Test Footer 2

Môi trường biển đang có dấu hiệu ô nhiễm và suy thoái

Môi trường biển nước ta hiện có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái. Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm bởi dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Thực tế đó đang đòi hỏi một quyết sách bảo vệ môi trường từ việc xây dựng và khai thác cảng biển.  
 Hiện trạng môi trường biển Việt Nam
Hiện nay, môi trường biển nước ta đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái. Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm bởi dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Còn chất rắn lơ lửng như Si, NO3, NH4 và PO4 cũng ở mức đáng lo ngại. Chất lượng trầm tích đáy biển ven bờ - nơi cư trú của nhiều loài thủy hải sản - cũng bị ô nhiễm.
Hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật chủng an-đrin và en-đrin trong các mẫu sinh vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển phía Bắc đều cao hơn giới hạn cho phép. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong cơ thể các loài thân mềm hai mảnh vỏ được xác định cao nhất tại Sầm Sơn và cửa Ba Lạt (11,14 - 11,83mg/kg thịt ngao), thấp nhất tại Trà Cổ (1,54mg/kg). Các chất an-đrin, en-đrin, đi-e-đrin, đặc biệt là an-đrin và en-đrin có ở hầu hết các mẫu phân tích, biến đổi từ 0,12 đến 3,11mg/kg.
Ða dạng sinh học động vật đáy ở ven biển miền Bắc và thực vật nổi ở miền Trung suy giảm rõ rệt. Vùng biển ven bờ nước ta đã phát hiện được 8-16 loài vi tảo biển gây hại tiềm năng với mật độ hơn 2 x 104 tế bào/lít.
Thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thủy triều đỏ xuất hiện khá nhiều ở Nam Trung Bộ, gây ra những thiệt hại rất lớn. Hơn 30km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối; còn tại vùng biển Bình Thuận, thủy triều đỏ đã tiêu diệt tôm, cua, cá, san hô, rong cỏ biển.
Nước ta đã có hàng chục con sông “chết”, điển hình như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ... Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông đổ ra biển như dầu thải, nước thải chưa qua xử lý... Có những loại không phân hủy được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân hủy thì hòa tan trong nước biển.
Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, những công trình trên biển ngày càng mọc nhiều thêm. Hầu hết các công trình cảng và hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, như mất các nơi sinh cư của các loài thủy hải sản do lấy đất xây dựng, ô nhiễm nước, đất, không khí, tiếng ồn... trong khu vực cảng và phụ cận.
Cảng biển đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Về môi trường nước, các cảng đều phải đối mặt với nước đục do liên quan đến hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng, nạo vét luồng lạch, đổ phế thải.  Độ đục nước vùng cảng Hải Phòng là 418-424mg/lít; cảng Đà Nẵng 33-167mg/lít. Nồng độ dầu ở tất cả các cảng đều vượt mức cho phép 0,3mg/lít (TCVN 5943-1995): cảng Hải Phòng 0,42mg/lít; cảng Cái Lân 0,6mg/lít; cảng Vũng Tàu 0,52mg/lít; cảng Vietsovpetro 7,57mg/lít. Ở một số cảng đáng báo động là hàm lượng thủy ngân đã vượt ngưỡng cho phép, cảng Vũng Tàu vượt 3,1 lần, cảng Nha Trang vượt 1,1 lần.
Các công trình sản xuất, nhà máy sửa chữa-đóng mới tàu biển, các dự án du lịch sinh thái biển và rất nhiều các hoạt động khác đều tác động xấu đến môi trường tự nhiên của biển.
Vận tải biển là một phương thức vận tải tối ưu và kinh tế nhất so với các loại hình vận tải khác và đã trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, loại hình vận tải này cũng tác động xấu đến môi trường biển.
Từ việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, nạo vét luồng lạch cùng với việc đổ phế thải dầu, mỡ… dẫn đến phá hoại sinh thái vùng cửa sông, ven biển ngập mặn, vùng đất chua phèn, tạo nên một sự đảo lộn.
Hệ thống đường thủy phát triển, phương tiện vận tải ngày càng nhiều, kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển ngày càng tăng do lượng dầu mỡ chiếm tới 50% nguồn gây ô nhiễm biển.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành, thiếu kinh phí để xử lý môi trường và ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng còn kém. Tại các thành phố lớn, ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hầu như toàn bộ nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp ra sông mà không qua xử lý. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp đổ xuống biển chưa qua xử lý nên chỉ số vi trùng học luôn ở mức cao.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng một lượng rất lớn phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu không được hấp thụ hết cũng đổ ra sông. Nạn phá rừng đầu nguồn cũng gây xói lở đất và tăng độ đục ở các cửa sông. Tại một số địa phương, thậm chí rác thải sinh hoạt cũng không được thu gom và xử lý triệt để, do vậy, một lượng lớn rác thải sinh hoạt bị đổ ra biển… Các nguồn ô nhiễm trên được sông tải ra biển và gây ô nhiễm biển.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, yếu kém. Ví như ở Vũng Tàu, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005 thì các dự án đầu tư cơ sở lưu trú và khu du lịch phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc có bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi khởi công. Thế nhưng trên thực tế, chỉ các dự án xây dựng sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 có hiệu lực và các khách sạn, khu du lịch do cấp tỉnh quản lý (từ 100 phòng trở lên hoặc từ 10ha trở lên) là thực hiện tốt các thủ tục hành chính về môi trường; còn phần lớn các dự án do cấp huyện quản lý đều khởi công khi mà chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt. Thậm chí kể cả một số đơn vị kinh doanh du lịch do cấp tỉnh quản lý (Sở Tài nguyên&Môi trường) cũng có đơn vị chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải. Riêng các cơ sở lưu trú do cấp huyện quản lý hầu hết đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu là xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn trước khi thải ra môi trường hoặc kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên&Môi trường còn phát hiện một số khu du lịch tự xử lý rác thải trong khuôn viên khu du lịch.
Một nguyên nhân nữa gây ô nhiễm môi trường biển là do sự cố tràn dầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nóng trong những năm gần đây đã làm gia tăng rất mạnh lượng tiêu thụ xăng dầu trên thế giới. Sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu khoảng 3 tỷ tấn/năm và nửa trong số đó được vận chuyển bằng đường biển (Pavlo, 2003). Hậu quả là một lượng dầu khá lớn bị rò rỉ ra môi trường biển do hoạt động của tàu thuyền và do sự cố hư hỏng, đắm tàu chở dầu hay sự cố tại lỗ khoan thăm dò và giàn khoan khai thác dầu. Lịch sử thế giới đã ghi nhận hàng trăm vụ ô nhiễm dầu trên biển.
Mặt dầu loang ngăn chặn không khí hòa tan vào nước nên hàm lượng ôxy trong nước thấp, trung bình 3,3-10,9mg/lít vào mùa khô và 0,16-6,1mg/lít vào mùa lũ, trong khi đó nhu cầu ôxy của các loài sống dưới nước rất cao, cần tới 13,6-31mg/lít.
Từ những phân tích trên cho thấy, môi trường khu vực cảng biển Việt Nam đang suy thoái, ô nhiễm bởi bụi, tiếng ồn, dầu, chất hữu cơ..., kể cả trong nước, không khí, đất. Thực tế đó đang đòi hỏi một quyết sách bảo vệ môi trường trong việc xây dựng và khai thác cảng biển.
VŨ THANH CA
Viện Nghiên cứu Quản lý biển & hải đảo, Tổng cục Biển & Hải đảo VN
Bientoancanh.vn
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment