Test Footer 2

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Lựa chọn những dự án cấp bách


Công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở nước ta đã bước qua giai đoạn khởi động. Từ năm 2012, các hoạt động sẽ nhằm vào triển khai các công việc cụ thể. Rất cần xác định và triển khai ngay các dự án cấp bách, thích ứng với những thay đổi bất thường của thời tiết, thiên tai... là ý kiến của các chuyên gia trong cuộc họp ngày 17-2.


Dự án Phục hồi rừng ngập mặn 
vừa giảm tác động của sóng biển, vừa hấp thụ khí thải 
gây hiệu ứng nhà kính, được xem là dự án ưu tiên trong BĐKH

Loay hoay xác định dự án

Theo ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT), do chưa hình dung đầy đủ tác động tiềm tàng của BĐKH, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương gần đây đều "loay hoay” trong đề xuất dự án, bởi thế các đề xuất này chưa giải quyết trực tiếp được vấn đề ứng phó hiệu quả với tác động BĐKH. Phần lớn là những đề xuất đơn lẻ, thiếu định hướng, chủ yếu xoay quanh vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc đánh giá tác động.

Quả thật năm 2011, khi Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (NTPRCC) yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đề xuất danh mục các dự án cần được ưu tiên triển khai, Chương trình đã nhận được danh mục hàng trăm dự án, với kinh phí khổng lồ ước tính khoảng 10 tỷ USD. Tiếc là những đề xuất này hầu hết chưa trúng với yêu cầu.

Ông Trần Văn Sáp, chuyên gia dự án Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với BĐKH tại Việt Nam, giảm nhẹ tác động và kiểm soát phát thải khí nhà kính, cho rằng nguyên nhân của việc "loay hoay” xác định dự án BĐKH là do nhận thức của cán bộ về BĐKH còn hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đề xuất dự án ưu tiên mà còn tác động đến việc thực hiện các dự án sau này.

Đã có tiêu chí xét dự án 

Để gỡ vướng cho các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí xác định dự án cấp bách, chỉ rõ các ưu tiên về BĐKH, rạch ròi ranh giới vốn rất mong manh giữa dự án BĐKH và dự án phòng chống thiên tai.

Tiêu chí chỉ rõ, ưu tiên các dự án đa mục tiêu mang lại lợi ích đồng thời cho phát triển kinh tế, xã hội và ứng phó BĐKH (ví dụ: các dự án kết hợp xây dựng hệ thống đê điều với đường giao thông, các dự án thủy điện kết hợp với sử dụng tổng hợp tài nguyên nước...).

Sẽ ưu tiên cho các dự án mà chủ dự án chứng minh dự án thuộc dạng "không thể trì hoãn, không hối tiếc, mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài”. Có thể kể đến các dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; các công trình đê kè xung yếu đe dọa thiệt hại lớn về người và tài sản, các dự án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Để mang đặc thù "ứng phó với BĐKH”, các dự án này phải đồng thời nêu được những yêu cầu bức thiết, cụ thể nhằm giảm thiệt hại do BĐKH gây ra hoặc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối với mỗi vùng kinh tế, mức độ ưu tiên sẽ khác nhau đối với từng nội dung dự án. Các dự án thích ứng với hạn hán, nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ được ưu tiên trên toàn quốc song thích ứng với bão, áp thấp nhiệt đới lại được ưu tiên hơn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ...


Mới đây, Hội đồng liên ngành Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP – RCC) đã lựa chọn được danh mục 19 dự án ưu tiên cấp bách trong ứng phó với BĐKH. Các dự án này tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết ứng phó với các tác động do thiên tai, BĐKH gây ra ở các địa phương, trọng tâm là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển. Dự kiến, sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua, các dự án này sẽ được bố trí vốn để thực hiện trong năm 2013. 

Theo ĐĐK
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment