Ngày đăng: Thứ năm, 28.01.2016 14:10
Một góc cầu Thuận Phước, Đà Nẵng lúc nước lũ lên cao
Làm sao để nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng sống trong vùng bị bão lũ và cơ chế nào để đảm bảo việc cung cấp cơ sở hạ tầng xanh nhằm tăng cường quản lý lũ lụt và khả năng chống chịu của đô thị… là những câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo khởi động giai đoạn 2 chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua. Hội thảo do Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với Biến đối khí hậu và nước biển dâng phối hợp với đơn vị tư vấn chiến lược ISET tổ chức.
Đây là bước chuyển chính thức sang giai đoạn 2 của chương trình nhằm nghiên cứu và xây dựng một chiến lược chống chịu cho thành phố Đà Nẵng. Trong bối cảnh các thách thức và áp lực ngày càng gia tăng trong thế kỷ 21, chiến lược chống chịu sẽ giúp thành phố tồn tại và phát triển mạnh mẽ bất chấp biến đổi khí hậu, các thiên tai, các hệ quả của đô thị hóa nhanh, các nguy cơ như thiếu nước, thiếu việc làm...
Ông Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia kỹ thuật của ISET nhấn mạnh, Chiến lược chống chịu cho thành phố Đà Nẵng cần phải là một chiến lược dài hạn, đi vào tương lai dựa dựa trên khung khả năng chống chịu để giải quyết nhiều loại cú sốc và áp lực khác nhau. Đồng thời, chiến lược không nên được xây dựng một cách độc lập, mang nặng tính kỹ thuật mà cần phải chú trọng khả năng ứng dụng sau khi ban hành, gắn kết các hoạt động chống chịu vào các chương trình phát triển của thành phố, hỗ trợ xây dựng các hướng đột phá để thành phố có thể phát triển mạnh mẽ bất chấp các cú sốc và áp lực.
Cuối năm 2013, Đà Nẵng được lựa chọn trong số 33 thành phố đầu tiên được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng. Ông Đinh Quang Cường – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng cho biết: Lý do Đà Nẵng được chọn là vì được đánh giá cao nhờ những nỗ lực liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, xây dựng năng lực cộng đồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đồng thời, những kinh nghiệm của Đà Nẵng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là bài học chia sẻ với cộng đồng thế giới.
Giá trị của Chương trình được thể hiện ở việc Quỹ Rockefeller cam kết tài trợ 100 triệu USD nhằm xây dựng khả năng phục hồi đô thị ở các thành phố trên toàn thế giới (ước tính 01 triệu USD/thành phố). Bốn nội dung hỗ trợ cụ thể trong khuôn khổ chương trình là, khi trở thành thành viên trong mạng lưới mới, các thành phố thành viên sẽ được Dự án hỗ trợ, chia sẻ kiến thức mới và khả năng thực hiện phục hồi nhanh tốt nhất, thúc đẩy các mối quan hệ và quan hệ đối tác mới.
Sau 2 năm tham gia chương trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu của TP. Đà Nẵng từng bước cải thiện để ứng phó tốt hơn với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đó là việc cải thiện nhà ở cho người dân nghèo, cải thiện hệ thống cấp nước và quản lý lũ lụt, hạn hán…. Quá trình đó được lãnh đạo thành phố đưa vào những kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược và có sự phối hợp của nhiều ngành nhiều cấp, sự hỗ trợ của trung ương và các tổ chức quốc tế.
Thành phố đã xây dựng, củng cố năng lực của các tổ chức chính quyền địa phương, của khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Bên cạnh đó, thành phố phát huy khá tốt vai trò của Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và Nước biển dâng thành phố (CCCO), nâng cao kỹ năng và nguồn lực để nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp lập kế hoạch can thiệp và thích nghi. Đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của các hộ dân và các nhóm cộng đồng thích ứng với khu vực ven biển và miền núi dễ bị tổn thương.
Thu Hà (baotainguyenmoitruong.vn)
0 nhận xét:
Post a Comment