Những năm gần đây, khu vực cửa sông Thu Bồn (Cửa Đại, Hội An) phải hứng chịu tác động nặng nề của nhiều đợt bão và sóng lớn. Hiện tượng này gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong mùa lũ. Tuy nhiên, vào mùa kiệt, cửa sông lại bị bồi lắng, tích tụ một khối lượng lớn bùn cát, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hoạt của người dân cũng như khó khăn trong giao thông đường thủy, thoát lũ. Nghiên cứu chế độ thủy động lực vùng cửa sông của trường Đại học Thủy lợi đã đưa ra một giải pháp khả thi khi xây dựng kè chắn sóng, chống xói lở và bồi tụ cho khu vực bờ sông này.
Cửa sông đã dịch chuyển xấp xỉ 50m/năm
Theo GS.TS. Vũ Minh Cát, Chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu đê chắn sóng cửa Đại, Hội An”, khu vực cửa sông Thu Bồn nằm trong vùng chịu ảnh hưởng tổng hợp của cả chế độ hải văn biển và chế độ thủy văn sông, nhưng mang đặc thù mùa rất rõ rệt. Đó là hiện tượng mở cửa và xói bờ, lòng sông trong mùa lũ khi lưu lượng nước từ trong sông ra rất lớn và cạn kiệt, bồi lắng cửa rất nhanh khi mùa kiệt với thời gian kéo dài khoảng 8 tháng trong năm. Xét về mặt địa chất thì cửa sông Thu Bồn hình thành chủ yếu với các thành tạo bởi cát từ trung bình đến thô và dễ bị biến động dưới tác dụng của dòng nước.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An ông Trần Văn Dũng thông tin thêm, năm 2009, sóng biển đã đánh sạt mái ta luy của hơn 500m tuyến đường ven biển từ giữa khu nghỉ mát Golden Sand Resort của Công ty IOC cho đến Resort của Công ty Đông Dương. Và 3 năm qua đường Âu Cơ - con đường độc đạo từ trung tâm TP. Hội An xuống phường Cửa Đại, sóng biển đã "liếm" vào hàng trăm mét. Còn theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, sự phân hóa của trường sóng Nam trong mùa bão đã làm dịch chuyển cửa sông xấp xỉ khoảng 50m mỗi năm, bồi lấp bên hữu ngạn và xói lở phía tả ngạn. Với điều kiện thủy thạch động lực như trên, cửa sông Thu Bồn biến động khá lớn theo không gian, gây xói theo đường bờ biển vào mùa mưa lũ ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế xã hội cho đô thị cổ Hội An, trong khi vào mùa khô, khi nước trong sông đổ ra biển nhỏ thì dòng ven bờ lại mang cát bồi lấp vào cửa sông gây khó khăn cho giao thông thủy - hoạt động kinh tế có ý nghĩa quan trọng của Quảng Nam.
Giải pháp nào hiệu quả?
Dựa vào những đặc điểm vùng cửa sông, các nhà nghiên cứu đã đưa ra Phần mềm MIKE21FM để mô phỏng trường sóng, dòng chảy và bùn cát với các điều kiện thủy hải văn đặc trưng trong 3 kịch bản sau: 1- Mô phỏng hiện trạng khi không có công trình. 2- Mô phỏng với trường hợp khi xây dựng 2 kè chắn sóng song song với nhau ở 2 bờ Nam và Bắc của cửa sông với chiều dài mỗi jetty là 700m; khoảng cách giữa chúng là 300m với mục đích chắn cát và giảm sóng vùng cửa sông, tạo luồng cho giao thông thủy, nhưng vẫn đảm bảo thoát lũ. 3- Xây dựng 2 kè chắn sóng song song với nhau ở 2 bờ Nam Bắc của cửa sông; Kè phía Bắc dài 1300m chia 2 đoạn tạo với nhau góc 1350 nhằm chắn sóng Đông Bắc với tần suất lớn nhất truyền trực diện đi vào cửa và kè phía Nam dài 400m song song với đoạn gốc của kè phía Bắc; khoảng cách giữa chúng là 300 m. Chọn năm 1998 làm năm tính toán; tháng 7 đại diện cho mùa khô và tháng 11 đại diện cho mùa lũ. Kết quả cho thấy, vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc vận chuyển bùn cát tổng cộng có hướng từ Bắc xuống Nam với xu thế xói bồi xen kẽ và bùn cát được mang tới khu vực trước cửa sông với tổng lượng khoảng 60,000-70,000 m3/năm và thời kỳ gió mùa Tây Nam, tình hình ngược lại với vận chuyển bùn cát từ phía Nam lên lớn hơn từ phía Bắc xuống với tổng lượng khoảng 40,000m3/năm, nhưng có hiện tượng xói mùa hè và bồi trong mùa đông. Khu vực trước cửa sông có xu thế được bồi tạo thành các bar cát ngầm chắn ngang cửa. Diễn biến trên làm cửa sông có xu thế di động, nhưng xu thế bị bồi hầu hết các tháng trong năm trừ 4 tháng mùa lũ. Dựa trên kết quả mô phỏng, hệ thống công trình gồm 2 đê chắn sóng được thiết kế với nhiệm vụ chắn sóng. Các kết quả trên mới chỉ mang tính xu thế vì thời gian mô phỏng chưa dài, chưa đủ tính đại biểu và đặc biệt trong mùa lũ (tháng 11) chưa đánh giá hết được ảnh hưởng của bùn cát tải từ trong sông ra. Tuy nhiên, đã có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng MIKE21FM là hoàn toàn khả thi và kết quả của mô phỏng giúp định hướng giải pháp công trình nhằm các mục đích đề ra là ngăn chặn bùn cát gây bồi ở cửa sông, giảm sóng gió tạo luồng giao thông thủy và đủ khẩu độ công trình thoát lũ, đẩy cát bồi phía cửa ra ngoài xa và ổn định cửa sông.
Theo monre
0 nhận xét:
Post a Comment