS.TS Nguyễn Thế Biên cho rằng, chi phí đầu tư các công trình chống sạt lở rất cao, vì vậy, trước mắt để hạn chế hiện tượng trên, cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các đụn cát, tuyên truyền và xử phạt mạnh tay nạn hút cát, khai thác tài nguyên trái phép. “Đó là cách bảo vệ môi trường bền vững cho phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh. Song song đó, tùy thuộc vào địa hình, dòng chảy, chế độ thủy động lực, quá trình bồi xói, tính chất sử dụng, nguồn vốn… mà áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp ở từng khu vực nhằm phát huy hiệu quả bảo vệ vùng bờ biển lâu dài” - PSG.TS Nguyễn Thế Biên nhấn mạnh.
Theo Monre

 

SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment