Test Footer 2

Thế trận ứng phó biến đổi khí hậu 2012


Kịch bản cập nhật về biến đổi khí hâu và nước biển dâng vừa được Bộ TN&MT công bố đã chi tiết hóa mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới cấp huyện trên toàn quốc. Các nhà khoa học khuyến nghị các địa phương các bước thực hiện cụ thể khi áp dụng Kịch bản này nhằm phục vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương mình.
 
Để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2012, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu quan trắc của 200 trạm khí tượng (kịch bản 2009 chỉ sử dụng một số trạm đại diện cho 7 vùng khí hậu). Đối với việc tính toán mực nước biển dâng, đã sử dụng số liệu của tất cả các trạm hải văn, tính toán 7 giá trị cho 7 vùng khí hậu (kịch bản 2009 chỉ tính toán một giá trị cho toàn dải ven biển Việt Nam).
 
Cần hành động ngay để đối phó với biến đổi khí hậu
                                                       Ảnh: HOÀNG LONG
 
Xu hướng nóng lên
PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, người chủ trì nhóm nghiên cứu xây dựng kịch bản, cho biết, một số chỉ số khí hậu có xu hướng gia tăng so với kịch bản 2009.
 
Mức tăng nhiệt độ dao động trong phạm vi lớn hơn so với kịch bản năm 2009. Cụ thể, theo kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt độ trung bình năm có thể tới 3,2 độ C, con số này ở kịch bản năm 2009 là 2,8 độ C.
 
Theo đó, nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng 2,2 - 3,0oC; nhiệt độ cao nhất trung bình tăng 2,0 - 3,2oC.
 
Kịch bản này nhận định, lượng mưa sẽ tăng lên theo biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều, tập trung vào mùa mưa gây lũ lụt. Trong khi mùa khô lại thiếu nước gây hạn hán.
 
Theo kịch bản trung bình, đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2-7%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và giảm ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ.
 
"Trong kịch bản cập nhật này, theo yêu cầu của các địa phương, chúng tôi bổ sung tính toán các cực trị khí hậu, như nhiệt độ và lượng mưa lớn nhất của các mùa, số ngày có nhiệt độ lớn hơn 35oC, lượng mưa 1 ngày lớn nhất. Những chỉ số này rất cần trong tính toán thiết kế cho các công trình cấp, thoát nước đô thị, các công trình hồ chứa, đê điều”, PGS. Trần Thục nói.
 
Khi áp dụng Kịch bản cho các địa phương, các nhà khoa học khuyến nghị thực hiện các bước:
 
- Xác định các thông số khí hậu quan trọng đối với ngành và đối tượng nghiên cứu phù hợp với địa phương;
 
- Chọn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho địa phương từ kịch bản quốc gia;
 
- Có thể sử dụng các mô hình thủy văn, thủy lực và các mô hình đánh giá tác động nhằm cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng khác như sự thay đổi chế độ dòng chảy, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, biến đổi đường bờ, sự nâng hạ và sụt lún địa chất... phục vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Nước biển có thể dâng trên 1 mét
Điểm mới của kịch bản lần này là xác định diện tích nguy cơ ngập cho tất cả các khu vực ven biển với mức độ chi tiết đến cấp huyện.
 
Vùng ven biển Việt Nam được chia thành 7 khu vực có sự tương đồng về xu thế mực nước biển dâng. Đó là: Khu vực ven biển Bắc Vịnh Bắc Bộ, từ Móng Cái đến Hòn Dáu; Khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, từ Hòn Dáu đến Đèo Ngang; Khu vực ven biển Nam Vịnh Bắc Bộ, từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân; Khu vực ven biển Bắc của Nam Trung Bộ, từ Đèo Hải Vân đến Mũi Đại Lãnh; Khu vực ven biển Nam của Nam Trung Bộ, từ Mũi Đại Lãnh đến Mũi Kê Gà; Khu vực ven biển Đông Nam Bộ, từ Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau; Khu vực ven biển Tây, từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên.
 
Với mức trung bình, toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều hơn so với các khu vực khác.
 
Trong tình huống xấu nhất, vào cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng có thể trong khoảng từ 78-95cm, mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105cm.
 
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

                                                                                                                                                   ĐĐK
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment