Test Footer 2

KC.08/06-10: Chuyển giao công nghệ thích ứng để giảm thiểu biến đổi khí hậu

 
GS.TS Trần Đình Hợi – Chủ nhiệm Chương trình KC.08/06-10
 
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động của nó là một trong những vấn đề cấp bách không chỉ của nước ta mà của toàn thế giới. Trước những mối thiên tai nguy hiểm luôn rình rập nhân loại (hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, động đất…), các nhà khoa học của Chương trình KC.08/06-10 đã nỗ lực hết mình trong việc góp phần giải quyết bài toán toàn cầu nói trên. Phóng viên Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Đình Hợi – Chủ nhiệm chương trình xoay quanh vấn đề này.
Lần đầu tiên xác lập đầy đủ cơ sở khoa học về BĐKH ở Việt Nam

PV: Chương trình: “Khoa học và Công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” (KC.08/06-10) đã được triển khai với những mục tiêu và nội dung cụ thể như thế nào, thưa ông?

GS.TS Trần Đình Hợi: Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã lựa chọn và đưa vào thực hiện 33 đề tài nhằm nghiên cứu, áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất l¬ượng dự báo và cảnh báo về một số dạng thiên tai nguy hiểm thường xảy ra.

Các kết quả nghiên cứu của các đề tài đã đóng góp hiệu quả cho việc xây dựng và hoàn thiện một bước các công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo bão (KC.08.05), dự báo lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (KC.08.17), quy hoạch chiến lược hệ thống công trình quản lý lũ vùng biên giới ĐBSCL (KC.08.08) kịp thời góp phần vào công tác phòng tránh và phòng chống bão, như nghiên cứu cấu trúc sâu vỏ trái đất bằng phương pháp địa chấn dò sâu; dự báo liên hoàn bão, nước dâng và sóng với thời gian trước 3 ngày; nghiên cứu công nghệ điều hành hệ thống liên hồ chứa,…

Đồng thời Chương trình cũng làm rõ xu thế, nguyên nhân biến đổi tài nguyên thiên nhiên, diễn biến môi trường tại một số vùng cũng như đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Xây dựng thành công một số quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm nước sau lũ (KC08.03/06-10), ô nhiễm đất và nước bởi dòng thải axit và kim loại nặng do khai thác khoáng sản (KC08.04/06-10; KC08.27/06-10) và ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn (KC08.26/06-10) bằng các công nghệ đơn giản, dễ làm hoặc với sự ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường (thực vật, đá và khoáng chất tự nhiên), vật liệu nano có triển vọng ứng dụng thực tiễn rộng rãi và làm tiền đề phát triển hướng nghiên cứu các công nghệ mới trong xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước hiện đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng. Cũng như xây dựng thành công các tiêu chí đánh giá định lượng dòng chảy môi trường của một số dòng sông và đề xuất được các giải pháp công nghệ cải thiện tình trạng ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường (KC08.12/06-10; KC08.22/06-10; KC08.25/06-10). Đây là những cơ sở khoa học và công nghệ quan trọng cho một hướng nghiên cứu mới các công nghệ và giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện và phục hồi chất lượng nước của các dòng sông bị ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước cho phát triển bền vững.
Ngoài ra quy trình công nghệ điều tra của Chương trình đã giúp đánh giá, tìm kiếm nước ngầm vùng karst tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang được kiểm nghiệm bằng các lỗ khoan có nước với lưu lượng khai thác, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Hay quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng và quy trình đẩy mặn xử dụng tiết kiệm nước có ý nghĩa quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước hợp lý cho các hộ dùng nước, đảm bảo an toàn công trình góp phần xử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước mặt đang ngày càng khan hiếm.
Đặc biệt, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là công viên địa chất cấp quốc tế. Đây là công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam chính thức có danh hiệu ngang với các danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới (đứng sau di sản thế giới). Điều đó góp phần làm tăng thêm vị thế tài nguyên của đất nước. 
Được biết Chương trình có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề BĐKH. Ông có thể cho biết những kết quả về lĩnh vực được coi là “nóng” của toàn cầu này?

Như chúng ta biết, BĐKH là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua Chương trình mới chỉ có một vài đề tài được thực hiện theo hướng này. Bước đầu nhận dạng được một cách rõ rệt các biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam trong mối tương quan với BĐKH toàn cầu và đánh giá dự báo các tác động của chúng tới tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội.

Các nghiên cứu đã được triển khai nhằm đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xã hội cũng như các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam và dự báo xu hướng BĐKH; nghiên cứu xây dựng chiến lược quản lý hạn và sa mạc hóa. 

Các yếu tố BĐKH đã được xem xét và tích hợp vào các nội dung nghiên cứu dự báo một số dạng thiên tai nguy hiểm và thường xuyên xảy ra ở Việt Nam (mưa, bão, lũ, hạn hán,…). Nhiều kết quả của các đề tài trực tiếp giải quyết những yêu cầu thực tiễn quan trọng và bức xúc, góp phần tích cực vào công tác phòng tránh và phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai: dự báo bão với thời gian 3 ngày (KC08.05/06-10), trượt lở đất cho các trung tâm huyện lỵ miền núi (KC08.33/06-10), chỉnh trị sông đa mục tiêu (KC08.14/06-10), quản lý lũ xuyên biên giới ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (KC08.08/06-10),… 

Có thể nói, đây là lần đầu tiên xác lập một cách tương đối đầy đủ cơ sở khoa học về BĐKH và các kịch bản BĐKH ở Việt Nam (KC08.13/06-10) kịp thời phục vụ “Xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam” cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên phạm vi toàn quốc và cho từng địa phương. Ngoài ra, kết quả về dự tính sự biến đổi các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XXI (KC08.29/06-10) cũng được coi là những cơ sở khoa học cho các giải pháp chiến lược và kế hoạch qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nhà nước cũng như các địa phương trong bối cảnh BĐKH toàn cầu đã được đề xuất trong khuôn khổ các đề tài này.

100% sản phẩm được đưa vào ứng dụng thực tiễn

Khả năng ứng dụng thực tế của các đề tài và hiệu quả kinh tế mà Chương trình đem lại là gì, thưa ông?

Hầu hết các sản phẩm được kiến nghị đưa vào ứng dụng thực tiễn cho các lĩnh vực chiếm 100%. Tuy nhiên, việc quy định được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho triển khai thường vướng mắc ở khâu thẩm định và quyết định (thời gian và cơ chế thẩm định). Thêm vào đó, theo quy định của Bộ KH&CN, các kết quả chỉ được chuyển giao cho thực tế sau khi được đánh giá nghiệm thu bảo đảm chất lượng ở cấp nhà nước. Vì thế, cho đến thời điểm kết thúc Chương trình mới có một số sản phẩm được đưa vào ứng dụng thực tế (đã có xác nhận và đánh giá của cơ sở sử dụng kết quả - sản phẩm), nhiều kết quả khác đang trong thời gian chờ đợi. Ngoài ra, nhiều kết quả cần có thời gian đủ dài để kiểm nghiệm mức độ chính xác và tính ổn định trước khi chuyển giao cho ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, để kịp thời đáp ứng yêu cầu (nhu cầu) ứng dụng của địa phương, một số sản phẩm hoặc kết quả nghiên cứu của chương trình đã được Bộ KH&CN cho phép chuyển giao sớm sau khi được các chuyên gia thẩm định đánh giá: đó là lỗ khoan nước kiểm chứng phương pháp ở Quản Bạ (Hà Giang) của đề tài KC08.19/06-10 đã được chuyển giao cho địa phương trước khi nghiệm thu; quy hoạch bố trí công trình chỉnh trị sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội của đề tài KC08.14/06-10 sẽ được chuyển giao cho UBND Tp. Hà Nội; bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp về đất gò đồi của đề tài KC08.01/06-10 đã được chuyển giao cho 6 tỉnh vùng Đông Bắc;…

Ngoài ra có những kết quả được sử dụng ngay vào thực tiễn như đóng góp vào công tác “Xây dựng kịch bản BĐKH, nước biến dâng cho Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2009.

Đặc điểm của Chương trình KC08/06-10 là khó đánh giá định lượng về hiệu quả kinh tế của các sản phẩm khoa học (kết quả) theo lợi nhuận thu được như các Chương trình công nghệ, hoặc giống cây trồng vật nuôi. Bởi những sản phẩm đó hầu như không phải là những cái cụ thể bằng vật chất có thể sờ nắm được. Tuy nhiên, Chương trình cũng đưa ra những cách tính cho 8 đề tài có các sản phẩm khoa học có thể lượng hóa hiệu quả kinh tế thông qua phân tích so sánh, kết quả cho thất có thể đem lại lợi ích kinh tế khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học của chương trình không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn lớn. 
Vậy đâu là mục tiêu và định hướng nghiên cứu mà Chương trình lựa chọn cho giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
- Gói gọn trong những chữ sau: Tiếp tục- hoàn thiện; ứng dụng và phát triển nhân rộng. Đó là định hướng chung phát triển khoa học công nghệ trong các lĩnh vực phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho giai đoạn 2011-2015.
Nghiên cứu khoa học cần chủ động đi trước làm cơ sở cho công tác quy hoạch và kế hoạch. Chương trình của giai đoạn 2011-2015 là cụ thể nhưng phải có tầm nhìn đến năm 2020 hoặc xa hơn để tránh tư duy theo nhiệm kỳ. 
Nâng lên tầm cao mới về phương pháp luận, cách tiếp cận hệ thống, đặc biệt đưa yếu tố biến đổi khí hậu tương thích với chương trình hành động của các ngành, các địa phương, phù hợp khả năng kinh tế. 
Để nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học, ngoài việc bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước, các vấn đề nóng bỏng có tính thời sự rất cần có cơ chế chủ động để phản ánh tiếng nói kịp thời của các nhà khoa học trước công luận.

Xin cám ơn ông!
Trần Hồng-CESTC
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment