Test Footer 2

Biến đổi khí hậu cần giải pháp ứng phó cả trước mắt và lâu dài


Biến đổi khí hậu (BĐKH), mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.  
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 60/2007/NQ-CP là rất cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu theo các kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng 2009, đây là “bảo bối” để các bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục xây dựng chiến lược, kế hoạch của mình. Theo tài liệu “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 6.2009, mực nước biển được dự báo sẽ dâng 75cm (phương án thấp) và 100cm (phương án cao) cho cả nước. Mực nước biển dâng  được công bố cho suốt dọc bờ biển đất liền của Việt Nam liệu có phục vụ được hữu hiệu công tác quy hoạch của các vùng có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu không? Hiện nay, một phiên bản mới sắp được công bố, có thể đảo lộn rất nhiều kế hoạch đã triển khai trước đây. Câu hỏi đặt ra là độ tin cậy và hiệu quả ứng dụng trong thực tế của nó như thế nào? Nếu kịch bản đối phó với BBKH lại vẫn chưa chuẩn xác thì phải làm gì, như thế nào để tránh phiêu lưu và lãng phí, tốn kém thời gian, công sức và tiền của rất lớn của nhà nước và nhân dân? 
Biến đổi khí hậu hiện nay được xem là một lĩnh vực khoa học liên kết nhiều ngành khoa học khác nhau (Interdisciplinary). Theo cách phân chia của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), có 3 nhóm ngành trong đó các nhà khoa học có nhiệm vụ phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề: 1) Bản chất của sự BĐKH (Physical Science – WG1); 2) Tác động của BĐKH, tính dễ bị tổn thương và thích ứng với BĐKH (Impact, Adaptation and Vulnerability – WG2); và 3) Giảm thiểu BĐKH (Mitigation – WG3).
Với lôgic đó, nhiệm vụ của WG1 là trả lời được các câu hỏi về bằng chứng của sự BĐKH hiện đại, chứng minh được những nguyên nhân gây BĐKH, chỉ ra được khả năng mô phỏng khí hậu (hiện tại và quá khứ) của các mô hình, tính hợp lý của các kịch bản khí nhà kính và kết quả dự tính (projection) khí hậu tương lai bằng các mô hình. Từ những kết quả của WG1, nhiệm vụ của WG2 là đánh giá mức độ tác động, mức độ tổn thương và khả năng cũng như chiến lược thích ứng với BĐKH. Cũng cần lưu ý là BĐKH có thể mang lợi đến cho một số đối tượng, khu vực, lĩnh vực, nhưng việc đánh giá của WG2 chủ yếu nhấn mạnh ở khía cạnh tác động xấu của BĐKH. Cũng từ kết quả chứng minh của WG1 về nguyên nhân gây BĐKH mà hiện nay đã được xác định là do gia tăng hàm lượng khí nhà kính từ hoạt động của con người. Nhiệm vụ của WG3 là tìm các giải pháp giảm thiểu sự BĐKH. Khái niệm “giảm thiểu” (mitigation) được hiểu là làm sao để giảm phát thải khí nhà kính qua đó giữ cho khí hậu Trái đất không nóng lên nữa và dần dần trở nên ổn định. Đó cũng là động cơ thúc đẩy phát triển các công nghệ sạch, sản xuất và sử dụng năng lương sạch. Tuy nhiên, gần đây người ta cũng đề cập đến việc “giảm thiểu” tác động của BĐKH, nghĩa là có sự khác nhau giữa “Mitigation of Climate Change” (WG3 quan tâm) và “Mitigation of Climate Change Impacts” (các quốc gia chịu tác động xấu của BĐKH quan tâm).

Từ những khái niệm cơ bản trên đây, đối với Việt Nam, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (NTP) làm được rất nhiều việc nhưng rất tiếc phương pháp tiếp cận lại làm theo bài toán ngược. Đáng lẽ ra, chúng ta phải đi theo trình tự:
1) Cần phải biết khí hậu Việt Nam có biến đổi không? Nếu có thì biến đổi như thế nào?
2) Nếu khí hậu có biến đổi thì tác động của nó theo chiều hướng có lợi hay có hại? Lĩnh vực nào, ở đâu có lợi hay có hại? Mức độ nào? v.v.
3) Với những tác động (có hại) đó, ai, lĩnh vực nào, ở đâu dễ bị tổn thương, tổn thương ít hay nhiều, v.v.
4) Khả năng giảm thiểu tác động/tổn thương do BĐKH? Chiến lược ứng phó, kế hoạch ứng phó?
5) Còn vấn đề giảm thiểu BĐKH thì VN chưa có nghĩa vụ phải giảm phát thải khí nhà kính. Tất nhiên, đây là vấn đề “tế nhị” không nên tuyên bố công khai mà nên tham gia với thế giới được đến đâu thì hay đến đấy.
Tất cả những vấn đề nói trên từ (2-4) đều phải dựa trên cơ sở của vấn đề (1) nên ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu vào phản biện chi tiết vấn đề (1) tìm ra những bất cập và những chỗ sai, để kiến nghị các giải pháp cần phải khắc phục.
Đánh giá BĐKH bao gồm hai nội dung lớn là:
1.Đánh giá BĐKH quá khứ và hiện tạiNghiên cứu, khảo sát, xác định sự BĐKH dựa trên các chuỗi số liệu quan trắc từ mạng lưới trạm. Mục đích của nhiệm vụ này nhằm đưa ra những bằng chứng thực tế về bức tranh BĐKH hiện tại và quá khứ (được hiểu là từ khi có số liệu quan trắc đến nay và gần đây). Đối với nhiệm vụ này, nguồn số liệu quan trắc là cực kỳ quan trọng. Đáng tiếc là ta chưa có một đề tài nghiên cứu khoa học nào làm một cách bài bản, đầy đủ về vấn đề này.
 Mấu chốt vẫn là số liệu. Bộ Tài nguyên & Môi trường sở hữu một “kho” số liệu nhưng lưu trữ còn manh mún, không chuyên nghiệp, dẫn đến số liệu được sử dụng trong các đề tài nghiên cứu khoa học đều chưa qua kiểm định chất lượng , và do vậy không có gì đảm bảo kết quả là chính xác!.
Giải pháp cho việc này là cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chuẩn của quốc gia trong đó tất cả các nguồn số liệu quan trắc phải bảo đảm đã được kiểm định chất lượng, thống nhất định dạng (format). Trên cơ sở đó, những tính toán, phân tích, đánh giá về BĐKH quá khứ và hiện tại cần phải được thực hiện lại một cách bài bản. Có như vậy kết quả mới đủ độ tin cậy và sử dụng được cho các mục đích khác.
2. Đánh giá BĐKH trong tương lai: Đây là vấn đề gây bức xúc nhất. Thực chất của bài toán là xây dựng các kịch bản BĐKH cho tương lai, làm cơ sở để đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương và thích ứng với BĐKH. Về nguyên tắc, ta không thể trực tiếp dự tính khí hậu tương lai cho Việt Nam nên cần sử dụng kết quả của thế giới, nghĩa là sử dụng sản phẩm dự tính khí hậu tương lai từ các mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) làm đầu vào cho các mô hình khác để hạ thấp qui mô (downscaling) không gian về qui mô khu vực và địa phương. Các mô hình khác hàm nghĩa là các mô hình thống kê (statistical downscaling) và mô hình động lực (dynamical downscaling). Sản phẩm downscaling sẽ là cơ sở để xây dựng kịch bản BĐKH cho khu vực (ví dụ như Đông Nam Á), quốc gia và vùng lãnh thổ (chẳng hạn các vùng khí hậu, các tỉnh, thậm chí đến qui mô cấp huyện). Do đó, khi xây dựng các kịch bản cần phải làm rõ: (1) Mức độ tin cậy của sản phẩm từ các GCM; (2) Độ chính xác hoặc sai số của công cụ downscaling (các mô hình thống kê và động lực). Khía cạnh thứ nhất khó có thể xác định được, và vì vậy để đảm bảo độ tin cậy (giảm tính bất định hay tính không chắc chắn), người ta thường sử dụng nhiều nguồn sản phẩm từ các GCM khác nhau. Khía cạnh thứ hai tùy thuộc chủ yếu vào năng lực của đội ngũ cán bộ làm kịch bản. Thông thường các kịch bản được xây dựng một cách độc lập từ các nhóm nghiên cứu khác nhau, sau đó đưa ra hội thảo, tranh luận để tìm ra được một kịch bản chung bảo đảm độ tin cậy cao nhất có thể.
Phương pháp downscaling thống kê thiết lập mối quan hệ thống kê (hiện nay chủ yếu là quan hệ hồi qui hoặc phức tạp hơn là mạng thần kinh nhân tạo (ANN) giữa tập số liệu quan trắc (trên mạng lưới trạm) và số liệu mô phỏng của GCM cho thời kỳ chuẩn (baseline) và giả thiết rằng mối quan hệ này vẫn đúng cho tương lai, sau đó sử dụng mối quan hệ này với đầu vào (các biến độc lập) là sản phẩm dự tính của GCM để xác định tập giá trị các yếu tố khí hậu tương lai cho các trạm. Ưu điểm chính của phương pháp này là đơn giản, dễ sử dụng, không đòi hỏi tài nguyên, năng lực tính toán mạnh. Nhược điểm quan trọng nhất của phương pháp downscaling là (1) không đảm bảo được mối quan hệ vật lý giữa các biến khí hậu (vì mỗi biến được xác định theo một hoặc một số phương trình liên hệ khác nhau); (2) quan hệ thống kê trong quá khứ có thể không còn đúng trong tương lai do điều kiện khí hậu sẽ bị biến đổi; (3) chỉ có thể nắm bắt được “qui luật” nhưng khó có thể nắm bắt được những biến đổi đột biến (extreme events); (4) chỉ dự tính được cho những nơi có thể thiết lập được các quan hệ thống kê (những nơi có số liệu quan trắc).
Phương pháp downscaling động lực sử dụng các mô hình khí hậu khu vực (RCM) làm công cụ, số liệu từ các GCM (cả mô phỏng cho thời kỳ chuẩn và dự tính tương lai) làm điều kiện biên. Các RCM nói chung được phát triển dựa trên các mô hình khu vực hạn chế (Limited Area Model – LAM) dự báo thời tiết. Bản chất các mô hình này là giải hệ phương trình thủy nhiệt động lực học bằng các phương pháp khác nhau (sai phân hữu hạn, phổ, ...) trong không gian 5 chiều (x, y, z, t và các biến khí quyển). Độ chính xác của sản phẩm của các mô hình phụ thuộc vào (1) động lực học và vật lý của mô hình (các phương trình, phương pháp sai phân, độ phân giải, các sơ đồ tham số hóa vật lý,...); (2) số liệu điều kiện biên (sản phẩm của GCM). Ưu điểm chính của phương pháp này là:  Đảm bảo mối quan hệ ràng buộc vật lý giữa các biến khí hậu; Cho phép tái tạo và mô tả chi tiết được điều kiện khí hậu ở bất kỳ nơi nào trong miền tính của mô hình; Nắm bắt được cả qui luật và những biến đổi đột biến. Tuy nhiên nhược điểm là: Đòi hỏi năng lực máy tính lớn cả tốc độ, khối lượng tính toán cũng như không gian lưu trữ; Sai số vẫn còn lớn đối với một số yếu tố như giáng thủy (do phụ thuộc nhiều vào các sơ đồ tham số hóa đối lưu), mây, gió.
Rõ ràng là không có gì để đảm bảo chắc chắn sản phẩm dự tính và kịch bản BĐKH được xây dựng bởi một số cá nhân trong một cơ quan lại có thể được xem là “bảo bối” cho mọi địa phương, Bộ, Ban, Ngành áp dụng đại trà. Xu hướng hiện nay trên thế giới khi xây dựng các kịch bản BĐKH ở qui mô quốc gia và vùng lãnh thổ người ta cố gắng tạo ra được càng nhiều sản phẩm dự tính khí hậu càng tốt, và càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia một cách độc lập càng tốt, sau đó tổ hợp lại bằng các phương pháp khác nhau để nhận được các kịch bản có tính bất định nhỏ nhất, cố gắng dạt được độ tin cậy cao nhất.
Trở lại với vấn đề các kịch bản BĐKH ở Việt Nam. Năm 2009 phiên bản chính thức đầu tiên (trước đó đã có 2 phiên bản) được Thủ tướng phê duyệt và đưa ra áp dụng đại trà. Phiên bản này được Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng dựa trên chỉ một phướng pháp duy nhất là downscaling thống kê sử dụng phần mềm MAGIC/SCENGEN. Không ai có thể kiểm soát được nhóm tác giả làm như thế nào để đạt được kết quả đó. Đó cũng là sản phẩm duy nhất, không có đối chứng, không có so sánh. Do đó có thể khẳng định kịch bản đó còn chứa đựng tính bất định rất lớn. Và điều đó đã được khẳng định lại sau lần Hội thảo “cập nhật” kịch bản năm 2010 để chuẩn bị cho phiên bản mới sắp công bố (đáng lẽ đã công bố rồi). Điều nguy hiểm là người ta đã nhận thấy có sự khác biệt rất lớn giữa hai phiên bản: năm 2009 (đã công bố) và năm 2010 (dự định cập nhật), nhưng không thể khẳng định cái nào đúng hơn cái nào (vì cả hai đều chẳng có gì chắc chắn cả). Về lý, cái sau chắc phải khắc phục được những nhược điểm của cái trước, nhưng nếu thừa nhận cái sau “đúng hơn” thì phải “chỉnh” cái trước (đã được áp dụng) quá nhiều. Và vì vậy, người ta dự định chỉnh theo kinh nghiệm của các “lão gia” sao cho vừa vẫn đảm bảo “có cập nhật” lại vừa làm yên lòng những cơ quan, tổ chức đã “lỡ” áp dụng cái trước để triển khai “ứng phó”!
Gần đây, tôi được tham dự Hội thảo khoa học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội có sự công tác của chuyên gia Đức chạy 3 mô hình khí hậu khu vực (RegCM, REMO, MM5CL) với hai loại đầu vào từ GCM (NCAR và ECHAM) mà kết quả xử lý còn chưa dám nói lên điều gì là chắc chắn cả.
Kết luận và kiến nghị:
Trước hết, cần phải dừng ngay việc triển khai các nhiệm vụ “đánh giá tác động của BĐKH và kế hoạch/chiến lược ứng phó” của các tỉnh, Bộ, Ban, Ngành dựa trên kịch bản BĐKH năm 2009 và cả sắp công bố. Lý do là các kịch bản này vẫn hàm chứa tính bất định quá cao.
Chính phủ yêu cầu các cơ sở đang xây dựng kịch bản BĐKH như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiêp & Phát triển nông thôn, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội vv…nhóm họp lại, thông báo xem ai, ở đâu đang làm gì, đến đâu (có thể nêu kết quả). Mục đích của cuộc họp/hội thảo này là đánh giá lại phương pháp, cách tiếp cận để biết được các cơ sở khác nhau có nhận thức đúng đắn việc nội hàm của vấn đề không, và cũng để biết xem những cơ sở nào đang làm giống nhau vv...Nếu các nhà khoa học Việt Nam cởi mở trao đổi các thông tin, số liệu, phương pháp luận, cách tiếp cận và kết quả tính toán, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, tin cậy hơn.
Phân công các cơ sở thực hiện việc dự tính và xây dựng kịch bản theo các cách tiếp cận được cho là hợp lý (thực chất các kịch bản chưa cần thiết nhưng họ vẫn có thể đề xuất để dùng làm tham khảo). Cần tính toán bổ sung một cách định lượng mực nước biển dâng phù hợp đối với các vùng bờ biển khác nhau để kịp thời điều chỉnh cho công tác quy hoạch của các các ngành và địa phương.
Ấn định thời hạn giao nộp sản phẩm dự tính khí hậu tương lai và thời kỳ chuẩn dưới các định dạng (format) thống nhất và thành lập một nhóm hoặc tất cả các cơ sở cùng làm “tổ hợp lại”. Kết quả dự tính ở đây sẽ là cơ sở để xây dựng kịch bản BĐKH cho Việt Nam, và thậm chí cho các tỉnh, thành. Hầu hết các các cơ sở đang thực hiện theo các đề tài (cấp nhà nước, cấp bộ,...) thì không cần nhà nước phải chi tiền, mà chỉ yêu cầu tham gia như là một nhiệm vụ bắt buộc của các đề tài nghiên cứu khoa học.
BĐKH là vấn đề toàn cầu cần phải được quan tâm tìm giải pháp ứng phó cả trước mắt và lâu dài đặc biệt các giải pháp thích nghi và giảm thiểu các tác hại. Tuy nhiên BĐKH không phải là con “ngáo ộp” để vội vã đưa ra các kịch bản ứng phó thiếu độ tin cậy, dẫn đến phiêu lưu, lãng phí, không hiệu quả. Khí hậu luôn biến đổi từ từ, nước biển dâng cũng từ từ nhưng hệ quả của BĐKH là sự biến đổi của các hiện tượng cực đoan, cái nào “nóng” hơn và nên xử lý như thế nào là vấn đề các nhà khoa học và nhà quản lý phải trả lời vì cuộc sống của người dân.
                         Tô Văn Trường
Theo VNN
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment