Test Footer 2

Hệ thống thông tin dữ liệu quản lý tài nguyên, môi trường biển

Cần xây dựng một hệ thống thông tin dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý tài nguyên, môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo, đồng thời bảo đảm an toàn, an nình trên biển của Việt Nam. 
 Đó là ý kiến của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại Hội thảo quốc tế “Hệ thống thông tin phục vụ quản lý biển và hải đảo” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự hỗ trợ của Trung tâm thu phát định vị vệ tinh Pháp.
Việt Nam là một quốc gia biển với 1 triệu km2 mặt nước biển, trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 đảo, 28 tỉnh, thành phố có biển, 145 huyện ven biển và hải đảo…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng VASI, các số liệu tổng hợp tài nguyên môi trường biển đảo chủ yếu dựa vào các trạm quan trắc về khí tượng hải văn. Các số liệu này chủ yếu quan sát các yếu tố về khí tượng hải văn chứ chưa đi sâu quan sát diễn biến về môi trường của biển và hải đảo…
Hệ thống cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo Việt Nam chưa đồng bộ, chưa được sử dụng rộng rãi ở các bộ, ngành, địa phương cũng là ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.
Tuy nhiên, nhiều dự án khoa học công nghệ đã và đang thực hiện tại Việt Nam nhằm xây dựng, phân tích, quản lý và sử dụng tài nguyên môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế biển đảo như: hình thành các trạm quan trắc tổng hợp TN-MT biển; lắp đặt các trạm ra đa giám sát biển; xây dựng trạm định vị vệ tinh. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng công nghệ viễn thám với trạm thu ảnh vệ tinh có độ phân giải siêu cao trong việc xây dựng bản đồ biển, bản đồ biến động đường bờ, bản đồ rừng ngập mặn, xác định hàm lượng chất diệp lục, chất lơ lửng trong bề mặt nước biển, tính nhiệt độ bề mặt nước biển và nồng độ muối biển.
Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT cũng đang cùng đối tác Pháp xây dựng dự án Hệ thống quan sát tàu đánh cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh.
Theo TS Chu Tiến Vĩnh, dự án này cung cấp cho ngư dân những bản tin dự báo chuyên ngành về hiện tượng bất thường trong vùng biển họ đang đánh cá, hướng dẫn họ cách di chuyển, và cứu hộ khi có sự cố xảy ra.
Dự án cũng sẽ cung cấp thông tin khí tượng hải văn và về môi trường biển cho ngư dân biết, thông báo cho ngư dân những vùng nào có khả năng nhiều cá để đánh bắt. Ngư dân cũng sẽ có trách nhiệm báo cáo về trung tâm nơi họ đánh bắt và đánh bắt đựơc loài gì để cơ sở này tổng hợp, xử lý, lập ra những dự báo khai thác giúp cho ngư dân.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan tập trung thảo luận các giải pháp về hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý bền vững biển và hải đảo. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan và các đối tác Pháp tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, phối hợp và tạo điều kiện để Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hoàn thành việc xây dựng dự án hợp tác quan trọng này, để giúp Việt Nam sớm có một hệ thống thông tin tích hợp về tài nguyên - môi trường biển hiện đại và đồng bộ, phục vụ thiết thực công tác quản lý biển và hải đảo của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo và bảo đảm an toàn, an ninh trên biển.
                                                                                             Theo NDO  
SHARE
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment